Tại phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội diễn ra chiều 16-9 ở TP.HCM, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc VN (sửa đổi).
“Giám sát của Mặt trận Tổ quốc mang tính nhân dân. Đó không phải giám sát của Quốc hội, không phải giám sát của Đảng, không phải kiểm tra của Nhà nước. Mặt trận được tin cậy, được cho phép làm điều đó nhân danh nhân dân” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo ông Nhân, lĩnh vực nào Nhà nước không đủ sức giám sát thì cần nhân dân giám sát. Chẳng hạn như ngành y tế, đội ngũ kiểm tra giám sát chỉ đủ sức kiểm tra giám sát bệnh viện công lập, còn nói đến bệnh viện tư thì quá tải, vô phương làm được.
“Khi nào Nhà nước quá tải không làm được, Mặt trận chúng tôi sẽ làm. Không phải lúc nào, chuyện gì Mặt trận cũng đi giám sát” - ông Nhân nói.
Các ý kiến cho rằng dự thảo luật cần làm rõ giá trị pháp lý của hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận, bổ sung các nội dung cần được phản biện, quy trình thực hiện phản biện. Ngoài ra, quy định cụ thể hình thức phản biện xã hội chứ không nêu chung chung là “các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật”.
Đặc biệt, phải xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản bị phản biện xã hội, chẳng hạn như trong quy trình lập pháp, nếu không có phản biện xã hội của Mặt trận thì dự án luật có đủ điều kiện để trình ra Quốc hội hay không...
Nên phân định rõ giám sát của Mặt trận Tổ quốc là hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, khác với quy định giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thảo luận dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Ý kiến của các đại biểu tham dự phần lớn tán thành phương án tổ chức chính quyền địa phương vẫn giữ mô hình như hiện nay, nghĩa là mỗi cấp hành chính đều có chính quyền địa phương gồm: hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, nhưng phải quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy, nhân sự cho phù hợp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhất trí không tổ chức hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường để tinh giản bộ máy chính quyền.
Ngoài ra, cơ cấu của ủy ban nhân dân phải bao gồm thành viên là thủ trưởng, giám đốc các sở, chỉ huy trưởng quân sự, trưởng công an… và phải quy định rõ số lượng.
Còn về tổ chức và hoạt động của ủy ban nhân dân, dự thảo luật cần quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo và tập thể; quy trình lấy ý kiến nhân dân cũng phải được quy định rõ trong luật, phải được trên 50% đồng ý và đây là hình thức tham khảo, thẩm quyền quyết định do các cơ quan có thẩm quyền được Hiến pháp quy định.
Giới thiệu ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục làm chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Thông tin này được Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ VN Vũ Trọng Kim đưa ra tại cuộc họp báo ngày 16-9 về Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019) của MTTQ VN (sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27-9). Theo đó, Bộ Chính trị đã có văn bản đồng ý giới thiệu các ông Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Trọng Kim tiếp tục đảm nhận các vị trí hiện tại. Vẫn theo ông Kim, dự kiến tỉ lệ người ngoài Đảng tham gia Ủy ban T.Ư MTTQ VN khóa tới sẽ cao hơn khóa này, cụ thể sẽ có 50,6% thành viên ủy ban là người ngoài Đảng. Về ý nghĩa của việc giới thiệu chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa làm thành viên Ủy ban T.Ư MTTQ VN nhiệm kỳ tới, ông Kim cho biết đây là mong muốn chung của nhân dân và nguyện vọng của đoàn chủ tịch, ban thường trực. Ngoài ra, ông Lý Xương Căn (hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, từ dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc) sẽ được mời tham gia ủy ban nhiệm kỳ tới. Dự kiến đại hội sẽ ra lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân, đồng bào trong nước và ngoài nước chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận