![]() |
Nhiều cây cổ thụ trên đường Trần Phú (Q.5, TP.HCM) nằm trong khuôn viên nhà dân - Ảnh: Q.Khải |
Muốn cắt cành, tỉa nhánh khô hay chăm sóc cây, nhân viên ngành cây xanh phải được sự đồng ý của chủ nhà.
Cây mọc trong nhà
Ðường Trần Phú, P.4, Q.5 (đoạn gần khách sạn Equatorial) có nhiều cây cổ thụ cao vút, thẳng đứng, tán lá xum xuê khá đẹp. Nhưng có một số cây cổ thụ lại nằm trong khuôn viên nhà dân. Cụ thể, ở góc đường Trần Bình Trọng - Trần Phú, có cây cổ thụ cao khoảng 20m, gốc to cỡ hai người ôm, trổ lên từ sân nhà 23 Trần Phú, bao quanh cây là hàng tường rào, cổng sắt. Một người sống trong căn nhà này cho biết khi về đây ở đã thấy cây như vậy rồi và việc chăm sóc, tưới cây nhiều năm qua do gia đình anh làm.
Cách đó không xa, một cây cổ thụ có chiều cao tương tự cũng trổ lên từ nơi giáp ranh giữa nhà 13A và 13B Trần Phú (số cũ). Do gốc cây lớn nên hai nhà này đều xây tường bao gốc cây lại, người đi đường chỉ có thể nhìn thấy cây từ đoạn mọc lên khỏi nóc nhà. Những người sinh sống tại hai nhà trên cho biết cây này "mọc" trong nhà từ trước đến giờ, nhân viên ngành cây xanh chỉ có thể mé nhánh, không thể tưới cây vì hai căn nhà đã bao lại toàn bộ gốc cây.
Trên đường Trần Bình Trọng nối dài (thuộc P.1, Q.10) có hàng loạt cây cổ thụ trổ lên từ giữa nhà dân. Có những căn nhà chiều ngang chỉ khoảng 3m nhưng bị các gốc cây cổ thụ to đùng mọc lên chắn ở giữa, chiếm phân nửa chiều ngang căn nhà. Có người xây tường bít lại, cách ly giữa cây và xung quanh nhưng cũng có trường hợp để tự nhiên, mỗi khi trời mưa nước theo cây xuống gốc, thấm vào nền nhà.
Tại chung cư Lý Văn Phức (đường Lý Văn Phức, Q.1), các hộ dân đã bao sáu cây cổ thụ xung quanh, có trường hợp còn dùng gốc cây cổ thụ để đóng móc xoong chảo, vật dụng gia đình.
Trong số những cây cổ thụ trên đường Trần Bình Trọng nối dài có một số cây đã bị cưa nhánh, chết khô nhiều năm qua nhưng chưa được xử lý. Bởi muốn bứng luôn các gốc cây này thì phải phá dỡ một phần nhà dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt của những gia đình tại đây, điều mà người dân không muốn. Còn để kéo dài, các cây cổ thụ sẽ mục nát, nguy cơ gãy đổ, gây nguy hiểm cho những căn nhà phía dưới.
Tình trạng cổ thụ bị bao chiếm còn xảy ra ở hàng loạt tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TP như: Nguyễn Thông, Trần Quốc Thảo, Lý Chính Thắng... với số lượng lên đến hàng chục cây. Trong đó, có nhiều cây cổ thụ thuộc dạng quý như sao đen, sọ khỉ...
Không cho chăm sóc cây
Theo Công ty Công viên cây xanh TP, đa số cây bị bao chiếm là cổ thụ được trồng từ thời Pháp. Những cây này ban đầu trồng trên lề đường nhưng qua thời gian, người dân cơi nới hàng rào, nhà cửa và bao luôn cây xanh. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 50 cây cổ thụ trên địa bàn TP bị người dân bao chiếm chưa được xử lý.
Thực tế này gây rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, đặc biệt là hàng cây cổ thụ nằm sâu trong nhà dân trên đường Trần Bình Trọng. Một cán bộ Xí nghiệp cây xanh 2 (thuộc Công ty Công viên cây xanh TP) cho biết: "Nhiều lần chúng tôi cho người đến cắt cành, mé nhánh khô đã bị người dân ở đây làm khó, thậm chí họ không cho chúng tôi đi trên nóc nhà để trèo lên cây nên việc chăm sóc cây xanh ở một số khu vực không thực hiện được". Có hai cây chết khô trong nhà dân trên đường Trần Bình Trọng nối dài nhưng xí nghiệp chưa thể đốn hạ để đưa đi nơi khác, vì người dân yêu cầu nếu đốn cây mà làm hư hại nhà họ thì phải bồi thường.
Theo bà Ðinh Thị Năng - chủ tịch UBND P.1, Q.10, tuyến đường Trần Bình Trọng nối dài (đoạn từ Lý Thái Tổ đến Hùng Vương) có đến 20 cây xanh bị nhà dân xây dựng công trình bao quanh thân, gốc. Ða số nhà đất ở đây thuộc dạng lấn chiếm và người dân sinh sống từ trước năm 1993 đến nay (không được cấp chủ quyền). Hiện tuyến đường này đang có dự án cải tạo đường và lắp đặt hệ thống thoát nước do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP làm chủ đầu tư. Khi đó sẽ di dời các nhà dân bao chiếm cây xanh.
Cũng theo bà Năng, thời gian qua UBND P.1, Q.10 phối hợp với các cơ quan chức năng vận động người dân tháo dỡ các công trình để đơn vị quản lý cây xanh có điều kiện chăm sóc, xử lý, nhưng bà con cho rằng khi triển khai dự án nói trên họ sẽ tháo dỡ công trình bao chiếm cây xanh nếu thống nhất được giá bồi thường. Ða số người dân đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm khi có những tai nạn do cây gây ra.
Theo lãnh đạo UBND Q.5, tình trạng cây xanh bị nhà dân bao chiếm trên đường Trần Phú đã có từ trước giải phóng. Ðối với trường hợp nhà có nguồn gốc là nhà sở hữu nhà nước, khi hóa giá nhà, quận đã chừa ra phần diện tích bao chiếm cây xanh, không hóa giá. Trường hợp là nhà sở hữu tư nhân, nếu cơ quan cấp chủ quyền trước đó công nhận luôn phần diện tích có cây xanh thì khi cấp đổi giấy chủ quyền hoặc cấp phép xây dựng, quận sẽ chừa ra phần diện tích có cây xanh.
Như vậy, ngoài đường Trần Bình Trọng nối dài, việc xử lý tình trạng nhà dân bao chiếm cây cổ thụ ở các tuyến đường còn lại vẫn chưa có lối ra. Không chỉ lo ngại về những sự cố do cây cổ thụ gây ra cho các hộ dân xung quanh, nhiều người còn lo các cây này có thể bị "xử tử" bất cứ lúc nào vì đơn vị quản lý không thể giám sát được cây "mọc" trong nhà.
QUANG KHẢI - LAN VI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận