13/02/2016 11:02 GMT+7

Nhà ngoại giao và tình yêu vovinam

KHươNG XUâN - THANH Hà , KHUONGXUAN@TUOITRE.COM.VN
KHươNG XUâN - THANH Hà , KHUONGXUAN@TUOITRE.COM.VN

TT - 7g tối, mùa đông Hà Nội rét mướt nhưng trong khuôn viên Học viện Ngoại giao, gần 200 môn sinh sẵn sàng cho buổi tập luyện.

*** Error ***
Võ sư Lê Hải Bình (trái) thị phạm động tác trong một buổi dạy võ tại CLB vovinam Học viện ngoại giao - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thắt chiếc hồng đai quanh bụng, người võ sư vovinam đáp lại lời chào của các học trò. Trong bộ võ phục, vẫn dễ dàng nhận ra gương mặt quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng: người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.

Trong bài võ chống dao găm, bài giảng của thầy Bình xen lẫn những tiếng ồ, à, tiếng vỗ tay của các học trò. Trước đối phương với con dao găm trên tay, vừa bình tĩnh thi triển những đường võ mạnh mẽ, uyển chuyển nhưng cách giảng của thầy Bình lại thật gần gũi và hài hước. Các võ sinh chăm chú nghe thầy dặn dò: “Hôm nay tôi dạy các bạn bài chống dao găm nhưng thầy mong trong cuộc sống các bạn không phải dùng đến bài học này”.

Người phát ngôn luôn mang theo võ phục

Sinh ra tại Hà Nội, 6 tuổi Bình theo gia đình vào Khánh Hòa lập nghiệp. Từ nhỏ Bình đã mê võ thuật. Từng thử tập nhiều môn phái võ khác nhau nhưng cuối cùng Bình bén duyên với vovinam và bắt đầu tập luyện môn võ này năm 12 tuổi. Ngoài võ, tuổi trẻ của anh còn gắn liền với một niềm đam mê, một ước mơ nữa là trở thành nhà ngoại giao.

Trong phòng làm việc của anh treo trân trọng bức ảnh chụp đoàn đàm phán nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại lễ ký Hiệp định Paris năm 1973. Trong đó, ông ngoại anh - ông Nguyễn Minh Vĩ - chính là phó đoàn, người đã trực tiếp tham gia đàm phán ký Hiệp định Paris. Là người duy nhất trong gia đình lựa chọn theo con đường ngoại giao xuất phát từ sự ngưỡng mộ ông ngoại, Hải Bình đã mang theo vốn liếng vovinam ra Hà Nội theo học tại Học viện Ngoại giao để nối nghiệp ông ngoại.

Sau khi ra Hà Nội, Hải Bình tiếp tục đến với vovinam bởi “đây là môn võ dân tộc dạy về đạo rất bài bản”. Tuy nhiên, anh không có nhiều cơ hội để luyện tập vì lúc đó phong trào vovinam ở Hà Nội chưa khởi sắc. Mối duyên của anh với vovinam thật sự trở thành đam mê gắn bó trọn vẹn khi anh gặp võ sư Phạm Quang Long và có thể cùng nhau chia sẻ khát khao phát triển phong trào vovinam ở Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc.

Năm 2007, sau khi trở về từ Brunei, Hải Bình thành lập CLB vovinam tại Học viện Ngoại giao và cùng với một số học trò dạy võ miễn phí cho hàng ngàn môn sinh trong suốt chín năm qua.

Về thắc mắc của chúng tôi: “Trong khi nhà ngoại giao luôn cần tạo ấn tượng về sự mềm mỏng thì một võ sư lại luôn khiến mọi người nghĩ đến một hình ảnh cứng rắn, mạnh mẽ. Hai phong thái trái ngược đó cùng nhau “tồn tại” như thế nào ở người phát ngôn Bộ Ngoại giao?”, Hải Bình lý giải: “Nhìn bề ngoài có cảm giác như làm ngoại giao và làm võ sư trái ngược nhau. Nhưng thật ra không hẳn vậy bởi triết lý trong vovinam là cương nhu phối triển, khi đối thủ ra đòn tấn công, tùy vào thể trạng của mình so với đối thủ mà người bị tấn công có cách ứng phó phù hợp, có thể không đánh lại ngay mà tránh đòn, đó là nhu, rồi mới ra đòn dứt điểm, đó là cương. Điều này lại rất phù hợp với ngoại giao vì trong nguyên tắc ngoại giao có lúc cương lúc nhu, nguyên tắc là bất biến nhưng cách làm thì vạn biến”.

Hải Bình là một trong số ít cán bộ của Bộ Ngoại giao thường đeo balô đi làm bởi lý do anh luôn mang võ phục trong balô. Sau giờ làm việc, rời trụ sở Bộ Ngoại giao, anh thường đến thẳng võ đường. Chỉ trừ khi đi công tác, anh luôn có mặt ở CLB vovinam do mình thành lập vào bốn buổi tối để luyện võ, dạy đạo võ cho các môn sinh. Các học trò của anh cho hay dù bận đến mấy, có khi lớp sắp hết giờ nhưng khi còn kịp thì thầy Bình vẫn cứ đến lớp.

2 tháng 16 ngày, 6 cuộc họp báo quốc tế

Vì đặc thù của công việc gắn liền với việc cập nhật thông tin về các vấn đề trong nước, quốc tế diễn ra liên tục, có thể cần phản ứng ngay lập tức của người phát ngôn, vì thế dù có đang trong giờ dạy võ nhưng hễ có điện thoại, thầy Bình phải nghe ngay. Lúc đó, vai trò võ sư phải ngay lập tức nhường cho vai trò “người phát ngôn” của Bộ Ngoại giao.

Hải Bình cho biết đối với anh, 2 tháng 16 ngày với 6 cuộc họp báo quốc tế mà Bộ Ngoại giao đã tổ chức vào năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 ở Biển Đông là quãng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời anh. Chưa bao giờ Bộ Ngoại giao tổ chức dồn dập nhiều cuộc họp báo quốc tế trong thời gian ngắn đến thế. Lúc đó mới nhận nhiệm vụ người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN được ba tháng, Hải Bình đã phải gánh vác khối lượng công việc đầy áp lực.

Anh nhớ lại: “Đó là một quãng thời gian chúng tôi làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, mà còn đầy căng thẳng, áp lực. Cũng như bất cứ người dân VN nào, tôi cũng có những cảm xúc mạnh mẽ về chủ quyền, về tình yêu đất nước.

Nhưng với nhiệm vụ của mình, chúng tôi luôn phải giữ sự tỉnh táo, giống như trong người cùng lúc có một trái tim nóng nhưng một cái đầu lạnh”. Hải Bình chia sẻ: “Điều khiến tôi đứng vững trong những thời khắc cam go, căng thẳng, ngoài sự chỉ đạo sát sao từ cấp trên, sự kề vai sát cánh của đồng nghiệp, chính quá trình rèn luyện võ thuật với tinh thần võ đạo của vovinam đã mang cho tôi sức mạnh”.

Hải Bình xúc động: “Trong sự kiện giàn khoan HD 981, tôi cùng CLB vovinam tổ chức chuyến đi ra đảo Lý Sơn. Chuyến đi với mục đích đưa các võ sinh - hầu hết đều là sinh viên - đến gặp từng ngư dân sống trên đảo Lý Sơn, những người hằng ngày đối mặt với hiểm nguy để các bạn thấm thía gian khổ, hi sinh của ngư dân nơi đây.

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Lợi - một ngư dân Lý Sơn - và nghe anh kể chuyện về những tháng ngày đi ngư trường, đối mặt với sự tấn công của tàu Trung Quốc. Khi các bạn sinh viên hỏi: “Họ tấn công nguy hiểm thế chú có đi biển đánh cá nữa không?”, anh Lợi đáp ngay: “Đuổi thì đuổi, nhưng biển của ông cha mình có chết mình cũng phải đi”. Nghe đến đó tôi không cầm được nước mắt vì xúc động và tự hào vì dân tộc. Sẽ không có bài học về tình yêu đất nước nào quý giá với các bạn sinh viên hơn câu chuyện của những người như anh Lợi”.

Người truyền lửa

Thắng, sinh viên Học viện Hành chính quốc gia, chia sẻ: “Tôi thường xuyên xem thầy Bình phát biểu trên báo, đài, điều hành các cuộc họp báo quốc tế rất đanh thép nhưng khi đến võ đường, thầy là người thầy, người anh gần gũi, thân thiết. Không chỉ dạy chúng tôi về võ, thầy truyền cho chúng tôi kiến thức, tình yêu Tổ quốc”.

Một trong những nỗ lực đóng góp của Lê Hải Bình, ngoài nhiệm vụ của một nhà ngoại giao trên cương vị người phát ngôn, chính là việc âm thầm truyền lửa cho thế hệ trẻ. Không chỉ là truyền tình yêu võ thuật, mà thông qua tinh thần võ đạo, anh truyền cho các môn sinh trẻ của mình một lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với bản thân, xã hội, với đất nước...

Lê Hải Bình cho biết: “Động lực chính để tôi luôn cố gắng duy trì CLB vovinam ở Học viện Ngoại giao là muốn tạo một sân chơi lành mạnh cho các bạn sinh viên. Tôi tâm niệm rằng kéo được một người đến với võ đường là giúp cho xã hội bớt đi một con người có nguy cơ tiếp cận với những tệ nạn xã hội”.

“Có bạn rất tự ti, nói người như em chỉ cần ra trường kiếm được việc nuôi bản thân đã khó khăn, làm sao mà góp sức gì cho đất nước... Tôi đã nói với bạn này ai cũng có thể đóng góp cho đất nước, bằng những việc làm nhỏ, cụ thể của mình. Chỉ đơn giản như khi bạn tập võ, bạn trở nên khỏe mạnh hơn, làm việc tốt hơn, có thể giàu có hơn, có nghĩa là bạn đã góp phần làm cho đất nước tốt đẹp hơn”.

Kế tiếp và lan tỏa

Hỗ trợ cho Hải Bình ở CLB có khoảng 30 HLV khác cũng tham gia dạy võ miễn phí. Trong số đó có Bùi Đức Thuận - cựu sinh viên Học viện Ngoại giao và cũng là đồng nghiệp của Hải Bình ở Bộ Ngoại giao.

Anh Thuận chia sẻ: “Mỗi năm CLB vovinam của thầy Bình tuyển sinh hai lần với khoảng 200 môn sinh/năm, tính từ năm 2007 đến nay số môn sinh của CLB đã lên tới gần 2.000 người. Triết lý của thầy Bình là sự kế tiếp và lan tỏa, người đến trước sau khi học xong ra trường lại đến dạy cho các bạn mới vào.

Tất cả HLV ở đây đều dạy miễn phí, học viên học miễn phí, khi có hoạt động chung, tổ chức các chuyến đi hành hương về nguồn, thầy Bình và các thầy đã đi làm đóng góp nhiều nhất”.

Không chỉ dạy võ, thầy Bình còn biến CLB vovinam trở thành CLB đa năng với các CLB học tiếng Anh, CLB đá bóng, CLB guitar, CLB kỹ năng mềm... để khuyến khích các môn sinh học tập, rèn luyện và giao lưu với nhau. Một môn sinh của thầy Bình kể: “Tháng 10-2015 CLB tham gia chuyến hành trình vào miền Trung, đến Huế thầy Bình nhận được tin Trung Quốc thực hiện các hành động trái phép ở đảo Gạc Ma, tôi thấy thầy khóc.

Cả CLB đi hơn 100 người mà sinh viên không có tiền, chúng tôi đặt cả toa tàu ghế cứng, đến lúc mệt quá thầy trò phải trải áo mưa nằm xuống sàn. Trưởng tàu phát hiện thầy Bình là người phát ngôn, bố trí chỗ nghỉ mời thầy nhưng thầy nhất quyết ngủ với chúng tôi trên sàn tàu”.

Từ năm 2005 - 2007, Lê Hải Bình dạy vovinam miễn phí tại nhiều nơi như: Trường thể thao 10-10, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng... để gây dựng lại phong trào vovinam tại Hà Nội. Năm 2007, Liên đoàn Vovinam Hà Nội ra đời, anh được bầu vào vị trí tổng thư ký và đảm nhiệm cương vị từ đó đến nay. Ở Liên đoàn Vovinam VN, võ sư Lê Hải Bình đang giữ chức phó tổng thư ký phụ trách đối ngoại.

“Điều khiến tôi đứng vững trong những thời khắc cam go, căng thẳng, ngoài sự chỉ đạo sát sao từ cấp trên, sự kề vai sát cánh của đồng nghiệp, chính quá trình rèn luyện võ thuật với tinh thần võ đạo của vovinam đã mang cho tôi sức mạnh

Võ sư Lê Hải Bình

KHươNG XUâN - THANH Hà , KHUONGXUAN@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên