27/01/2021 18:07 GMT+7

'Nhà có đứa con...' trò đùa kém vui sao cứ lan truyền?

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO
NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO

TTO - Hồi tết Canh Tý 2020 vừa rồi, mạng xã hội rộ lên phong trào “nhà có đứa con…”. Đây là loạt ảnh chế có dạng một tấm “biển báo” theo “công thức”: Nhà có đứa con …. Khách đến chơi vui lòng không hỏi câu …. Nó cộc nó đánh, gia chủ không can được.

Nhà có đứa con... trò đùa kém vui sao cứ lan truyền? - Ảnh 1.

Ảnh: Facebook

Loạt ảnh này khiến nhiều người thấy thú vị vì nó "cấm" hay "ngừa" các loại câu hỏi khó xử trong ngày tết.

Vì thế người ta thi nhau chế biến biển báo với nhiều nội dung khác nhau như: Nhà có: "đứa con hơi mập", "đứa con học dốt", "đứa con chưa lấy chồng" cho đến "đứa con làm thợ chụp hình", "đứa con làm design".. Khách đến vui lòng không hỏi những câu như: "sao mập vậy con", "con được học sinh gì", "chừng nào lấy chồng", "thu nhập khá không con"....

Kết thúc của các biển báo đó đều là: "Nó cọc* nó đánh, gia chủ không can được", thậm chí còn có cả "nó cọc lên nó xiên chết". Có người nhẹ nhàng hơn thì là "nó tủi thân nó khóc, gia chủ không dỗ được".

Tưởng đâu trào lưu biển báo kia đã qua đi, năm nay gần tết, tôi lại thấy bạn bè và các trang mạng bắt đầu đăng tải, chia sẻ những "biển báo" cười không nổi đó, thậm chí còn có "Nhà có đứa con học ngành y, khách đến chơi vui lòng không hỏi sao thu nhập thấp vậy. Nó cọc* lên nó đánh, gia chủ không can được". Sinh viên y dược cũng hung hãn vậy rồi ư?

Hơi khó chịu vì nhiều biển báo viết sai chính tả, nhiều nhất là từ "cộc" trong "cộc cằn" bị viết thành "cọc" (cái cọc). Thứ hai là yếu tố bạo lực bên trong biển báo: nó đánh, nó đâm, nó tạt màu vẽ lên mặt… Một biển báo chỉ có hai ba câu lại xuất hiện những thứ tiêu cực đến vậy đáng để lan truyền sao?

Những lần đầu tiên nhìn thấy loại biển báo đó, tôi chỉ liên tưởng đến những tấm bảng ghi "Nhà có chó dữ" thỉnh thoảng vẫn thấy ngoài đường. Ở đây còn một yếu tố buồn cười nữa là "gia chủ không can được". Nếu cha mẹ, ông bà không dạy nổi con cháu, tự xưng "gia chủ" thì tôi thấy hài hài. Đã vậy còn dán thông báo?!

Điều đó khiến cho biển báo kia, trong mắt tôi, trở thành một dạng chung là: "Nhà có đứa con… không dạy nổi. Khách đến chơi vui lòng không nói chuyện với nó".

Nếu gia đình thật có đứa con như vậy, chắc cũng chẳng khách nào còn dám đến chơi ngày tết mà phải dán biển.

Nhà có đứa con... trò đùa kém vui sao cứ lan truyền? - Ảnh 2.

Ảnh: Facebook

Trước đây tôi có đọc được một bài viết trên mạng, cũng có một biển báo như vậy, nhưng đó là trường hợp của một phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, người nhà lo lắng khách đến thăm hỏi những chuyện khiến cô ấy xúc động, tổn thương nên mới dán một biển báo trước nhà. Đây là chuyện vô cùng bất đắc dĩ, và không có gì vui.

Tôi muốn nhấn mạnh lại về nội dung bạo lực trong các biển báo: Nếu biển báo này có thể làm cho một người cười, thấy vui và chia sẻ lại, đồng nghĩa với việc người đó không cảm thấy có điều không ổn trong nội dung của nó, hoặc thấy "vui" nhiều hơn. Khi việc đánh đập người khác chỉ vì người ta hỏi một câu mình không thích trở thành một hiện tượng bình thường, điều đó rất nguy hiểm. Một hạt giống bạo lực đã được gieo vào trong tiềm thức của người đọc, người chia sẻ trong "cơn vui" một cách âm thầm như vậy đó. Đây là lý do chủ yếu tôi không muốn những biển báo này tiếp tục được lan truyền.

Nói một cách đơn giản thì đây cũng chỉ là một trò đùa. Tôi tin rằng những người làm gia chủ thật sự ở hiện tại chẳng mấy ai thích thú với những tấm biển báo kia. 

Ta ăn tết nhẹ nhàng cho vui được không? Ta ăn tết nhẹ nhàng cho vui được không?

TTO - Muốn cho tết được nhẹ nhàng, cần buông bỏ những thứ nặng nề đi.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên