14/06/2015 09:08 GMT+7

Nhà nghèo nhất...

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Xưa nay, dân gian thường ví nhà giáo với nhà nghèo. Nhưng nói thật cứ thử tiếp xúc với nhà khoa học đi, bạn sẽ thấy họ còn nghèo hơn cả nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân đang trả lời chất vấn của đại biểu

Sở dĩ tôi mạnh miệng nói như thế vì mình làm nghề gõ đầu trẻ và có nhiều bạn bè là dân khoa học.

Sự kiện Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trả lời chất vấn tại Quốc hội hôm 12-6 là chủ đề trò chuyện của chúng tôi trong buổi sáng cuối tuần. Bạn tôi, một nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý, đã tỏ ra khá hài lòng về những gì Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời.

Đặc biệt là chuyện ông Quân giải thích vì sao số lượng công trình khoa học của Việt Nam vào loại kém so với Thái Lan, Malaysia, Singapore...

Nghề nghiên cứu khoa học cũng giống như nghề giáo, khi đề cập chuyện tiền bạc là hay né và tủi thân. Nhưng có tủi thì cũng phải đối mặt với sự thật. Như anh bạn nói trên, năm nay có gần 30 năm thâm niên nghiên cứu. Anh cũng không phải loại xoàng khi đến tuổi 45 đã có trên 20 bài báo đăng ở các tạp chí khoa học uy tín. Nhưng đó là thời anh còn độc thân, sống một cuộc đời vô tư lự, chỉ biết nghiên cứu. Nhưng rồi từ khi lập gia đình, có con, sự nghiệp nghiên cứu của anh gần như tắc tị vì phần lớn thời gian phải dành cho việc đi dạy thêm tại các trường đại học. Không dạy thêm sao được khi lương của một tiến sĩ đã đứng vào bậc nghiên cứu chính mà chưa đến 5,5 triệu đồng. Làm sao nuôi con?

Anh kể một đồng nghiệp trẻ nghe còn tội nghiệp hơn: cũng một tiến sĩ hưởng mức lương nghiên cứu bậc 5/8 là 4 triệu đồng/tháng, anh này ở tỉnh nên phải thuê nhà sống ở Sài Gòn và chỉ vừa đủ tiền nhà cùng điện, nước, xăng xe. Chuyện ăn của nhà khoa học thì có một cô em cũng lên Sài Gòn làm thợ may “bảo bọc” (bù lại ông anh lo chuyện ở!).

Mức thu nhập ấy cũng như nhà giáo hay công nhân viên chức, nhưng cứ so thời gian học hành (chỉ tính dân học hành nghiêm túc chứ không nói tiến sĩ giấy) thì thấy rõ dân khoa học nghèo!

Thêm một chuyện nữa: cách đây hai năm, trong một dịp sang Singapore, tôi tình cờ gặp được một cô gái đang làm nghiên cứu sinh ở Trường đại học Nanyang môn công nghệ sinh học. Khi còn ở Việt Nam, cô là giảng viên của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. Cô kể: “Theo công nghệ sinh học thì chuyện làm thí nghiệm là quan trọng nhất. Nhưng số lần làm thí nghiệm ở Việt Nam trong một năm chỉ bằng tôi làm ở Đại học Nanyang trong... một tuần. Đơn giản bởi kinh phí đâu mà làm”.

Điều bi kịch của giới khoa học Việt Nam là chuyện tiền đâu (?). Tiền lương thì không đủ cho cuộc sống tối thiểu, thế là người phải lao vào dạy thêm nên còn thời gian đâu nghiên cứu; người ngắt véo tiền làm đề tài để sống nên kinh phí của Nhà nước chi cho các công trình nghiên cứu chảy đi lung tung, không đúng chỗ.

Anh bạn tiến sĩ đạt đến bậc nghiên cứu chính tâm sự:“Trong những lần đi dự hội thảo quốc tế, đồng nghiệp các nước khi nghe chuyện ở Việt Nam đều trợn mắt lấy làm ngạc nhiên và kính nể lắm”. Vâng, họ ngạc nhiên là phải, vì đãi ngộ như thế mà còn nghiên cứu được là quá quý báu!

Thật ra, điều nghịch lý trong giới nghiên cứu khoa học (tiền thì ít nhưng rồi ai cũng sống được) cũng là nghịch lý chung ở Việt Nam: hiếm ai có thể trả lời một cách minh bạch, thẳng thắn là nhờ đâu mà mức sống của mình quá cao so với mức thu nhập chính thức! Ngày nào còn tồn tại nghịch lý này, ngày đó đất nước ta còn loay hoay...

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên