Một hạng mục của dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang có dấu hiệu bị gỉ sét sau nhiều năm “đắp chiếu” - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Đó là quan điểm của Bộ Công thương trong đề án xử lý 12 dự án thua lỗ vừa trình Chính phủ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Đức Thụ - phó trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho rằng việc chậm trễ trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là nguyên nhân dẫn tới có nhiều doanh nghiệp lớn lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Ông nói:
- Việc phải sớm có giải pháp tháo gỡ, xử lý, không để tình trạng xấu thêm, thua lỗ thêm và để lại hậu quả xã hội là cần thiết.
Từ năm 2016, Quốc hội đã họp bàn, thảo luận, cũng như Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án thua lỗ ngành công thương, giao Bộ Công thương nghiên cứu, báo cáo đang từng bước tìm ra hướng xử lý các dự án này.
* Thưa ông, liệu mục tiêu đến năm 2018 xử lý dứt điểm tại 12 dự án ngành công thương có đạt được hay không, khi mới đây Bộ Công thương mới trình phương án và có rất nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc từ các dự án này?
|
- Đây đều là những doanh nghiệp lớn, đụng chạm đến nhiều lĩnh vực, với quy mô tài chính, thị trường rộng; liên quan đến quản lý của nhiều bộ ngành, nhiều cơ chế chính sách và quy định pháp luật. Việc đưa ra phương án xử lý nếu xét về tổng thể và với yêu cầu, mong mỏi của người dân thì còn chậm, nhưng cũng cho thấy bộ trưởng Bộ Công thương đã có nỗ lực củng cố lại.
Bộ Công thương đã trình rồi, Chính phủ cần sớm tập trung xem xét, thảo luận các vấn đề, cơ chế, chính sách liên quan. Đây là vấn đề lớn nên việc xin ý kiến Bộ Chính trị, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến cụ thể, cũng như lấy ý kiến rộng rãi hơn là rất cần thiết.
* Quan điểm của Thủ tướng là không tiếp tục rót tiền ngân sách vào những dự án thua lỗ. Nhưng có những dự án doanh nghiệp đề xuất cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, thuế hoặc hỗ trợ thị trường... cũng là những hình thức hỗ trợ gián tiếp. Vậy theo ông có phù hợp?
- Quan điểm không sử dụng ngân sách để giải quyết hậu quả của các doanh nghiệp này là chủ trương đúng. Điều này cũng nhất quán với chủ trương là Nhà nước chỉ tập trung rót vốn ngân sách vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không có khả năng đầu tư, như lĩnh vực công.
Vì vậy với doanh nghiệp sử dụng vốn có nguồn gốc của Nhà nước, nếu gặp khó khăn thì tôi cho rằng cũng không nên tiếp tục sử dụng ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực này.
Để giải quyết, trước hết phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để làm rõ thực trạng về tài chính và dự báo tương lai hoạt động của doanh nghiệp.
Cần làm rõ xem khó khăn đó là tạm thời và có thể bằng cơ chế, xử lý ở mức độ nhất định, giúp doanh nghiệp hồi sinh và phát triển, góp phần bảo tồn và phát triển vốn nhà nước, đó là việc nên làm.
Đặc biệt lưu ý tránh tình trạng doanh nghiệp hiện tại đang gặp nhiều khó khăn, tương lai mờ mịt mà cuối cùng vẫn cho “hồi sinh”, tiếp tục đổ tiền. Cuối cùng doanh nghiệp đó vẫn không sống được, dẫn tới tình trạng mất vốn của Nhà nước trầm trọng hơn.
Nhìn lại trong lịch sử cũng thấy như việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines cũng gặp khó khăn, tiếp tục sử dụng nguồn lực Nhà nước để hỗ trợ xử lý, nhưng các doanh nghiệp này cho đến nay vẫn không gượng dậy được.
Thậm chí, một bộ phận doanh nghiệp khó khăn hơn, lãi mẹ đẻ lãi con, càng gây thêm gánh nặng cho ngân sách, gây thiệt hại thêm cho tiền thuế của dân.
* Vậy theo ông, yếu tố quan trọng nhất để làm căn cứ quyết định phương án xử lý các dự án này là gì?
- Cần đánh giá sát tình hình và khi quyết định đề án để tái cơ cấu, theo thẩm quyền, nhất là liên quan đến nguồn lực tài chính công thì phải trình ra Quốc hội xin ý kiến. Việc lắng nghe ý kiến các ngành, các cấp, đặc biệt ý kiến từ các chuyên gia, dư luận, người dân, báo chí để có cái nhìn đầy đủ, đưa ra giải pháp trúng và đúng.
Tránh tình trạng dùng cơ chế này, cơ chế kia hỗ trợ, nhưng kết quả cuối cùng chết vẫn hoàn chết, để lại hậu quả nặng nề hơn.
Song điều quan trọng nhất là việc để cho một dự án có tiếp tục vận hành hay không, phải dựa trên yếu tố và nguyên tắc của thị trường.
Lấy ví dụ từ ngành thép, có thời gian đầu tư rất nhiều, có doanh nghiệp khó khăn, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản mà nguyên nhân lớn là cung vượt cầu. Do đó, các phương án đưa ra phải tính đến yếu tố thị trường, đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết, cần rút kinh nghiệm trong việc quản lý nhà nước với khu vực doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn vừa qua. Phải gắn với sự biến động của thị trường để tránh phát sinh những doanh nghiệp lớn sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước gây thua lỗ như các dự án trên.
Điểm mặt 12 “ông kẹ” thua lỗ ngàn tỉ * Bốn nhà máy đạm Hà Bắc, DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ninh Bình: thua lỗ 3.372 tỉ đồng trong năm 2016. * Nhà máy đóng tàu Dung Quất: tính đến 30-6-2016 các khoản nợ phải trả là 6.893 tỉ đồng; lỗ lũy kế hơn 3.674 tỉ. * Mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai: lỗ hơn 1.000 tỉ sau hơn 2 năm vận hành. * Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ: vốn đầu tư 1.300 tỉ, đội lên 2.500 tỉ. Đã dừng thi công nhưng đến cuối năm 2014 chi phí phát sinh là 392 tỉ. * Mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên: tổng vốn đầu tư 3.843 tỉ, sau lên 8.104 tỉ. Đã dừng thi công và từ đầu năm 2017 phải trả gốc lẫn lãi vay 45,5 tỉ đồng/tháng. * Bột giấy Phương Nam: tổng mức đầu tư 1.487 tỉ, sau lên 3.400 tỉ. Năm 2012 chạy thử nhưng không ra được sản phẩm. * Ethanol Dung Quất: tổng mức đầu tư 1.800 tỉ, sau lên 2.100 tỉ. Năm 2014 lỗ khoảng 146 tỉ và dừng hoạt động. * Ethanol Bình Phước: tổng mức đầu tư 1.500 tỉ, đội lên 1.700 tỉ. Vận hành từ tháng 4-2013 và đến hết năm 2014 lỗ 400 tỉ. * Nhà máy xơ sợi Đình Vũ: tổng mức đầu tư 7.200 tỉ, năm 2015 ghi nhận mức lỗ tới 1.255 tỉ, vốn chủ sở hữu âm 504 tỉ. Tạm dừng hoạt động nhưng 6 tháng đầu năm 2016 vẫn phải chi thêm tới 228,3 tỉ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận