Các loại phát thải khí nhà kính sẽ được quản lý chặt chẽ tại Việt Nam trong thời gian tới - Ảnh: GETTY IMAGES
10 lần, 10 kết quả khác nhau
Ngày 23-8, Trung tâm tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo về quản lý phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Tuân - Trung tâm tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm phát thải khí nhà kính 9% bằng nguồn lực trong nước và 27% bằng nguồn hỗ trợ quốc tế.
Ông Tuân cho biết theo quy định của nghị định 06/2022 của Chính phủ, các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính.
Một nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE), một công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE, một tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE… trở lên cũng sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Nhìn chung, có ba nhóm đối tượng lớn sẽ được quy định buộc phải kiểm kê và quản lý khí nhà kính, bao gồm nhóm ngành năng lượng, nhóm ngành xây dựng và nhóm ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - sử dụng đất.
Đặc biệt, ông Tuân cho biết từ năm 2024 trở đi, các đơn vị sẽ phải tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ 2 năm một lần, gửi UBND tỉnh để thẩm định.
Đến năm 2025, các cơ sở sẽ phải hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nghĩa là chỉ chưa đầy 4 tháng nữa, các cơ sở sẽ bắt đầu đưa ra những báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở đầu tiên. Theo ông Tuân, hiện rất nhiều đơn vị vẫn chưa biết cách kiểm kê chính xác.
"Có nhiều đơn vị 10 lần kiểm kê số liệu phát thải khí nhà kính của cơ sở mình thì cho ra 10 kết quả khác nhau. Một nhà máy tính toán phát thải khí nhà kính lại có độ chênh lệch quá lớn khi thuê một đơn vị tính toán bên ngoài. Một doanh nghiệp năng lượng và một doanh nghiệp xây dựng lại đang tính bằng những cách rất khác", ông Tuân nói.
Lưu ý nguồn phát thải khí nhà kính gián tiếp
Ông Lâm Đạo Đức - trưởng bộ phận kỹ thuật của TUV Rheinland Việt Nam - cho biết cách tính toán không dễ. Trong quá trình tiếp xúc với các đơn vị, ông nhận thấy rất nhiều cơ sở gặp rắc rối, đặc biệt ở khâu phân loại và thống kê các nguồn khí nhà kính.
Lấy ví dụ với phương pháp ISO 14060, các nguồn phát thải khí nhà kính được chia thành nguồn trực tiếp và gián tiếp. Nguồn trực tiếp liên quan trực tiếp đến đơn vị của họ, chẳng hạn như vận hành một lò đốt cháy nhiên liệu, vận hành đốt cháy nhiên liệu trong giao thông… Các nguồn này sẽ dễ tính toán.
Rắc rối là các nguồn phát thải gián tiếp. Chẳng hạn, một nhà máy tiếp nhận nguồn nguyên liệu đầu vào là thép, nhựa, thủy tinh, vật liệu điện tử… thì cũng phải tính toán các mức phát thải nhà kính để có được những vật liệu này. Tuy nhiên, việc tính toán sẽ phải phụ thuộc nhiều vào thông tin từ đơn vị cung cấp.
Tương tự, một nhà máy hợp đồng với một doanh nghiệp vận tải đưa đón công nhân. Phát thải khí nhà kính từ đơn vị vận tải này cũng sẽ được tính vào nguồn phát thải gián tiếp.
Theo ông Đức, một lưu ý khi kiểm kê là bám rất sát vào từng tiêu chí được Chính phủ nêu ra trong các văn bản, trong đó có nghị định 06/2022 và quyết định 01/2022. Với nguồn phát thải gián tiếp, cần lập văn bản với các đơn vị liên quan để xác định từng hạng mục.
"Đồng thời, bộ phận kiểm kê sẽ phải có góc nhìn bao quát để nhìn ra được các hạng mục cần kiểm kê phát thải trong đơn vị mình. Họ cũng sẽ cần đưa ra lộ trình để giảm dần mức phát thải qua các năm sao cho cân bằng với bài toán chi phí trong quá trình thực hiện", ông Đức nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận