18/06/2016 09:03 GMT+7

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ra sách khi đang nằm bệnh

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vừa trải qua cơn phẫu thuật thông túi mật từ tháng trước và mới đây ông lại phải trở lại bệnh viện để kiểm tra sỏi mật.

Ảnh: L.Điền
Ảnh: L.Điền

Trong thời gian thọ bệnh ở tuổi 96, một quyển sách mới nhất của ông vừa ra mắt bạn đọc: Tạp ghi Việt sử địa, do NXB Trẻ ấn hành.

Gọi là “tạp ghi”, có lẽ đây là những bài viết đề cập nhiều vấn đề trong cùng một tập sách. Chứ tạp ở đây không hàm nghĩa kém giá trị. Bởi các vấn đề do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nêu ra trong tập sách này đều là các đề tài quan trọng thuộc hai lĩnh vực lịch sử và địa dư mà học giới hoặc chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo, hoặc vẫn còn khía cạnh nào đó cần tiếp tục xem xét, nên tác giả mới gia công khảo cứu.

Chẳng hạn như Tình hình kinh tế Đại Việt năm 1512-1515 theo báo cáo của kinh tế gia Bồ Đào Nha Tomé Pires là một khảo cứu đặc biệt thú vị, bởi thông tin về tình hình kinh tế nước ta vào quãng đầu thế kỷ 16 ấy trước giờ vốn dĩ hiếm hoi. Nay cụ Nguyễn Đình Đầu tìm được từ văn bản Bồ Đào Nha để đưa ra những nét phác về bức tranh kinh tế nước Đại Việt từ cái nhìn của người ngoại quốc, dẫu sơ lược nhưng khách quan, đáng quý.

Bài viết về lịch sử hệ thống kênh rạch thoát nước của TP.HCM cũng là những tư liệu quan trọng, hiện nay vẫn còn giá trị tham khảo để giải bài toán chống ngập cho thành phố. Hay như bài khảo luận Sưu tầm và nghiên cứu ảnh hưởng của Gia Định Báo cho thấy công việc nghiên cứu về tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam ta đến nay vẫn còn những vấn đề chưa giải quyết.

Vấn đề chủ quyền biển đảo cũng có một nội dung được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lưu ý trong bài viết Phải chăng bản đồ Alexandre de Rhodes 1650 vẽ theo bản đồ Hồng Đức 1490 và có ghi địa điểm Hoàng Sa (Pulo Sisi).

Trong đó, tác giả Nguyễn Đình Đầu tỉ mẩn so sánh hai bản đồ, và phát hiện chữ “Pulo Sisi” được ghi ở ngoài khơi khoảng hải phận Hoàng Sa.

Từ đây ông đưa ra đoán định dân ta đã làm chủ và khai thác ở Biển Đông từ ít nhất là thời Lê hay sớm hơn là từ thời Lý Trần. Đây là những vấn đề mà học giới có thể “tiếp tay” tìm hiểu kỹ hơn trong tương lai.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên