Liên quan vụ việc tại Nhà máy Cấp nước Chư Sê (Gia Lai) bị cắt điện vì nợ tiền điện, làm đảo lộn sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân ở huyện này, ngày 28-5, Tuổi Trẻ Online ghi nhận việc cấp nước cho khách hàng của nhà máy đã khôi phục.
Nhà máy cấp nước là tài sản thế chấp khoản vay ngân hàng
Tuy nhiên, theo người dân, đây không phải là lần đầu tiên Nhà máy Cấp nước Chư Sê bị cắt điện vì nợ tiền điện, mà đã nhiều lần như vậy. Hàng ngàn hộ dân là khách hàng sử dụng nước do nhà máy này cấp đang lo lắng việc có thể họ lại bị dừng cấp nước đột ngột, vì nhà máy đang là tài sản đảm bảo của một khoản nợ mà ngân hàng đã có đơn yêu cầu thi hành án.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Nhà máy Cấp nước Chư Sê do Công ty CP Cấp nước Chư Sê đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2018 với công suất thiết kế 9.000m3/ngày đêm, quy mô phục vụ 8.000 khách hàng.
Tuy nhiên, do lượng khách hàng sử dụng nước của nhà máy chỉ khoảng 1.600 hộ, nên nhà máy rơi vào thua lỗ. Sau nhiều năm nợ nần kéo dài, phía ngân hàng cho vay dự án đã khởi kiện chủ đầu tư ra tòa nhằm thu hồi khoản vay.
Tháng 11-2023, TAND huyện Chư Sê xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và bị đơn là Công ty CP Cấp nước Chư Sê.
Tòa tuyên bị đơn có nghĩa vụ trả cho Vietinbank tổng cộng nợ gốc và nợ lãi 71 tỉ đồng.
Trường hợp bị đơn không trả nợ, nguyên đơn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp theo hợp đồng thế chấp tài sản, bao gồm toàn bộ tài sản hình thành từ dự án nhà máy cấp nước và các quyền phát sinh tới dự án, cùng một số tài sản khác theo hợp đồng thế chấp.
Sau phiên tòa, ông Lê Vĩnh Thịnh - giám đốc Công ty CP Cấp nước Chư Sê - có thư chấp thuận bàn giao nhà máy cấp nước để ngân hàng thu hồi nợ.
Trong thư này, phía chủ đầu tư nhà máy cấp nước đề nghị tòa án yêu cầu ngân hàng quyết toán, hoàn trả số tiền thừa tại thời điểm kết thúc phiên tòa sơ thẩm.
Cụ thể, theo chủ đầu tư, giá trị dự án mà ngân hàng định mức và công bố là 108 tỉ đồng, trong khi nợ gốc và nợ lãi của dự án là 71 tỉ đồng. Do đó, ngân hàng phải hoàn trả cho chủ đầu tư gần 37 tỉ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thịnh cho rằng sau khi bản án có hiệu lực, chủ đầu tư chấp nhận bàn giao tài sản cho ngân hàng, coi như đã hết trách nhiệm với nhà máy. Tuy nhiên, đến nay phía ngân hàng vẫn chưa thực hiện tiếp quản nhà máy.
Lo người dân không có nước sinh hoạt
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, sau khi có bản án, Vietinbank đã có đơn đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai thi hành bản án.
Một lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai cho biết đã nhiều lần mời chủ đầu tư nhà máy nước làm việc nhưng bị đơn không hợp tác.
Theo cơ quan này, nếu các bên không tự nguyện thỏa thuận được, cơ quan thi hành án sẽ kê biên tài sản để định giá, tổ chức bán đấu giá, thu hồi tài sản cho nguyên đơn.
Tuy nhiên, trong vụ việc này phát sinh rắc rối là nhà máy nước đang cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân. Trong thời gian kê biên, bán đấu giá, nhà máy dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn tới bà con.
Ngoài ra, việc tổ chức định giá tài sản, đặc biệt là hệ thống đường ống ngầm khó khăn khi chủ đầu tư không hợp tác.
Cơ quan này đã đề xuất một số phương án để duy trì hoạt động nhà máy trong thời gian kê biên, như nhờ các đơn vị có chuyên môn đứng ra vận hành giúp nhưng không có kết quả.
Trong khi đó, người dân sử dụng nước phản ánh tiền nước hằng tháng họ vẫn đóng đủ, nhưng nay phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ không biết khi nào nhà máy lại cắt nước!
Nợ đơn vị cấp nước thô nửa tỉ đồng
Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai, ngoài việc nợ tiền điện nhiều tháng chưa trả, nợ phía ngân hàng, chủ đầu tư Nhà máy Cấp nước Chư Sê còn nợ Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai khoảng 500 triệu đồng tiền cung cấp nước thô.
Công ty này đã khởi kiện ra tòa và tòa cũng tuyên buộc Công ty CP Cấp nước Chư Sê phải trả khoản nợ nêu trên. Hiện Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai đã có yêu cầu thi hành án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận