02/05/2020 09:30 GMT+7

Nhà máy ethanol Bình Phước 'nằm yên' cũng lỗ cả ngàn tỉ đồng

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Không chỉ có nguy cơ mất trắng ngàn tỉ đồng đã đầu tư vào Nhà máy ethanol Bình Phước, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) còn đang đối mặt với khoản lỗ ngàn tỉ khi dự án đắp chiếu từ năm 2013 đến nay.

Nhà máy ethanol Bình Phước nằm yên cũng lỗ cả ngàn tỉ đồng - Ảnh 1.

Nhà máy ethanol Bình Phước đã dừng hoạt động từ năm 2013 đến nay

Trong báo cáo kiểm toán dự án Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị làm rõ một số nội dung sai phạm như dấu hiệu bất thường trong thương thảo, ký hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công) dự án.

"Nằm yên" cũng lỗ 1.280 tỉ đồng

Nhà máy ethanol Bình Phước có công suất khoảng 102 triệu lít ethanol/năm. Dự kiến, nhà máy sẽ sử dụng khoảng 244.000 tấn sắn lát mỗi năm để sản xuất ethanol, nhiên liệu E100, do PVOIL phối hợp với Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản) đầu tư. 

Liên doanh đầu tư PVOIL và ITOCHU đã góp vốn lập Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (Công ty OBF) để thực hiện dự án, trước khi PVOIL bán một phần vốn góp cho LICOGI 16.

Theo đó, PVOIL góp 29%, ITOCHU góp 45%, và Licogi 16 góp 22% vốn vào Công ty OBF. Nhưng đến nay 3 nhà đầu tư chỉ có PVOIL đã góp đủ vốn, LICOGI 16 và ITOCHU chưa góp đủ vốn. 

Đây là công trình công nghiệp nhóm A, tổng vốn đầu tư ban đầu được Công ty OBF phê duyệt khoảng 80,6 triệu USD (khoảng 1.500 tỉ đồng), sau điều chỉnh tăng lên 84,5 triệu USD (khoảng 1.600 tỉ đồng).

Nhà máy ethanol Bình Phước được vận hành chạy thử vào cuối năm 2012, nhưng từ năm 2013 đến nay, nhà máy phải dừng hoạt động vì càng sản xuất càng lỗ khi giá nguyên liệu sắn đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất ethanol, nhiên liệu E100 cao gấp đôi giá nhập khẩu trên thị trường.

Vào tháng 6-2017, theo chỉ đạo của Chính phủ, PVOIL đã cố gắng vận hành lại nhà máy nhưng với giá sắn khoảng 6.100 đồng/kg trong khi giá nhiên liệu E100 khoảng 15.000 đồng/lít, Công ty OBF lỗ nặng khi sản xuất ethanol.

Trong thực tế, giá nhập khẩu nhiên liệu E100 tại TP.HCM khoảng 12.800 đồng/lít, giá thành sản xuất nhiên liệu E100 của Nhà máy ethanol Bình Phước khoảng 32.000 đồng/lít. Càng sản xuất càng lỗ nên Công ty OBF buộc phải dừng vận hành nhà máy không thời hạn.

Theo kế hoạch, Nhà máy ethanol Bình Phước sẽ trả hết nợ gốc và lãi vay vào năm 2020, sau 9 năm vận hành sản xuất. Nhưng việc dừng hoạt động nhà máy này từ năm 2013 đến nay khiến Công ty OBF thua lỗ nặng. 

Ước tính mỗi năm Công ty OBF lỗ khoảng 262 tỉ đồng, trong đó lãi vay 120 tỉ đồng, 90 tỉ đồng khấu hao, và 52 tỉ chi phí duy trì nhà máy.

Tính đến cuối năm 2018, Nhà máy ethanol Bình Phước thua lỗ khoảng 1.280 tỉ đồng và Công ty OBF đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 660 tỉ đồng, trong đó PVOIL mất 198 tỉ đồng, ITOCHU mất 339 tỉ đồng và LICOGI 16 mất 122 tỉ đồng. 

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, đến nay Công ty OBF - chủ dự án Nhà máy ethanol Bình Phước - không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay lên đến hơn 1.600 tỉ đồng.

Nhà máy ethanol Bình Phước nằm yên cũng lỗ cả ngàn tỉ đồng - Ảnh 2.

Nông dân Bình Phước trồng sắn để cung cấp cho nhà máy sản xuất ethanol - Ảnh: BÙI LIÊM

Đánh tráo hàng loạt thiết bị nhà máy

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện hàng chục triệu USD đưa vào tổng vốn xây dựng nhà máy thiếu cơ sở như: chi phí thiết bị tạm thời 1,1 triệu USD, mua sắm thiết bị 36 triệu USD không có báo giá nhà cung cấp, không có cơ sở xác định giá. 

Một số chi phí tư vấn, chi phí khác trong tổng vốn đầu tư cũng được tính tăng lên khoảng 2,6 triệu USD.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, có dấu hiệu bất thường trong quá trình thương thảo ký hợp đồng có thể làm thất thoát khoản tiền 4,12 triệu USD do phát sinh chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy ethanol Bình Phước. 

Giá gói thầu EPC Nhà máy ethanol Bình Phước được ký kết giữa Công ty OBF và nhà thầu TTCL&PVE là 58,3 triệu USD.

Nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC, nhà thầu TTCL&PVE lại đề xuất và được Công ty OBF chấp thuận trả thêm khoản chi phí phát sinh 4,12 triệu USD. 

Trong quá trình đàm phán hợp đồng, nhà thầu TTCL&PVE đã không tính đủ thuế nhà thầu nước ngoài khoảng 815.000 USD, chi phí thiết bị dự án 724.000 USD nhưng chủ đầu tư không làm rõ, không xác định lại giá trần, dẫn tới ký hợp đồng EPC cao hơn giá trần thiết bị 1,4 triệu USD, làm tăng chi phí đầu tư dự án.

Khi xây dựng Nhà máy ethanol Bình Phước, nhà thầu TTCL&PVE đã điều chỉnh thiết kế, giảm một số thiết bị, giảm công suất thiết bị nhưng không thương thảo lại hợp đồng với chủ đầu tư. Quá trình kiểm toán cũng phát hiện Công ty OBF và liên danh nhà thầu TTCL&PVE đều không tuân thủ một số điều khoản hợp đồng EPC đã ký kết.

Theo cam kết tại hợp đồng EPC, Nhà máy ethanol Bình Phước sẽ được xây dựng trong 21 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 7-2012. Tuy nhiên, đến hết tháng 12-2018, công trình Nhà máy ethanol Bình Phước chưa hoàn thành, chậm tiến độ 79 tháng.

Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện hàng loạt tồn tại về chất lượng tại Nhà máy ethanol Bình Phước. Phần lớn thiết bị nhập ngoại do nhà thầu TTCL&PVE nhập về thi công không có chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất, không có chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ thiết bị.

Tổng giá trị các thiết bị lắp đặt tại Nhà máy ethanol Bình Phước không rõ xuất xứ, chất lượng lên tới 40 triệu USD. Theo đó, nhà thầu TTCL&PVE đã thay đổi xuất xứ 18 thiết bị, thay đổi nhà sản xuất 24 thiết bị so với danh mục xuất xứ đã cam kết trong hợp đồng EPC. 

Đến nay, Nhà máy ethanol Bình Phước vẫn chưa đủ điều kiện an toàn để bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào vận hành sản xuất.

Thừa ethanol nhưng vẫn đầu tư?

Mục tiêu đầu tư ban đầu Nhà máy ethanol Bình Phước là sản xuất ethanol làm nguyên liệu pha chế xăng sinh học.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Công ty OBF quyết định đầu tư Nhà máy ethanol Bình Phước vào năm 2010 là không cần thiết do tổng công suất các nhà máy ethanol trên cả nước thời điểm đó dư thừa khoảng 70 triệu lít ethanol/năm.

Công ty OBF đã quyết định xây dựng nhà máy này dựa trên việc PVOIL cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm của nhà máy theo nguyên tắc giá ethanol được điều chỉnh theo giá sắn nguyên liệu đầu vào.

Nhưng khi nhà máy vận hành chạy thử vào năm 2012, giá sắn lát đầu vào tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất ethanol lên cao, vì vậy PVOIL đã không thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm cho Nhà máy ethanol Bình Phước.

Nhà máy gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu sắn và tiêu thụ sản phẩm ethanol đầu ra. Đây là nguyên nhân Công ty OBF dừng hoạt động Nhà máy ethanol Bình Phước từ năm 2013 đến nay.

Làm rõ dấu hiệu bất thường

Trước các sai phạm tại dự án ethanol Bình Phước, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đang giao Bộ Công an kiểm tra, xác minh về những dấu hiệu bất thường tại hợp đồng EPC dự án ethanol Bình Phước có thể làm thất thoát 4,12 triệu USD, việc lắp đặt thiết bị nhập ngoại không có chứng chỉ chất lượng, chứng nhận xuất xứ, để xem xét, xử lý theo quy định.

Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ khó đòi Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ khó đòi

TTO - Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Hàng ngàn hecta đất cũng đang bị nhiều 'ông lớn' sử dụng lãng phí.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên