28/10/2018 12:38 GMT+7

Nhà sáng chế nông dân: 'Ít bằng cấp, tôi chỉ lấy bằng lòng của bà con làm điểm tựa'

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Mới học hết lớp 9, ông Lê Thanh Liêm (48 tuổi, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) không có bằng cấp gì để làm “đối trọng” với những sản phẩm do chính ông tạo ra.

Nhà sáng chế nông dân: Ít bằng cấp, tôi chỉ lấy bằng lòng của bà con làm điểm tựa - Ảnh 1.

Chiếc máy se chỉ xơ dừa 8 trục do ông Liêm chế tạo - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tôi không có bằng cấp gì cả, chỉ có sự bằng lòng của bà con làm điểm tựa.

Ông Lê Thanh Liêm

Mười năm qua, ông lấy sự "bằng lòng" của bà con làm động lực để cho ra đời trên dưới 400 máy se chỉ xơ dừa. Ông hay nói đùa: "Tôi không có bằng cấp gì cả, chỉ có sự bằng lòng của bà con làm điểm tựa".

Nhà sáng chế lớp 9

Sinh ra trong gia đình nghèo khó có 4 anh em, theo học đến năm lớp 9 thì ông Liêm nghỉ ngang. Năm 21 tuổi, sau khi xuất ngũ ông về quê cưới vợ và ban đầu mở một tiệm sửa xe đạp, sau đó ông học thêm nghề sửa xe máy để mưu sinh. Đây cũng là thời gian ông bén duyên với nghề cơ khí khi thỉnh thoảng có một vài người dân địa phương mang máy móc nông cụ đến nhờ sửa.

Rồi một ngày, tình cờ một người mang đến tiệm sửa xe của ông một chiếc máy se chỉ xơ dừa thủ công với lời than thở: "Nếu có cái máy tự động thì đỡ nhọc công biết mấy". Đời ông Liêm rẽ sang một hướng mới từ đây. Năm 2003, ông bắt đầu mày mò chế tạo máy se chỉ xơ dừa từ con số không tròn trĩnh. Vốn liếng không, kinh nghiệm không, kiến thức về cơ khí được đào tạo bài bản cũng không, nhưng đổi lại là sự đam mê.

"Hồi đó ai cũng bảo tôi không bình thường vì học hành chưa đâu tới đâu, kiến thức về cơ khí chỉ là những kỹ thuật căn bản đủ để sửa chữa xe máy, xe đạp thì làm sao chế tạo ra được máy móc phức tạp. Nhưng tôi vẫn quyết làm" - ông Liêm nhớ lại. 

Để có tiền theo đuổi đam mê chế tạo, bao nhiêu của cải dành dụm trong nhà lần lượt "đội nón ra đi". Ông Liêm chỉ biết rằng đến năm 2009, khi chiếc máy se chỉ xơ dừa đầu tiên thành công, dù mừng rơi nước mắt nhưng ông cũng kịp ngoảnh lại và nhìn thấy trong nhà không còn đồ vật gì quý giá ngoài những khung sắt ngổn ngang - sản phẩm của những lần chế tạo thất bại.

Chiếc máy hoạt động trơn tru chỉ với một động cơ điện nhưng cho ra nhiều loại chỉ từ 2-6 li, ông Liêm tự tin trình làng và được thị trường đón nhận như một sự bứt phá trong công nghệ se chỉ xơ dừa. So với làm thủ công, chiếc máy do ông chế tạo cho năng suất gấp 24 lần trước đây. Ngoài ra, sợi chỉ se ra cũng đều và đẹp hơn rất nhiều so với làm thủ công.

Nhà sáng chế nông dân: Ít bằng cấp, tôi chỉ lấy bằng lòng của bà con làm điểm tựa - Ảnh 3.

Ông Lê Thanh Liêm bên những cuộn chỉ xơ dừa do máy se chỉ xơ dừa của ông tạo ra - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Lấy sự "bằng lòng" thay bằng cấp

"Chiếc máy được vận hành bằng một môtơ điện. Từ môtơ, lực truyền động đến các bộ phận khác bằng dây xích, curoa nên chỉ cần một công nhân đứng mỗi máy là được. Quy trình se chỉ cũng khá đơn giản, máy có hai hệ thống. Hệ thống thứ nhất là để làm sạch xơ chỉ dừa, sau đó trải đều trên băng chuyền của máy. Băng chuyền sẽ tự động đẩy xơ chỉ dừa vào tám rãnh dẫn có sẵn sợi chỉ mồi. Tại đây, xơ dừa nguyên liệu sẽ được se thành sợi và cuốn vào cuộn" - ông Liêm rành rọt kể nguyên tắc, quy trình hoạt động của máy.

Chị Huỳnh Thị Trinh (40 tuổi, ngụ xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho biết gia đình chị làm nghề se chỉ xơ dừa từ nhiều năm nay. Trước đây, chị phải đi qua Trà Vinh để mua máy về làm với giá 80 triệu đồng nhưng chỉ hoạt động được một thời gian rồi bị hư. Tình cờ biết đến máy se chỉ xơ dừa của ông Liêm, chị Trinh đã tìm đến và đặt mua một chiếc với giá 60 triệu đồng về làm thì hiệu quả hơn hẳn.

"So với máy cũ tôi mua, máy của ông Liêm năng suất cao hơn rất nhiều, một lần có thể cho ra 8 sợi chỉ cùng lúc. Ngoài ra, giá thành cũng rẻ hơn 20 triệu đồng. Nhưng cái được nhất là ổng nhiệt tình, hướng dẫn thao tác máy rất chi tiết, tỉ mỉ" - chị Trinh nói.

Một nguyên tắc bán máy của ông Liêm là người mua phải đến xưởng của ông để học nghề một thời gian ông mới bán máy. Ông dạy miễn phí, đến khi người mua rành rẽ các thao tác rồi ông mới bán. Bởi thế, không chỉ riêng chị Trinh mà hàng trăm người đã mua máy của ông Liêm khắp các tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh... đều có cùng nhận xét tốt về sản phẩm của ông. 

Sản phẩm máy se chỉ xơ dừa 8 trục của ông cũng đoạt giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ V năm 2014-2015 và được xếp vào 17 giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội cũng như góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Ngoài ra, ông đã nhận được hàng chục bằng khen của các sở ngành, tỉnh và trung ương về sản phẩm này trong suốt 10 năm qua.

Thành công trong việc chế tạo máy móc nhưng có một điều khiến ông không thể không day dứt đó chính là môi trường để khởi nghiệp. Cách đây gần một năm, được vận động thành lập công ty và ông đã tiến hành làm các thủ tục. Tuy nhiên, đến phút chót ông lại nhận được thông báo là phải có bằng kỹ sư mới đủ điều kiện.

"Tôi mới học đến lớp 9 thì lấy đâu ra bằng cấp để nộp. Thôi mình cứ làm những gì xã hội cần. Với tôi, không bằng cấp nào quan trọng và cao cả bằng sự bằng lòng của bà con" - ông Liêm thở dài nói rồi cặm cụi vào mớ máy móc, bản vẽ để chuẩn bị cho ra đời một cỗ máy mới mà theo ông sẽ thay đổi rất lớn trong việc nâng cao giá trị cây dừa của quê hương.

Tìm hướng hỗ trợ

Ngày 4-10, ông Phan Văn Mãi - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, kiêm chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre - cho biết liên quan đến việc thành lập công ty của ông Lê Thanh Liêm, Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh đã cử người đến gặp và tìm hướng hỗ trợ.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên