30/06/2019 11:58 GMT+7

Nhà - là nơi nếu ra đi luôn muốn quay về

TẤN KHÔI ghi
TẤN KHÔI ghi

TTO - Nhà - là từ vẫn được dùng để chỉ về nơi chốn đầy ắp kỷ niệm cùng những năng lượng tốt lành, những bài học giản dị mà sâu sắc, góp phần tạo nên tính cách, bồi đắp tâm hồn của mỗi người.

Nhà - là nơi nếu ra đi luôn muốn quay về  - Ảnh 1.

Nhà là nơi nuôi dưỡng cả một quãng đời ấu thơ, gói ghém bao kỷ niệm khó quên - Ảnh minh họa T.T.D

Trang Tổ ấm ghi nhận những chia sẻ về "nhà" - để cùng người đọc chiêm nghiệm về một danh từ không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người.

* NGUYỄN THÁI HIỆP (SV Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM):

Một điểm tựa trong đời

Tôi được lớn lên từ vòng tay ấm của đại gia đình nông dân, như bao gia đình nông dân khác. Nơi ấy luôn chứa đựng những lời yêu thương một cách đầm ấm nhất.

Ngày còn bé, tôi được ngủ những giấc say qua từng lời ru, câu hát "à ơi" của người bà tuổi ngoài chín mươi.

Bà dạy tôi sống với nhau phải lấy cái tình, cái nghĩa ra mà đối đãi. Bà dạy tôi sống phải thương người như thương mình - "người ta đau là mình đau"… 

Tuy bà đã "đi xa" tôi hơn 10 năm nhưng đi đâu, làm gì và có thế nào đi chăng nữa, những lời dạy ấy như dòng sữa lành thiện nuôi dưỡng và tưới mát tâm hồn tôi.

Mỗi khi nghĩ về gia đình, lòng tôi thấy bình yên hơn và gia đình luôn là động lực thúc đẩy tôi cố lên - đi tiếp. Tôi luôn thấy mình hạnh phúc và biết ơn cuộc đời cho tôi một mái ấm như vậy.

* PHAN THỊ DIỄM MY (trưởng phòng kinh doanh một công ty bảo hiểm):

Ba má là nhà

Tôi sinh ra ở quê nghèo, kỷ niệm đáng nhớ nhất là hồi bé nhà nghèo nên nấu cơm má toàn ghế sắn và khoai. 

Tôi với em trai toàn đùn khoai sắn qua lại nên bữa ăn nào cũng bị rầy, có khi còn bị "ăn đòn". 

Mặc dù vậy nhưng vẫn thương má lắm, vì hiểu cảnh nhà mình. Má đánh vì thương và muốn dạy con nên người. 

Sau này má mới nói, sở dĩ má hay la nhắc các con là vì muốn con cái phải biết trân quý miếng ăn, dù khoai sắn cũng là công lao khó nhọc làm ra của ba má, ông bà.

Cũng bị đánh, nhưng là kỷ niệm vui với ba: lúc lớn hơn tí, hay được ba chở đi học trên chiếc xe đạp cũ. 

Mỗi lần ba chở đi đều cho ít tiền lẻ (500, 200 đồng) để ăn hàng. Nhưng có hôm chẳng hiểu sao ba không cho, thế là tôi đứng khóc chẳng chịu vào lớp. Tất nhiên là "ăn đòn". 

Ba tôi đánh xong rồi giải thích: cuộc sống luôn có lúc này, lúc khác, khi mình không được đối xử tốt như trước thì cũng phải nỗ lực, không được đòi hỏi những cái người khác không thể đáp ứng...

Với tôi, ba má là nhà. Và nhà vẫn là nơi tôi nhớ nhất, những lúc vui đều muốn chạy về nhà khoe những thành tích mình đạt được. 

Những lúc buồn, áp lực công việc cũng muốn chạy về nhà, bỏ hết những sân si, giành giựt trong cuộc sống - quay về tuổi thơ như ngày xưa, thời còn được ba má răn dạy.

Nhà với tôi là một cái gì đó rất yên bình, nhẹ nhàng và là nơi tôi có thể sống thật với chính mình...

* TƯỜNG LAM (người dẫn chương trình):

Những bức thư của mẹ

Sớm biết hoàn cảnh gia đình khuyết của mình nên tôi chẳng bao giờ hỏi mẹ những câu hỏi kiểu ba đâu, sao ba không ở với mẹ con. 

Tôi cứ thế lớn lên với thế giới của riêng mình - nơi ấy tôi đã cất giữ trong góc sâu hành trang vào đời những bức thư của mẹ.

Với tôi, đó là báu vật bởi tôi biết mẹ đã gói ghém trong đó biết bao tình cảm của người mẹ dành cho những đứa con côi cút. 

Mẹ đã dõi theo mỗi bước trưởng thành của tôi để rồi trong mỗi lá thư mẹ sẽ gửi kèm bức hình của tôi ngày ấu thơ. 

Nếu bức thư trước có hình ảnh của tôi với cục u trên đầu "kỷ niệm" chiến tích tôi theo chúng bạn trèo cây thì trong bức thư sau, tôi gặp lại hình ảnh mình điệu đà trong ngày đầu tiên đi học… 

Mẹ đã cặm cụi, tỉ mẩn, cắt dán kỷ niệm để trao cho tôi những yêu thương và bù đắp cho tôi những thiệt thòi mà cuộc đời nỡ tâm đánh cắp.

Bao nhiêu năm quăng quật với dòng đời, tôi đi từ thất bại này tới thất bại khác. 

Giấu nỗi cay đắng vào lòng, tôi trở về bên mẹ, nhưng tôi từ chối mọi chăm sóc của mẹ, tôi nhăn mặt trước những tiếng xót xa của mẹ trước sự xuống cấp về thể xác và tinh thần của tôi. Tôi nổi cáu khi mẹ bắt tôi ăn hết món này tới món khác.

Tôi hối hận trước hành động không đúng của mình nhưng nhanh chóng đẩy nhanh cảm giác tội lỗi vào nơi sâu thẳm nhất của trái tim. 

Vậy nhưng, hình ảnh mẹ cặm cụi cắt dán kỷ niệm để tặng tôi vào ngày 8-3 lại làm tôi bật khóc.

Mãi sau này, có những lúc một mình nơi thành phố xa xôi, nhắm mắt lại là tôi được sống lại trong thứ cảm xúc khó tả của giây phút nhận thư tay của mẹ. Tôi cầm lá thư của mẹ, áp vào trái tim để thấy hạnh phúc đang tràn ngập… 

Để rồi tôi lại mang chúng theo hành trang với biết bao va vấp, hạnh phúc và cả đau khổ của cuộc đời. Và giờ đây, tôi lại tỏa sáng như cách mẹ luôn tỏa sáng trong tôi.

Trong tuần, từ ngày 23 đến 29-6, trang Tổ ấm đã nhận được bài vở cộng tác của các bạn đọc: Trần Văn Tám, Thùy Gương, Thu Hiền, Hữu Phan, Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Lê Phương Trí, Song Anh, Nguyễn Ngọc Hà... Trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

Cập nhật bữa cơm gia đình... qua mạng thời 4.0 Cập nhật bữa cơm gia đình... qua mạng thời 4.0

TTO - 'Thực đơn của Moon trưa nay nè. Còn mọi người…' - người con gửi vào nhóm chat gia đình bức hình một mâm cơm. Các thành viên khác trong nhóm chat cũng lần lượt 'cập nhật' bữa ăn của mình.

TẤN KHÔI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên