Ông Nguyễn Đức Hòe (giữa) trò chuyện với các du học sinh Việt Nam tại Nhật - Ảnh: CTV
Tuổi đã ngoài 80, mang nhiều bệnh, thầy Nguyễn Đức Hòe vẫn minh mẫn, rành rọt chuyện thế sự và thường đến theo dõi hoạt động tại Trường Nhật ngữ Đông Du (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Một mình làm cư xá
* Huân chương Mặt trời mọc được xem là sự ghi nhận danh giá nhất dành cho những người nước ngoài có đóng góp tích cực cho nước Nhật. Lúc biết tin được vinh danh, ông cảm thấy thế nào?
- Rất vinh dự. Nhưng tôi tự thấy mình không nổi tiếng như những vị học giả, tiến sĩ; tôi chỉ làm giáo dục và góp phần nhỏ cho mối quan hệ Việt - Nhật. Không phải là những công trình quá lớn lao, nhưng có lẽ người ta hiểu được những gì tôi làm, cảm nhận được sự sâu đậm của tôi cho hai xã hội Việt - Nhật. Từ năm 22 tuổi tới giờ, tôi sống cho xã hội chứ không cho riêng mình.
* Hơn 60 năm cống hiến cho giáo dục, từ khi còn là chàng du học sinh đôi mươi, đến nay đã ở tuổi "cổ lai hi", đâu là những cột mốc đáng nhớ của ông trong hành trình dài như một đời người đó?
- Tôi thích thời gian ở Nhật. Con người ở đây rất đặc biệt với nhiều đức tính tốt. Thời gian ở Nhật cho tôi biết nhiều điều, đặc biệt là tinh thần tập thể. Tôi cảm nhận được giá trị của lối sống tập thể, trong khi sinh viên Việt Nam khi ấy lại thường "ru rú" trong nhà, giới hạn mình trong cánh cửa phòng, tách biệt với thế giới. Vậy là tôi tập hợp một nhóm du học sinh, lập ra hội sinh viên Việt Nam đầu tiên tại Nhật. Chúng tôi tạo các hoạt động kết nối du học sinh. Đó là công việc vì cộng đồng đầu tiên của tôi.
Tôi du học bằng tiền học bổng, do không tiêu xài gì nhiều nên dư dả. Khi đó, sinh viên Việt Nam ở trọ riêng lẻ nhiều nơi. Tôi muốn tạo cơ hội cho sinh viên Việt Nam có thể sống cùng nhau. Sẽ có nhiều điều có thể học hỏi qua lối sống tập thể. Nghĩ vậy, tôi quyết định sẽ làm một cư xá cho du học sinh Việt Nam.
Năm 1967, tôi thuê căn nhà đã bỏ hoang 10 năm ở Tokyo, không điện, không nước, góc nhà đầy mạng nhện. Tôi tự mình sửa sang, sơn phết lại trần, tường nhà. Tôi tìm nhặt những món đồ cũ nhưng còn dùng được mà hàng xóm vứt đi, từ cái bàn, cái nồi, cái xoong, đến cả cái chén, đôi đũa... về làm vật dụng cho cư xá. Sau một tuần chuẩn bị, 10 phòng đầu tiên của cư xá thành hình. Tôi đặt tên là Đông Du học xá. Các sinh viên Việt Nam ở Tokyo bắt đầu có nơi để kết nối với nhau.
Tôi không hối hận gì
* Cái tên Đông Du học xá dường như được ông lấy cảm hứng từ phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu?
- Đúng vậy. Tôi hãnh diện vì cụ Phan Bội Châu đã sang Nhật với một tấm lòng yêu nước. Tôi noi theo người xưa giúp đỡ các sinh viên sang Nhật du học, như tinh thần của phong trào Đông Du.
Những năm 1960, sinh viên tư phí (tự bỏ tiền đi học - PV) ở Nhật thường không học tốt, một số thậm chí không chịu học mà chỉ chơi bời. Tôi cùng một số bạn bè "gom" các sinh viên tư phí ở Tokyo lại, dạy thêm cho các bạn từ 6h-9h tối. Lúc đầu chỉ có một lớp, sau mở rộng thành ba lớp. Ban ngày đều đi học đi làm hết, buổi tối đàn anh sẽ dạy cho các em. Cuối năm, tôi dẫn từng bạn đến các trường đại học để giới thiệu nhập học.
Được vài năm, tôi tự đặt câu hỏi: Du học bằng tiền nhà nước được, bằng tiền gia đình được, vậy nếu tự mình du học thì sao? Nơi ở đã có Đông Du học xá, chuyện ăn không quá tốn kém, lại có thể làm thêm. Còn tiền học có thể trang trải hoặc tìm các nhà tài trợ. Tôi bắt đầu thử nghiệm, mỗi năm đưa 1-2 người sang. Dần dần, tôi mở rộng ra, là cơ sở cho chương trình học bổng Đông Du sau này. Tính đến nay, chúng tôi hỗ trợ được hàng ngàn người sang Nhật du học.
* Nửa thế kỷ gắn bó với các du học sinh, đâu là điều ông hài lòng nhất về các học trò của mình?
- Điều tôi hài lòng là luôn giáo dục cho học sinh lòng yêu nước bên cạnh kiến thức chuyên môn. Trường Nhật ngữ Đông Du không chỉ dạy tiếng Nhật, chúng tôi thường lồng vào những bài học về tình yêu nước và cuộc sống, cho các em không quên gốc rễ. Những học trò của tôi hầu hết là người đàng hoàng. Có người sau 10, 20 năm đã chứng tỏ được thành công. Đến giờ, tôi không hối hận gì cả. Nếu có nằm xuống, tôi vẫn hãnh diện. Tất cả mọi thứ chỉ là hư danh, cái còn lại không phải là tiền bạc, mà là các học trò của tôi.
* Ông còn những dự định gì phải hoàn tất trong thời gian tới không, thưa ông?
- Tôi luôn mong những người học trò của tôi không tan biến ngoài xã hội, mà sẽ tiếp sức với tôi. Chương trình du học Đông Du là tâm huyết của tôi. Trong tương lai dù có thu nhỏ nhưng chương trình vẫn phải tiếp tục, vì vẫn gieo những hạt giống quý báu cho đất nước.
Ông Nguyễn Đức Hòe bắt đầu du học Nhật từ tháng 4-1959. Năm 1964, ông tốt nghiệp cử nhân khoa học tại ĐH Kyoto; năm 1967 tốt nghiệp thạc sĩ khoa học tại Trường Cao học, ĐH Tokyo và bắt đầu làm giảng viên Việt ngữ tại ĐH Ngoại ngữ Tokyo. Năm 1991, ông thành lập Trường Nhật ngữ Đông Du. Năm 1992, ông Nguyễn Đức Hòe khởi xướng chương trình học bổng Đông Du, giúp đưa hàng ngàn du học sinh sang Nhật học tập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận