Những người ở trọ tại Nhà Hy Vọng - Ảnh: B.D.
Tờ mờ sáng, những tiếng lạch cạch sửa soạn đồ đạc, tiếng khóc nũng nịu của mấy đứa trẻ thức giấc con hẻm nhỏ.
Giấc ngủ ngon đầu tiên
Bà Trần Thị Mạnh - người mẹ nghèo quê ở tỉnh Quảng Trị mới được nhận vào Nhà Hy Vọng - đội chiếc mũ len, ánh mắt đục dần đưa bàn tay sần sùi vết chân chim dò dẫm mớ đồ đạc trong căn phòng mới.
Trời dần sáng, những cánh cửa của dãy trọ lần lượt được mở ra. Người tất bật bón cho con ăn để kịp giờ đến trường, người lo vun đụn cơm vào cặp lồng để chuẩn bị cho một ngày lang thang kiếm sống ngoài phố.
Xóm trọ và con hẻm chật chội, nằm sâu hun hút mà sao thấy hạnh phúc ngập tràn trên từng nét mặt người.
Anh Tôn Thất Tuấn Anh - chủ dự án Nhà Hy Vọng - cùng những người ở trọ - Ảnh: B.D.
Anh Tôn Thất Tuấn Anh - chủ dự án Nhà Hy Vọng - cho biết dự án ra đời từ một câu chuyện hết sức tình cờ khi Tuấn Anh cùng nhóm bạn trẻ tìm tới các khu ổ chuột, bãi rác để tặng quà tết cho người vô gia cư.
Vào một buổi sáng cuối năm, khi ôm mớ bánh kẹo, hạt dưa, mứt tết tới khu chung cư Phước Lý, Tuấn Anh cùng nhóm bạn đã sửng sốt khi thấy một tấm bạt được vây lại kế một căn nhà cũ. Phía trong, một cụ già 75 tuổi đang nằm co ro vì lạnh.
Hỏi chuyện, cụ nói mình tên là Trần Thị Mạnh - quê Quảng Trị.
Dãy trọ nơi những người không nhà cửa được đưa về ở miễn phí - Ảnh: B.D.
Chồng chết trong chiến tranh năm 1972, cụ Mạnh một tay dắt hai đứa con gái vừa chạy bom đạn vừa sống rơi rớt khắp nơi. Mấy chục năm nay, khi hai đứa con gái lấy chồng, nhà cửa không có, cụ lang thang và quyết định hướng vào Đà Nẵng sống tiếp cuộc đời còn lại.
Chọn bãi rác, những căn nhà bỏ hoang để làm chỗ nương náu, cụ Mạnh sống một mình từ những lon ve chai, mảnh nhôm nhựa nhặt được.
Người phụ nữ vô gia cư, sống tại bãi rác được đưa về cho ở miễn phí tại Nhà Hy Vọng - Ảnh: B.D.
Tuấn Anh kể hình ảnh côi cút của cụ Mạnh đã ám ảnh mình và nhóm bạn. 10 chàng trai trẻ, đều đã có gia đình, đã trăn trở và bàn nhau nghĩ cách hỗ trợ thiết thực hơn thay vì những suất quà nhỏ.
Sau nhiều bàn tính, một người trong nhóm đã nghĩ ra ý tưởng sẽ góp tiền lại rồi đi tìm dãy trọ nào đó ấm cúng, đủ an toàn rồi đón những người vô gia cư vào ở.
Những ngày cuối tháng 3, Tuấn Anh cùng nhóm bạn chạy xe máy vào các con hẻm nhỏ ở phường Hòa Khánh Nam. Khi tới số nhà 119/15/17 Phạm Như Xương, nghe câu chuyện của nhóm, ông chủ nhà trọ tốt tính đã đồng ý dọn phòng, mở cửa để đón những gia đình mới vào ăn ở.
Trước căn nhà 119/15/17 từ đầu tháng tới nay luôn chộn rộn người vào ra. Tuấn Anh cùng bạn bè sau giờ làm việc lại tranh thủ tới để lấy giấy tờ của người ở trọ để trình chủ nhà, gặp tổ dân phố, công an khu vực hoàn tất các thủ tục đăng ký tạm trú.
Vị chủ nhà tốt bụng cũng mua sơn, giấy dán tường về trang trí lại các căn phòng, lắp thêm quạt máy, bếp gas… để lo cho các gia đình tới ở thật tươm tất.
Chiều 18-4, Tuấn Anh chạy xe ra tiệm rồi cầm về một tấm bảng mica khắc dòng chữ thật lớn trên nền xanh: Nhà Hy Vọng.
"Chúng mình không muốn người ở trọ coi đây là sự bố thí, ban ơn, mà đó là một món quà của người dân Đà Nẵng. Dù nghèo khó, lam lũ, không nhà cửa nhưng những gia đình được đón về đây là một mảnh ghép của thành phố Đà Nẵng nặng nghĩa tình" - Tuấn Anh nói.
Hơn cả một món quà
Ở Nhà Hy Vọng, mỗi câu chuyện của người đi ở trọ khi kể ra đều gây ngạc nhiên. Đà Nẵng từ lâu được coi là nơi xử lý rất tốt an sinh xã hội, chăm lo cho người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư. Nhưng ở đâu đó trên bãi rác, các khu nhà hoang vẫn có những mảnh đời chưa được hỗ trợ.
Ngoài trường hợp cụ Trần Thị Mạnh, dãy trọ này còn mới nhận về một cặp vợ chồng rất đặc biệt. Đó là chị Nguyễn Thị Hạnh (40 tuổi) và chồng là anh Dương Tấn Thành (36 tuổi). Tuấn Anh cho biết cả nhóm đã "tìm thấy" và đưa chị Hạnh, anh Thành về từ một căn miếu gần bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng).
Hôm đi tìm người vô gia cư, Tuấn Anh cùng bạn thấy hai đứa trẻ lem luốc, tâm trí không bình thường, có dấu hiệu tăng động chạy từ nhà hoang ra cản đường người lạ. Vào trong căn miếu thì mới nhận ra đó là hai đứa con của chị Hạnh, anh Thành.
Trò chuyện với người lạ, anh Dương Tấn Thành nói không rõ đầu đuôi câu chuyện của mình. Hỏi gì đáp nấy, đứa con đầu dù lên 7 tuổi nhưng cũng ngờ nghệch, tăng động, mất kiểm soát hành vi.
Cụ Trần Thị Mạnh khoe với mấy người bạn trọ mớ đồ vừa được người dân Đà Nẵng cho - Ảnh: B.D.
Ngoài anh Thành, chị Hạnh, Nhà Hy Vọng còn là "phép mầu" rưng rưng khi tạo ra chỗ ăn ở ấm cúng cho những cặp vợ chồng đặc biệt khác. Dù chỉ là phòng trọ, mái lợp tôn, nền gạch, đồ đạc đơn sơ nhưng trở thành niềm mơ ước và hạnh phúc đặc biệt cho những con người nghèo khổ.
Có hai cặp vợ chồng đều bại liệt tay, chân, hằng ngày đi bán hàng rong và sống ở các khu trọ rẻ tiền, xập xệ khắp thành phố Đà Nẵng lâu nay cũng đã được đón về Nhà Hy Vọng, cho ở trọ miễn phí.
Cam kết tài trợ ít nhất một năm
Tuấn Anh cho biết hiện tại dãy trọ mà nhóm mình thuê có tất cả 6 phòng, người đến ở đều là dân lao động nghèo không nơi nương tựa. Mỗi phòng trọ như vậy rộng chừng 15m2, giá thuê không dưới 1,5 triệu/tháng/phòng nhưng chủ nhà đã hỗ trợ và lấy tổng cộng 8 triệu đồng/tháng cho 6 gia đình.
Ngay khi dự án khởi động, cả 6 căn phòng đều đã được lấp đầy. Tuấn Anh cùng bạn đã trả trước tiền trọ 3 tháng, cam kết với chủ nhà thuê ít nhất 1 năm. Để có khoản kinh phí nghĩa tình này, Tuấn Anh cùng bạn bè hằng ngày đi làm đều trích ra một phần tiền công rồi huy động thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận