14/07/2020 05:36 GMT+7

Nhà nước sẽ định giá sách giáo khoa để chấm dứt chuyện 'đội giá sách lên trời'?

LÊ THANH - VĨNH HÀ
LÊ THANH - VĨNH HÀ

TTO - Thừa ủy quyền Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tài chính vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Nhà nước sẽ định giá sách giáo khoa để chấm dứt chuyện đội giá sách lên trời? - Ảnh 1.

Sách giáo khoa bán trong một nhà sách tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG


Nhà nước không điều tiết được giá SGK có thể làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Bộ Tài chính

Theo chương trình, hôm nay 14-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và cho ý kiến về việc này.

Bộ Tài chính: tác động lớn đến đời sống xã hội

Theo quy định, SGK không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá. Thẩm quyền quyết định giá SGK thuộc về giám đốc các nhà xuất bản. Vì vậy, việc thực hiện kê khai giá chưa đủ để điều tiết công bằng trong in ấn, phát hành SGK như mong muốn.

Trong tờ trình, Bộ Tài chính nêu rõ SGK là một trong những mặt hàng thiết yếu của học sinh các cấp. Giá SGK có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt với học sinh vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. 

Trường hợp có thể vì mục tiêu lợi nhuận, các nhà xuất bản sẽ không phát hành sách ở những khu vực này, dẫn đến học sinh không có sách để học hoặc Nhà nước sẽ phải chi ngân sách để mua sách cấp phát cho học sinh những vùng khó khăn này.

Theo số liệu thống kê năm 2017 - 2018, cả nước có khoảng 15,9 triệu học sinh phổ thông, nên việc tăng giá SGK tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước và tâm lý của người dân. 

Ngoài ra, nếu không có cơ chế điều tiết giá dẫn đến có sự chênh lệch về giá giữa các nhà xuất bản thì có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn SGK cho học sinh. 

Từ thực tế trên, Bộ Tài chính đề nghị Nhà nước cần thiết điều tiết giá SGK trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Tài chính cho biết căn cứ đề xuất bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá tối đa là tại Luật giá quy định trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, đề nghị của Chính phủ là có cơ sở pháp lý.

Về hiệu quả của đề xuất trên, Bộ Tài chính phân tích, Nhà nước sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đồng thời, Nhà nước định giá SGK sẽ có công cụ để điều tiết giá đối với mặt hàng này, đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, các nhà xuất bản quy định mức giá bán cụ thể nhưng không cao hơn giá tối đa (giá trần) do Nhà nước quy định, khắc phục những điểm yếu của việc kê khai giá SGK hiện nay.

Việc định giá tối đa với SGK thúc đẩy các nhà xuất bản hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng giá bán sách làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng...

Bộ GD-ĐT: cần thiết!

Ông Trần Tú Khánh, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT khẳng định: Quan điểm của Bộ GD-ĐT từ trước đến giờ đều nhất quán cho rằng cần phải đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Vì SGK là mặt hàng đặc biệt liên quan tới giáo dục, tới tương lai của hàng triệu trẻ em. Nếu thả nổi, mặc cho giá sách nâng cao lên 3-4 lần so với hiện nay là điều không thể được.

"Nếu không đưa vào danh mục Nhà nước định giá, ai sẽ bảo đảm các đơn vị xuất bản không liên kết để nâng giá cao hơn nhiều lần sách hiện hành. Gánh nặng chi phí dồn lên vai người dân. Con em những người dân ở vùng sâu vùng xa, những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ lấy đâu ra tiền mua sách để học? Không thể nói làm sách đẹp mà đội giá sách lên trời được" - ông Khánh phân tích.

Bộ GD-ĐT cũng nêu quan điểm cho rằng giá trần SGK phải dựa trên các định mức cụ thể trong quy trình biên soạn, xuất bản SGK, tham chiếu mức giá SGK thực tế, khả năng chi trả của người dân... 

Việc đưa SGK vào danh mục do Nhà nước định giá nhằm đảm bảo sự minh bạch, khách quan. Trong đó, cơ sở đề xuất giá trần do các đơn vị xuất bản đưa ra trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giám sát.

Còn PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng: Khi SGK nằm trong danh mục Nhà nước định giá thì các đơn vị xuất bản sẽ phải giải quyết bài toán làm sao để biên soạn được SGK vừa đạt yêu cầu về chất lượng (được thẩm định, phê duyệt) nhưng các chi phí tiết kiệm để đảm bảo có giá thành hợp lý.

"Việc định giá sẽ tác động tới các đơn vị xuất bản, buộc các đơn vị phải lựa chọn phương án tối ưu. Ví dụ, đơn vị xuất bản phải tính toán để giảm số trang/cuốn sách nhưng vẫn đảm bảo đủ nội dung theo yêu cầu của chương trình. Muốn như thế, từ khâu biên soạn đòi hỏi đội ngũ tác giả phải tinh giản về nội dung, ngữ liệu nhằm chuyển tải kiến thức hiệu quả hơn. Kênh chữ, kênh hình được chắt lọc hơn. Ngoài ra, các đơn vị cũng phải tính toán xây dựng nguồn học liệu điện tử kèm theo liên kết với SGK giấy để giảm chi phí in ấn, phát hành... Các đơn vị giải quyết tốt bài toán này sẽ có lợi thế hơn trong cạnh tranh khi phát hành" - ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Giá sách giáo khoa mới quá cao!

ba hien 1(read-only)

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, trưởng Phòng GD-ĐT Q.9, báo cáo tình hình chuẩn bị thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới - Ảnh: T.THƯƠNG

Ngày 13-7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND Q.9 giám sát tình hình thực hiện nghị quyết 88 và 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - trưởng Phòng GD-ĐT Q.9 - cho rằng việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK còn những khó khăn. "Giá thành bộ SGK mới dao động 179.000 - 199.000 đồng/bộ gồm 9-10 cuốn là cao so với nhiều bộ SGK hiện hành chỉ 54.000 đồng với 6 cuốn. Bộ đồ dùng học tập môn toán, tiếng Việt là 170.000 đồng cũng cao. Như vậy, nếu trang bị đầy đủ SGK và vở bài tập, học sinh nghèo sẽ rất khó khăn trong việc mua sắm trang bị vào đầu năm học" - bà Hiền nói.

Ngoài ra, địa phương cũng đang gặp khó trong tập huấn trực tuyến đối với giáo viên lớp 1; kinh phí phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều khoản các trường tiểu học phải chi nhưng kinh phí được giao năm 2020 không đủ để thực hiện. Trong khi đó, cô Lê Tường Vân - hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng - đặt vấn đề giáo viên cũng còn băn khoăn liệu lượng kiến thức đưa vào các bài học có quá nhiều so với năng lực của một học sinh lớp 1...

THẢO THƯƠNG

Nhà xuất bản: trái với mục tiêu xã hội hóa sách giáo khoa

Đại diện một đơn vị xã hội hóa SGK cho rằng chủ trương nói trên trái với mục tiêu xã hội hóa SGK, trong bối cảnh có "một chương trình, nhiều SGK" sử dụng trong các trường từ năm học 2020 - 2021.

"Để một cuốn SGK đến tay người sử dụng không chỉ cần chi phí ở khâu nghiên cứu, thực hiện biên soạn mà còn chi phí ở khâu sản xuất, in ấn, phát hành. Khi SGK không còn được "bao cấp" ở đầu ra, phải cạnh tranh để có thị trường, những chi phí cho việc vận hành cũng khó lường hết. Với việc khống chế giá trần SGK, những đơn vị vừa và nhỏ, hạn chế về năng lực triển khai sản xuất sách, bao gồm cả khả năng bù lỗ từ các sản phẩm in ấn khác, sẽ không dám lấn sâu vào việc xuất bản SGK" - vị này phân tích.

Nhà xuất bản khuyến mãi có ảnh hưởng đến việc lựa chọn sách giáo khoa? Nhà xuất bản khuyến mãi có ảnh hưởng đến việc lựa chọn sách giáo khoa?

TTO - Đó là câu hỏi được các đại biểu đặt ra cho các trường trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình hình thực hiện nghị quyết 88 và 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại quận 9, TP.HCM.

LÊ THANH - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên