01/06/2017 09:19 GMT+7

Nhà nước vẫn phải giải cứu nợ của doanh nghiệp nhà nước

VIỄN SỰ thực hiện
VIỄN SỰ thực hiện

TTO - Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, nếu không kiểm soát chặt chẽ việc tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước thì nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm một khi doanh nghiệp vào khó khăn, thua lỗ.

Cỏ dại mọc um tùm tại dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, một trong những dự án kém hiệu quả dù tiêu tốn nhiều tiền ngân sách - Ảnh: Ng.Khánh
Cỏ dại mọc um tùm tại dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, một trong những dự án kém hiệu quả dù tiêu tốn nhiều tiền ngân sách - Ảnh: Ng.Khánh

Tuổi Trẻ đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa về vấn đề xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Tự vay nhưng chưa tự chịu trách nhiệm

* Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết không đồng ý với quan điểm “không thể tách nợ của DNNN ra khỏi nợ công” được ông trình bày tại Quốc hội, thưa ông?

- Chúng ta đang bàn về nợ của DNNN tự vay tự trả, theo nghĩa là DNNN có tài sản độc lập, dùng tài sản đó thế chấp. Nghĩa là bao gồm hậu quả, nếu không trả được, Nhà nước không cứu giúp, không tái cơ cấu được thì sẽ phá sản.

Tôi chia sẻ quan điểm này của dự thảo luật quy định nợ DNNN không tính là nợ công. Nhưng rõ ràng chúng ta vẫn chưa nói được hết đặc thù của các DNNN tại VN, không thấy được các hệ lụy của nó. Bởi DNNN tự vay tự trả nhưng việc phá sản lại không đơn giản.

Ở các nước, DNNN chủ yếu thực hiện các dịch vụ công. Trong khi tại VN, các DNNN cũng tham gia những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân đang kinh doanh, hầu như lĩnh vực nào cũng có.

DNNN đóng góp vai trò lớn trong nền kinh tế, vào tăng trưởng, tạo công ăn việc làm. Khi DNNN mất khả năng thanh toán, có nguy cơ phá sản hoặc bị kiện tụng, mức độ ảnh hưởng là rất lớn.

Nên nếu không kiểm soát chặt chẽ việc tự vay tự trả này của các DNNN, Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm một khi DNNN rơi vào tình huống khó khăn này.

* Nghĩa là Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm giải cứu khi DNNN thua lỗ?

- Đúng như vậy! Và thực tế điều này đã xảy ra, trong không ít trường hợp các khoản vay của DNNN không được bảo lãnh, nhưng vẫn có sự đồng ý của Nhà nước. Do đó, khi những DNNN này không trả được nợ, Nhà nước phải có nghĩa vụ trợ giúp.

Thứ hai là Nhà nước dùng quỹ tích lũy trả nợ để giúp, có hình thức cấp vốn, rồi chỉ đạo một số ngân hàng thương mại của Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ.

Như vậy, dù nói là tự vay tự trả nhưng với DNNN ở VN, đại đa số các trường hợp DNNN thua lỗ đều được Nhà nước cứu giúp bằng nhiều hình thức. Cho đến nay chưa có trường hợp DNNN nào phá sản cả.

Chưa hết, phần lớn đất đai của DNNN là do Nhà nước giao, không được phát mãi nên nhiều DNNN thua lỗ có muốn đưa ra tòa làm thủ tục phá sản cũng không làm được.

Ông Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: V.Sự
Ông Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: V.Sự


Tài sản của DNNN cũng phải được phát mãi

* Nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng cần phân định rạch ròi các khoản vay của DNNN được Chính phủ bảo lãnh - nợ công với nợ do DNNN tự vay tự trả?

- Điều mà tôi đề nghị là không hẳn xem nợ DNNN là nợ công nhưng cũng không được đánh đồng nợ này như nợ tư. Có nghĩa là phải kiểm soát, trong báo cáo nợ công hằng năm vẫn phải tổng hợp, tổng kết và có đánh giá về nợ tự vay tự trả của DNNN xem tình hình như thế nào.

Nói một cách khác, DNNN chính là tài sản nhà nước - tài sản công, nên nợ của DNNN không thể coi như nợ tư nhân. Dù không xếp nợ của DNNN như nợ công, nhưng Nhà nước phải có kiểm tra, giám sát và có đánh giá để có chính sách chấn chỉnh nếu bị trật hướng.

* Không xếp nợ của DNNN vào nợ công lẫn nợ tư nhân, cần phải có quy định riêng về nợ của DNNN?

- Luật doanh nghiệp, Luật quản lý tài sản công, Luật đầu tư công cũng có một số quy định về DNNN này nhưng nhấn mạnh nhiều về đầu tư mà không nhấn mạnh đến tín dụng. Nhưng tín dụng là hoạt động bắt buộc phải có của DN và luôn luôn phát sinh nợ tự vay tự trả, hệ lụy là không hề nhỏ.

Nếu đánh đồng các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN như nợ tư sẽ ẩn chứa rất nhiều hậu quả.

* Nhiều DNNN làm ăn thua lỗ và mất vốn, nếu cho những DNNN này phá sản liệu có gây ra nhiều hệ lụy do hành lang pháp lý về xử lý nợ của loại hình doanh nghiệp chưa ổn như ông nói?

- Nếu thực sự muốn DNNN hoạt động hoàn toàn theo kinh tế thị trường, phải thay đổi lại Luật phá sản, Luật các tổ chức tín dụng.

Khi đó phải có cơ chế để tổ chức tín dụng đó phát mãi tài sản của DNNN một cách dễ dàng, theo đúng nghĩa là tự vay tự trả, cho dù nhiều tài sản có nguồn gốc nhà nước.

Nếu không, khi DNNN gặp khó khăn lại không làm thủ tục phá sản được sẽ gây ảnh hưởng chung đến nền kinh tế, nhất là ngân sách nhà nước.

DNNN phải tự chịu trách nhiệm về các khoản vay

Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, với những khoản nợ tự vay tự trả, DNNN phải có trách nhiệm trả nợ nhằm đảm bảo bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Bởi DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp. Nếu DN không trả được nợ có thể thực hiện phá sản.

VIỄN SỰ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên