Phóng to |
Arnon Milchan (giữa) chụp ảnh với với cặp đôi Brad Pitt và Angelina Jolie - Ảnh: Getty Images |
Những đồn đoán về việc Arnon Milchan (68 tuổi) - người góp phần không nhỏ vào thành công của hàng loạt tác phẩm điện ảnh như Pretty Woman (Người đàn bà đẹp), Fight Club (Sàn đấu sinh tử) và L.A. Confidential (Bí mật Los Angeles) - là gián điệp đã tồn tại từ vài năm trước.
Tuy nhiên, khi xuất hiện trong chương trình Uvda của đài truyền hình Israel hôm 25-11 vừa qua, Milchan mới chính thức công khai về hoạt động tình báo của mình.
Theo đó, Arnon làm việc như một gián điêp của Israel trong nhiều năm nay và đã thay mặt chính phủ nước này mua nhiều vũ khí cũng như thúc đẩy chương trình hạt nhân tại đây.
“Tôi làm việc cho đất nước mình và tôi tự hào về điều đó”, Milchan - người điều hành một công ty phân bón thành công tại Israel trước khi tới Hollywood gây dựng sự nghiệp - cho hay.
Theo một cuốn tiểu sử xuất bản hai năm trước, Milchan cũng từng làm việc cho Văn phòng Quan hệ khoa học của Israel. Cơ quan này, còn có tên gọi khác là Lekem, phụ trách việc thu thập thông tin thông tin nhằm phục vụ cho các chương trình quốc phòng bí mật.
Lekem đã bị giải tán vào năm 1987 sau khi dính líu tới vụ bê bối gián điệp dẫn tới việc Jonathan Pollard, một nhà phân tích tình báo dân sự cho Hải quân Hoa Kỳ, bị kết án tù chung thân.
Sau khi tới Mỹ, Milchan thành lập công ty điện ảnh New Regency và từ những năm 1970 cho đến nay đã sản xuất hơn 120 tác phẩm điện ảnh. Ông từng cộng tác với một loạt đạo diễn tên tuổi tại Hollywood như Martin Scorsese, Roman Polanski, Sergio Leone và Oliver Stone.
Nói về hoạt động gián điệp của Milchan, nam diễn viên gạo cội Robert De Niro - người cũng xuất hiện trong chương trình Uvda cho biết: “Tôi đã nghe nói về việc này từ lâu nhưng không chắc. Tôi có hỏi anh ấy một lần và Milchan nói với tôi rằng anh ấy là một người Israel và tất nhiên anh ấy sẽ làm việc cho đất nước mình”.
Arnon Milchan cũng tiết lộ một số tên tuổi lớn khác tại Hollywood tham gia vào mạng lưới tình báo của ông, nhưng không công bố tên tuổi cụ thể.
Chính phủ Mỹ cũng chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về vụ việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận