06/05/2008 15:02 GMT+7

Nguyễn Trọng Khôi: Kỷ niệm và hoài nhớ

Theo DIÊN VỸDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo DIÊN VỸDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Đã gần tròn bốn năm kể từ cuộc triển lãm của Nguyễn Trọng Khôi và Trịnh Thanh Tùng tại gallery Tự Do, mới đây qua email, Khôi nhắn về bảo rằng anh sẽ lại sắp mang tranh về bày ở quê nhà…

Nguyễn Trọng Khôi là một trong số các họa sĩ Việt Nam khá thành công ở Mỹ. Trong khoảng mươi năm trở lại nay anh có nhiều triển lãm cá nhân tại Boston, thành phố anh đã định cư nhiều năm, cũng như vài nơi khác. Anh bán được tranh, có lúc, như vào năm 2004, một phòng tranh của Khôi bán được vài chục bức mà khách mua tranh là người bản xứ. Điều đó chẳng phải dễ dàng gì với một người đã qua thời tuổi trẻ khi sang định cư ở Mỹ. Ngay một số tác giả đã thành danh ở quê nhà, xa xứ cũng gặp không ít trở ngại khi muốn sống được với nghiệp vẽ.

v2YoQhEc.jpgPhóng to

Tĩnh vật bình gốm

Nguyễn Trọng Khôi cũng phải trải qua những tháng ngày lận đận, phải làm nghề tay trái để nuôi tay mặt cầm cọ và mơ đến một ngày được sống hoàn toàn với hội họa. Có một điểm mốc trong hành trình sáng tác của anh, đó là năm 1993, trước khi nhịp cầu quan hệ Việt - Mỹ được chính thức nối lại, đã có một triển lãm tranh lưu động trên đất Mỹ với tên gọi “Cách một đại dương” (An ocean apart). Trong triển lãm đó, Nguyễn Trọng Khôi có mấy tác phẩm vẽ về nông thôn, hình thành từ ký ức những năm tuổi thơ sống ở đồng quê vùng Vĩnh Phú trước khi theo gia đình vào Nam năm 1954.

Và Khôi còn rẽ lối sang âm nhạc, sáng tác và hát những bài tình ca, những ca khúc chất chứa bao nỗi hoài nhớ quê nhà. Tháng 7-1999, khi lần đầu sang Mỹ, đến Cali, tôi được nghe những khúc ca của Khôi trong một đêm ngủ tại nhà một người bạn trẻ đang học nhiếp ảnh. Lúc ấy tôi đã làm mọi cách mà vẫn không sao liên lạc được với Khôi, kể cả qua các họa sĩ người Việt chơi thân với anh. Rồi Khôi về thăm nhà lần đầu tiên sau hơn mười năm xa xứ, có mang về tặng bạn bè mấy tập nhạc và đĩa CD của anh.

Có một buổi ở nhà anh Nguyễn Quang Sáng, dưới gốc cây mận đang nở trắng những hoa, cánh và nhụy hoa rụng trên vai, trên tóc chúng tôi, Khôi đã ôm đàn hát say mê những sáng tác của anh. Vẫn như ngày nào khi còn ở quê nhà, trong những cuộc rượu bạn bè, anh đã hát bằng chất giọng trầm ấm và thật đàn ông của mình. Nghe Khôi hát những ca khúc mênh mang, những bài hát thời tiền chiến thì không thể nào quên được.

Nhưng chuyện viết nhạc, ra CD của anh cũng chỉ là ngẫu hứng của kẻ đa tài, hào hoa, cái nghiệp vẽ đã vận vào anh mới làm nên một Nguyễn Trọng Khôi đích thực. Buổi đầu sáng tác, Nguyễn Trọng Khôi vẽ hiện thực. Giỏi hình họa anh còn vẽ các minh họa bút sắt và bút lông sắc sảo trên báo. Sang Mỹ, có nhiều năm anh theo đuổi khuynh hướng trừu tượng nhưng giai đoạn gần nay anh trở lại với hội họa biểu hình nhưng hiện thực trong tranh anh đã được nâng lên ở một tầm vóc mới, với cái thần hồn mới, đặc biệt là ở tranh tĩnh vật. Những chiếc bình gốm cũ kỹ, rạn nứt, những chai lọ trong xó bếp hay góc sân, những viên cuội lặng lẽ và những bức tượng thạch cao câm nín…

cOIbSEu3.jpgPhóng to

Đêm

Thế giới tĩnh vật của Nguyễn Trọng Khôi là thế, như anh từng bày tỏ trong một bài trả lời phỏng vấn, rằng: “Xem tranh tĩnh vật cho ta cái cảm giác đơn giản, đạm bạc như được trở về lại một góc nhà thời thơ ấu, tìm thấy những vật quá đỗi thân tình, quá đỗi kỷ niệm… Quanh ta, chúng luôn có đó, lặng lẽ, an phận, tưởng như đời đời vẫn thế…”. Vẫn là thế giới ngập tràn những kỷ niệm và hoài nhớ. Nhưng chính những kỷ niệm và hoài nhớ đó nuôi cảm xúc cho người nghệ sĩ sống xa quê. Những đồ vật “quá đỗi thân tình, quá đỗi kỷ niệm” đã được thăng hoa bằng cảm xúc và, thật ra, chúng không hề câm nín mà đang mách bảo nhiều điều, khơi gợi lên những ngẫm ngợi về đời người hữu hạn.

Gần đây, hai bức tranh anh vẽ ở Sài Gòn đã lâu được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sưu tầm và đem trưng bày trong một triển lãm trước Tết Mậu Tý. Bảo tàng cũng đã tìm cách liên hệ với anh để có được những thông tin cần thiết về tác giả và tác phẩm. Với Nguyễn Trọng Khôi, đó cũng là một niềm vui, niềm vui tìm lại những đứa con tinh thần của mình ngỡ đã bị chìm khuất trong những thăng trầm thế sự.

mUhWwkqH.jpgPhóng to

Đối thoại

9MfZ1EPt.jpgPhóng to

Tĩnh vật

Theo DIÊN VỸDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên