24/10/2006 06:02 GMT+7

Nhà công vụ và những lỗ hổng lớn về quản lý

ĐOAN TRANG thực hiện
ĐOAN TRANG thực hiện

TT - "Riêng những trường hợp đã có nhà còn được hóa giá, đã được điều đi nơi khác công tác nhưng vẫn được mua nhà, hoặc nhà nhỏ đổi thành nhà to...thì cách xử lý là nên thu lại". Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ khi trao đổi với Tuổi Trẻ vào hôm qua 23-10. Ông Võ nhấn mạnh: - Về nguyên tắc, không nơi nào được bố trí nhà ở theo chế độ bao cấp sau khi Thủ tướng Chính phủ ký nghị định (NĐ) 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở.

Xl9wXfnI.jpgPhóng to
Ông Đặng Hùng Võ - Ảnh: Đ.Trang

Tuy nhiên, một số địa phương, trong đó có TP.HCM, đã xử lý chưa đúng, vận dụng những điểm chưa rõ trong NĐ 61/CP để bố trí nhà ở mang tính công vụ sau năm 1994, rồi sau đó vẫn giải quyết bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang sử dụng theo NĐ 61/CP với giá ưu đãi quá lớn.

Cần phải nói rõ, NĐ 61/CP như một dấu chấm kết thúc cơ chế bao cấp về nhà ở. Trước đó, từ năm 1992, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định 118/TTg ngày 27-11-1992 về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương. Có nghĩa là bao cấp về nhà ở cũng không còn vì đã được tính vào lương.

Đúng là chúng ta chưa đảm bảo việc đưa giá nhà vào lương nhưng chúng ta kết thúc cơ chế bao cấp mà lại chưa có cơ chế cụ thể về nhà công vụ. Sự khập khiễng về chính sách và sự thiếu phù hợp với cuộc sống thực tế đã làm nhiều nơi phải vận dụng bán nhà công vụ theo NĐ 61/CP, đồng thời cách này đã bị lợi dụng theo kiểu trục lợi.

Đó chính là kẽ hở khá rộng về pháp lý gây nên thất thoát trong việc bố trí nhà công vụ. Kẽ hở này cũng tạo ra độ vênh khá lớn về giá (giữa giá bán theo NĐ 61/CP và giá thị trường). Người ta đã tính trung bình độ vênh này là từ 1-2 triệu USD cho một căn biệt thự ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM.

* Việc vận dụng NĐ 61/CP để bán nhà công vụ có sai luật pháp không, thưa ông?

- Có trường hợp sai và có trường hợp không sai. Điều đáng nói ở đây là có sự vận dụng kẽ hở khá lớn về luật pháp và không theo đúng tinh thần đạo lý của xã hội. Đấy là bất cập mà việc xây dựng pháp luật đã để trống, làm cho việc vận dụng luật pháp không thống nhất giữa tỉnh này với tỉnh khác, không thống nhất trong địa bàn cùng một tỉnh, như ở TP.HCM nhưng giải quyết trường hợp này không thống nhất với trường hợp khác. Ngay cùng một cấp cán bộ nhưng người được mua, người không, người cấp dưới có khi được nhà rộng hơn người cấp trên...

* Hiện nay TP.HCM đang trong quá trình rà soát nhà công vụ theo chỉ thị của Thủ tướng. Vậy nhà công vụ bố trí trước năm 1994 có thuộc diện phải xử lý?

- Theo nguyên tắc chung, việc bán nhà công vụ cho các trường hợp được bố trí trước năm 1994 cũng phải được đưa vào đề án bán nhà theo NĐ 61/CP được thông qua HĐND cấp tỉnh, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công khai để mọi người biết (ở TP.HCM, đề án này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Tôi chưa biết đề án bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại TP.HCM đã thực hiện đúng các qui định này chưa.

* Còn những trường hợp bán nhà công vụ bố trí sau năm 1994?

- Từ năm 1994 trở về sau mà tiếp tục bán với giá ưu đãi thì tôi cho là không đúng theo qui định của NĐ 61/CP. Nếu đã là nhà công vụ thì phải đảm bảo không được hóa giá thành nhà tư nhân.

* Trường hợp nào chỉ được thuê hoặc nếu có mua thì phải mua theo giá thị trường? Đã được bố trí nhà rồi nhưng muốn đổi thành nhà to hơn, đẹp hơn, hoặc mua thêm nhà khác... có được không?

- Những trường hợp mới tiếp nhận nhiệm vụ trong thời gian sau năm 1994 thì không thể giải quyết bán nhà theo NĐ 61/CP mà chỉ được thuê nhà, mua nhà theo giá thị trường. Trường hợp có nhà rồi mà được giải quyết mua nữa (hoặc đổi nhà to hơn, đẹp hơn) thì càng sai vì ngay trong khi bao cấp về nhà ở, chúng ta cũng không bao cấp cho ai hai lần.

* Còn trụ sở, nhà xưởng bị biến thành nhà riêng thì sao, thưa ông?

- Nếu là trụ sở thì thuộc phạm vi quản lý công sản của cơ quan tài chính. Theo qui định hiện nay, phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hoặc UBND tỉnh, TP và phù hợp qui hoạch thì mới được chuyển sang nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để bố trí vào mục đích công vụ.

Việc chuyển công năng từ trụ sở cơ quan nhà nước thành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, rồi thành nhà ở riêng diễn ra cũng khá phức tạp và hầu hết các trường hợp đều không thực hiện theo đúng qui định về quản lý công sản. Đây cũng là việc gây bức xúc trong dân.

* Những lỗ hổng về pháp luật, những trường hợp vận dụng lỗ hổng này để giải quyết... sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

- Vừa qua, công luận quan tâm rất lớn đến nhà công vụ cũng như việc hóa giá nhà theo NĐ 61/CP, tôi chắc Chính phủ sẽ có văn bản qui phạm pháp luật về việc này nhằm xử lý những trường hợp trái pháp luật, sẽ có những qui định cụ thể việc xử lý đối với nhà công vụ đã được hóa giá.

Hiện nay qui chế về nhà công vụ đã được đưa vào Luật nhà ở và NĐ hướng dẫn thi hành rồi. Chúng ta cũng vẫn rà soát lại xem thiếu gì, điều gì chưa phù hợp thực tế thì điều chỉnh kịp thời.

Việc bán nhà ở theo NĐ 61/CP còn ách tắc, nhiều người chưa mua được. Tháng 9-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra nghị quyết về một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ. Riêng những trường hợp đã có nhà ở rồi còn được hóa giá thêm nhà khác, đã được thuyên chuyển công tác sang địa phương khác nhưng vẫn được mua nhà hóa giá, hoặc nhà nhỏ đổi thành nhà to... thì cách xử lý là nên thu hồi lại.

* Người dân mong Nhà nước sẽ xử lý nghiêm, nhưng cũng có một bộ phận chưa tin tưởng lắm...

- Tôi nghĩ, về nguyên tắc Nhà nước sẽ phải xử lý, không thể để tiếp tục tình trạng bất công, cũng không thể coi đó là tồn tại của lịch sử rồi không xử lý. Vấn đề là xử lý như thế nào cho thỏa đáng, tôi cho rằng đó cũng là bài toán phức tạp, nhưng chúng ta phải làm để vừa thể hiện việc thực thi luật pháp vừa nói lên tính đạo lý, tính công bằng của xã hội.

Tôi được biết lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo ráo riết về việc xử lý, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo hướng kiên quyết thu hồi những mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, lãng phí. Riêng việc bán nhà sở hữu nhà nước, UBND TP cũng đã chỉ đạo rà soát kỹ để tránh trường hợp một người được giải quyết chính sách nhà đất hai lần. Nếu xử lý tốt sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân và cũng là để có thể giải quyết được nhiều việc bất hợp lý khác nữa.

Ai, nhà nào được hóa giá: cần công khai

Những cán bộ đã được giải quyết chính sách nhà đất một lần rồi mà nay lợi dụng để tiếp tục được giải quyết lần thứ hai là hoàn toàn sai. Những cán bộ chưa được giải quyết chính sách nhà thì nay còn thực hiện chính sách hóa giá nhà nữa không? Nếu còn thì thực hiện theo những qui định cũ hay qui định nào khác? Phải công khai, minh bạch cho dân biết: tiêu chuẩn cán bộ cấp nào được hóa giá nhà; qui mô, cấp độ, vị trí nhà như thế nào là được hóa giá... Chính phủ cần phải có qui định rõ ràng, công khai, nếu không tôi rất áy náy là sẽ không tránh khỏi việc kéo lại chuyện cũ, rất phức tạp và gây phản cảm xã hội.

(Trích phát biểu của ĐBQH Trần Hồng Việt - Cần Thơ - tại kỳ họp QH đang diễn ra, ngày 23-10)

Để của công không bị biến thành của... ôngĐề nghị báo cáo về việc quản lý, sử dụng nhà côngNhà công - xe công - đất công: Nước trong phải từ nguồn...Phải chấm dứt tình trạng biến nhà công thành nhà tư ''Mổ xẻ'' bức xúc về nhà triệu đô bán dưới 1 tỷBán nhà cũ, xây nhà mới làm công vụ"Không có chủ trương cấp nhà cho Bộ trưởng"“Ai khéo vẫy vùng thì được của riêng”Nhà công vụ biến thành nhà riêngSẽ rà soát lại nhà công vụSẽ tạo tiền lệ không tốt nếu bán nhà công vụ

ĐOAN TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên