Anh Nguyễn Anh Phong cài nơ đỏ đồng hành cùng người sống với HIV/AIDS cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 1-12-2018
Tôi muốn góp phần tháo dỡ "hàng rào" kỳ thị để cuộc sống đẹp hơn, nhân ái hơn, dẫu rằng mỗi người mang một thân phận khác nhau
Nguyễn Anh Phong (41 tuổi, huyện Củ Chi, TP.HCM) là người hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS. Anh từng đoạt giải thưởng "Hero" trong phòng chống HIV/AIDS năm 2018 do Liên minh vì sức khỏe tình dục nam giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Thái Lan bình chọn.
Lắng nghe
* Cơ duyên nào đưa anh đến với con đường gắn bó với cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS?
- Năm 2008, tôi tham gia nhóm "Tình bạn" tự lực xây dựng, hỗ trợ những người nhiễm HIV/AIDS và nhóm có nguy cơ cao như: tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm... Tham gia cùng tôi là 15 người, gồm những người bị nhiễm có, lao động bình thường có, sinh viên và cả những trí thức.
Chúng tôi chia địa bàn ra, đến những địa điểm không an toàn thu gom kim tiêm cho vào thùng an toàn, hay đi phát bao cao su...
Đến năm 2010, tôi nằm trong ban điều hành nhóm và nghĩ ra các hoạt động chuyên sâu hơn, kết hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM để có những kỹ năng tư vấn hỗ trợ bài bản, chuyên nghiệp, chứ không hoạt động "vỡ lòng" như trước.
Ở Việt Nam năm 2012 mở mạng lưới những người sống chung với HIV VN (VNP+) có 7 vùng thì tôi trong ban điều hành thuộc khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt ở TP.HCM. Cứ thế đến hôm nay. Với tôi, hoạt động tình nguyện này trở thành công việc chính.
* Đó là hoạt động đầy chông gai vất vả khiến anh hẳn đã từng muốn buông nhiều lần... Anh đã xốc lại như thế nào?
- Đúng là nhiều lần tôi đã từng nản và muốn buông. Khi tôi đi xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, những tổ chức xã hội khác để cùng chung tay giúp đỡ, nhiều người nghĩ tôi không tốt đẹp gì.
Nhớ nhất có lần một bạn bị nhiễm HIV/AIDS bị áp lực lớn từ gia đình, không chịu dùng thuốc và điều trị. Khi đạt đỉnh điểm thì gia đình mới nhờ tư vấn. Đúng tối hôm đó, bạn này tự tử. Ơn thành oán, gia đình kiện tụng, tôi đâm ra nản chí.
Khó khăn nhất là làm sao cho người nhiễm tin tưởng mình. Tâm lý của những ai rơi vào "bi kịch" này đều sợ, sợ người khác biết, sợ dị nghị và sợ tất cả những nỗi sợ trùm lên.
Người ta tin thì sẽ tìm mình để chia sẻ, hoặc có thể chấp nhận nghe mình thuyết phục mà dùng thuốc đặc trị ARV; lạc quan rồi ý thức được căn bệnh mình đang mang... để tự chăm sóc cho chính mình, để bảo đảm hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Mỗi ngày tiếp xúc mỗi người bệnh mỗi hoàn cảnh, mỗi con đường bị lây bệnh khác nhau, nhưng khi tôi đã nghe được họ, họ nghe tất cả những gì tôi tư vấn hỗ trợ, họ sẽ sống với suy nghĩ bình thường như những người bình thường.
Có nhiều người bị nhiễm mà tôi từng gặp mỗi ngày đều gọi chỉ để nghe "Anh Phong ơi, em khỏe rồi. Mấy hôm nay em uống thuốc đều và ngủ được".
Còn có rất nhiều người chỉ chờ tôi đến chơi, chỉ nắm tay với họ, uống ly nước..., lúc đó tôi hiểu rằng tinh thần rất quan trọng. Như thế là mình đang mang niềm vui đến cho họ. Họ vui tôi cũng vui, đó là động lực cho tôi vượt qua những lúc nản.
* Mục đích cuối cùng anh hướng tới qua công việc này là gì?
- Đó chính là tạo niềm tin cho những người HIV/AIDS để chính họ tự vực tinh thần mình dậy, thay đổi suy nghĩ mà sống tốt, sống lạc quan như bao người bình thường.
Tôi chứng kiến quá nhiều cảnh bị nhiễm HIV cứ nghĩ là bầu trời sập xuống, chán nản, suy sụp và không chịu dùng thuốc để đến giai đoạn nhiễm những bệnh cơ hội. Với họ lúc đó rất cần một cái "phao". Lúc đó, ta phải đưa tay ra.
Anh Nguyễn Anh Phong tư vấn về tình dục an toàn để tránh lây nhiễm HIV/AIDS
Ước mơ dỡ "hàng rào" kỳ thị
* Anh có thể kể một vài trường hợp mà anh đã cứu giúp người HIV/AIDS thành công.
- Tôi nhớ có một người quê ở Bến Tre lên TP làm việc, tìm Facebook tôi kết bạn, có chia sẻ mình bị nhiễm nhưng buông trôi không điều trị vì nhiều lý do, người hiện gầy ốm và đề kháng rất yếu.
Khi gặp mới biết bạn là bác sĩ của một bệnh viện lớn tại TP.HCM, nhưng từ khi phát hiện mình bị nhiễm HIV/AIDS, bạn đã xin chuyển sang làm hành chính. Tôi dẫn ra đây để thấy rằng dù là ai đi nữa, nếu không may bị nhiễm HIV/AIDS, họ rất cần một chia sẻ ở nơi họ tin tưởng.
Hay anh N.H.T. (Q.9) làm "trai bao" bị lây nhiễm HIV/AIDS từ bạn tình nên hận thù và suy nghĩ phải có người bị lây nhiễm như mình. Đạt được mục đích mình muốn, nhưng tối về là những đêm anh không tròn giấc ngủ.
Tôi cũng bàng hoàng vì không biết có bao nhiêu người "đi qua" N.H.T. nhưng đã tư vấn, tâm sự để người nhiễm thấy rằng họ mất nhiều hơn được nếu suy nghĩ như vậy, trước hết là sức khỏe yếu đi rất nhiều.
Sau đó, T. nghỉ hẳn công việc và tự động liên lạc với 5 người mình "chung sống" nói sự thật để họ đi xét nghiệm.
Có trường hợp cả gia đình (Q.Gò Vấp) gồm 2 vợ chồng và đứa con bị nhiễm HIV/AIDS. Tôi kết nối với bác sĩ về hưu xin tài trợ để lo cho họ chi phí, các hỗ trợ xã hội khác... Gia đình ấy hiện rất hạnh phúc, sống như bao tổ ấm khác.
* Tập trung cho công việc thiện nguyện xã hội này thì thời gian đâu anh dành cho bản thân, kể cả mưu sinh?
- Đúng là mình không có thời gian, nhưng thật ra việc tư vấn, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS đã ăn sâu trong máu mình rồi. Thậm chí hồi xưa cảm thấy khó chịu khi ai gọi mình "Phong sida" nhưng bây giờ được tin tưởng, công việc mình giúp được nhiều người nên tên gọi đó lại thấy rất đỗi thân quen.
Tôi cảm nhận được hiệu quả "trái ngọt" mà mình miệt mài giơ tay ra với mọi người. Tôi hiện có công ty về văn phòng phẩm ở Q.6, đủ cho hai mẹ con sinh sống.
Còn về dựng xây gia đình nhỏ, rất khó tìm được người chấp nhận coi "HIV/AIDS" là cuộc đời như tôi, nên bản thân mình tìm niềm vui qua công việc này hằng ngày, như một cái duyên chung.
* Công việc tình nguyện mà anh thực hiện mang lại nhiều điều tích cực với cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS mà ai cũng thấy. Tuy nhiên, anh còn trăn trở điều gì không?
- Tôi cứ trăn trở là vì sao một người bình thường mới cảm ho đã vội vã chạy ra tiệm thuốc tây, đi khám bác sĩ ngay, trong khi những người biết mình nhiễm HIV/AIDS lại lầm lũi trốn tránh, không dám nói rằng mình bị nhiễm để sớm có cách can thiệp.
Một lý do lớn là sự kỳ thị từ xã hội dẫn đến họ tự kỳ thị chính mình, để rồi không tích cực điều trị, suy nghĩ bi quan... Tôi muốn góp phần tháo dỡ "hàng rào" kỳ thị để cuộc sống đẹp hơn, nhân ái hơn, dẫu rằng mỗi người mang một thân phận khác nhau.
Vượt qua được rào cản này là rất khó. Bản thân tôi chỉ biết ra sức giúp đỡ, hoạt động hết mình và cũng mong mọi người hãy lan tỏa sự cảm thông này bằng hành động để tiếp sức, để thêm một bàn tay nhỏ giúp họ vượt qua mặc cảm lớn.
* TS Khuất Thu Hồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội):
Nhân rộng lòng nhân ái
Phong là người hiểu biết rất rõ cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng, trăn trở của người sống chung với HIV/AIDS.
Phong giúp họ không phải chỉ hỗ trợ tài chính, tiếp cận y tế mà quan trọng là giúp họ có tinh thần thay đổi nhận thức để trở nên mạnh mẽ, những người đã tuyệt vọng trở nên yêu cuộc sống và quay lại giúp đỡ người khác.
Việc làm của Phong tạo cái kết hay, đã nhân rộng lòng nhân ái, tạo được mối dây đồng cảm xa hơn, kéo mọi người gần với nhau.
* Ông Nguyễn Năng Viện (trưởng khoa lao - HIV Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM):
Biết "đi" vào tim
Có những người bệnh nhiễm HIV/AIDS chán nản, tuyệt vọng, vào viện nhưng không muốn hợp tác để có phác đồ điều trị tốt nhất, chúng tôi gọi anh Phong đến "ra tay".
Điều tâm huyết của anh Phong thể hiện qua hiểu biết, qua cách chia sẻ hỗ trợ và biết "đi" vào trong tim họ một cách tự nhiên nhất.
Kết hợp với Phong, công tác chăm sóc người bệnh nhiễm HIV/AIDS của bệnh viện cũng hiệu quả hơn.
Tôi cũng rất phục anh bởi trái tim vì cộng đồng lớn như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận