Nhà báo Tô Minh Nguyệt giao lưu cùng bạn đọc sáng nay - Ảnh: T.T.D.
Những ký ức đó được hội ngộ trong buổi giao lưu và ra mắt sách Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô vừa diễn ra vào sáng 16-12 tại Đường sách TP.HCM (quận 1).
Đến dự buổi giao lưu cùng tác giả Tô Minh Nguyệt có nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, nhà văn Trầm Hương - phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - cùng nhiều cái tên kỳ cựu trong nghề viết.
Mở đầu Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô, Tô Minh Nguyệt dành tặng quyển sách cho người em trai của mình - chàng thanh niên ra đi vì tiếng gọi Tổ quốc và hòa tên mình vào tên chung của đất nước - với phần đề bút: "Tặng hương hồn Tô Hùng và làng Láng của tôi".
Nhắc về người em thân thương, tác giả cho biết: “Em tôi năm 17 tuổi không đủ cân nên phải cho gạch, cho đá vào túi để đủ cân ra chiến trường. Em ra đi từ năm 1967, cho đến ngày hy sinh chưa một lần trở về nhà. Những lá thư em viết về khoảng nửa năm, một năm trời mới đến".
Nhưng hơn cả một lá thư, quyển sách còn là phần ký ức về một Hà Nội thân thương trong khói lửa bom đạn. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhận xét: "Đọc sách của chị Nguyệt, tôi thấy những cảnh tái hiện thời kỳ năm 1972 của Hà Nội. Trong tựa đề chị Nguyệt điền "Thư viết từ Hà Nội" nhưng kèm theo "bom đã rơi trên hè phố thủ đô". Điều đó quan trọng hơn. Bởi vì thư lúc đấy nhiều người viết lắm, nhưng chị Nguyệt viết riêng về giai đoạn Hà Nội nằm trong bom đạn.
Tôi nghĩ nếu không có những người như chị Nguyệt, những phóng viên quân đội, nhà báo, nhà văn thì ai sẽ là người nhắc lại cho chúng ta những ký ức về một thời đạn bom, những ký ức rất đau thương nhưng cũng rất tự hào này".
Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô là quyển sách ghi lại một thời khói lửa của Hà Nội - Ảnh: TRẦN MẶC
Có thể thấy, chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu sinh mệnh, bao nhiêu ký ức. Nhưng chiến tranh cũng để lại một trái tim đau đáu về những điều đã qua, để yêu thương con người hiện tại.
Nhìn về Hà Nội của quãng thời gian trước, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải - người trải qua những ngày tháng gian khổ cùng tác giả Tô Minh Nguyệt - cho biết:
"Chúng tôi cùng nhìn thấy bom rơi xuống Hà Nội, từng nhìn thấy dù của những phi công nhảy ra. Đấy là một thời đại mà xã hội bây giờ phải “thèm”, mặc dù nghèo khổ, chiến tranh, sống chết không biết thế nào nhưng đó là một xã hội không có trộm cắp, không có ăn xin và cũng không ai ăn cái gì một mình cả.
Tức là tất cả người nghèo đói, già, trẻ em cơ nhỡ đều có người giúp đỡ. Cho nên khi nhớ lại thời chiến tranh ấy không chỉ có đau khổ, chết chóc mà cảm thấy một điều rất xúc động, sâu xa trong lòng".
Với hơn 200 trang sách, Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô là tập hợp truyện và ký viết về giai đoạn trước và trong thời kỳ Mỹ rải bom B52 khắp Hà Nội. Những câu chuyện hiện lên dưới góc nhìn của người trong cuộc thay vì chỉ đơn thuần là quyển bút ký của thời đại với việc ghi chép từng cột mốc của lịch sử.
Tác giả Tô Minh Nguyệt (áo dài tím) giao lưu và ký tặng độc giả - Ảnh: T.T.D.
Tại buổi giao lưu, nhà thơ Nam Thi cho rằng quyển sách sẽ góp một nguồn động lực cho người trẻ và bổ sung thêm nhiều kiến thức cho thế hệ sau về một thời quá khứ của dân tộc, để người trẻ "nối dài tiếp đến tương lai và sẽ còn nhiều câu chuyện để kể cho thế hệ tiếp theo".
Về phần mình, đứng ở góc độ của một người yêu mến lịch sử, Phạm Nguyễn Lan Thy (diễn viên Em và Trịnh) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online:
"Từ bé tôi đã được nghe ông bà kể về thời chiến tranh loạn lạc. Lúc đó tôi cũng không thể hình dung được nhiều nhưng càng lớn, càng tìm hiểu về lịch sử của đất nước, dân tộc, tôi mới hiểu được ông bà đã trải qua những khoảng thời gian rất khó khăn. Trong thời buổi khó khăn có thể tồn tại đã là một kỳ tích rồi nhưng họ còn có thể nuôi nấng và dạy dỗ chúng ta.
Với những người trẻ, quyển sách sẽ cho chúng ta những lát cắt chi tiết và cảm xúc hơn. Vì nó từ con người, là những câu chuyện bắt nguồn từ con người chứ không phải chỉ là những cột mốc lịch sử hay sự kiện chung".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận