Tìm kiếm quá khứ trong đống gốm sứ bể vớt lên từ đáy sông Hương - công việc hơn mười năm qua của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan - Ảnh: Thái Lộc |
Ông Hồ Tấn Phan là một nhà Huế học siêu hạng tàng ẩn trong dáng vẻ giản dị đến đơn giản của một cụ giáo làng. Ông mất đi, khoảng trống về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa sông Hương mà ông để lại có lẽ khó có nhà Huế học nào sau ông điền vô được, không chỉ là khối kiến thức thâm hậu mà còn là một tình yêu tha thiết và tận tụy chỉ riêng có nơi ông! |
Nhà báo LÊ ĐỨC DỤC |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan (Trung tâm Nghiên cứu Huế) cứ xuýt xoa, không chỉ đau xót trước sự giã từ của người bạn thân, mà còn lo cho bộ sưu tập sách và gốm quý trước nguy cơ bị thất tán. Và nếu điều này xảy ra thì quá đáng tiếc cho Huế.
Lúc còn sống, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan từng nói đời mình có hai “đại sự kiện” của tự nhiên và văn hóa mà ông may mắn chứng kiến. Đó là cảnh “bãi bể nương dâu” khi làng Hòa Duân (Thừa Thiên - Huế) bị trận đại hồng thủy năm 1999 tống ra biển, tạo thành một cửa biển mới.
Điều thứ hai mới thật đặc biệt, đó là lớp trầm tích dưới đáy sông Hương xuất lộ dày đặc. Thú vị hơn nữa là ông được may mắn sưu tập, sở hữu và nghiên cứu, trong khi lẽ ra đó lại là công việc của ngành văn hóa. Nhưng ngành văn hóa loay hoay mãi vẫn chưa thấy làm gì. Thì ông làm.
Ông không tiếc thân mình và dĩ nhiên trong suốt hơn 40 năm, có bao nhiêu tiền thì ông dồn hết, miễn là hiện vật sông Hương. Ông coi bộ sưu tập này là hiện thân của văn hóa sông Hương, là nhân chứng “đủ tư cách” để kể lại câu chuyện văn hóa lịch sử suốt dọc dài của một vùng đất và phần nào của đất nước.
Nhiều năm qua, công việc giải mã văn hóa sông Hương đang được ông tập trung thực hiện. Các nhà khảo cổ học, giới sử học trong và ngoài nước đã tìm đến khu vườn gốm sứ của ông và họ hết sức ủng hộ việc ông làm.
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan sinh năm 1938, qua đời lúc 12g10 ngày 14-2-2016. Lễ di quan diễn ra lúc 5g ngày 19-2, an táng lúc 6g30 cùng ngày tại Nghĩa trang phía bắc TP Huế. |
Những ngày cuối đời trên giường bệnh, điều ông lo lắng nhất vẫn là bộ sưu tập gốm sứ hiện thân của văn hóa sông Hương và tủ sách mà ông gom góp suốt cả đời mình.
Ông muốn mời luật sư để lập di chúc nhưng không kịp nữa rồi. Ông ước nguyện rằng toàn bộ sưu tập gốm và sách sẽ được con cháu lưu giữ; thành lập một hội đồng có cả người ngoài gia đình có uy tín và hiểu biết cùng tham gia quản lý để tìm cách phát huy nó, chứ không được bán bất cứ thứ gì.
Ông tâm sự rằng nếu còn sống, ông sẽ bán một nửa khu vườn rộng 3.000m2 của mình để xây hai khối nhà trên phần đất còn lại. Một nhà dành làm chỗ ở cho vợ con. Một khối nhà lớn hơn, dành cho sách và gốm.
Phần khuôn viên có đường vào và sân rộng thật rộng đủ để tiếp đón xe cộ ra vào tham quan, đọc sách. Ông gọi đó là Bảo tàng Văn hóa sông Hương, nơi trưng bày bộ sưu tập À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất - tên gọi ông đặt cho bộ sưu tập), và nguồn phí thu được dùng để trang trải và duy trì hoạt động của bảo tàng. Nhưng ông đã không còn cơ hội để thực hiện ước nguyện của mình.
Trong sự tiếc nuối, TS Nguyễn Việt - giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á - cho biết bộ sưu tập trầm tích từ đáy sông Hương của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã đưa ra một thông báo: khu vực Huế với những tín hiệu khảo cổ rất quan trọng, gồm đủ cả các hiện vật đại diện xuyên suốt chiều dài lịch sử. Bao gồm các hiện vật có niên đại sớm khoảng 4.000 năm, cho đến hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh (3.000-2.000 năm), Champa (từ thế kỷ 2) và thuộc các giai đoạn lịch sử của người Việt trải dài từ thời thuộc Hán cho đến thời Nguyễn và sau này.
Ngoài ra còn có nhiều hiện vật giao lưu văn hóa trong lịch sử, thuộc các thời đại của Trung Quốc như Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh, những hiện vật Thái Lan và châu Âu sau này.
Đặc biệt bậc nhất vẫn là sự có mặt của những cái chạc gốm (chân giò/ông đầu rau/cà ràng...) trục vớt được, những cổ vật này có niên đại khoảng 4.000 năm chứng tỏ rằng có một hệ thống di tích niên đại sớm nằm đâu đó ven sông Hương.
TS Việt rất mong muốn gia đình thực hiện phần nào ước nguyện của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan. Theo đó, có thể phối hợp với một nhóm sinh viên quen nghề và cán bộ thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thực hiện phân loại, chỉnh lý, lập hồ sơ bộ sưu tập gốm sứ từ sông Hương ấy để định vị giá trị khoa học của nó.
Bước tiếp theo, tùy vào quyết định của gia đình mà trung tâm sẵn sàng chia sẻ phần nào cả công sức lẫn tài chính; có thể thực hiện việc trưng bày gốm sứ từ sông Hương mà nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã sưu tầm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận