Ban xuất huyết hoại tử xuất hiện ở nhiều vùng da bệnh nhân chỉ hai ngày sau ăn tiết canh. - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh, cho biết mặc dù đã cảnh báo nhiều lần về nguy cơ nhiễm liên cầu lợn từ tiết canh, nhưng vẫn có rất nhiều người nhập viện do ăn tiết canh heo và nhiễm bệnh. Gần nhất là bệnh nhân 61 tuổi ở Hạ Long, Quảng Ninh, vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Theo thông tin từ gia đình, khoảng hai ngày trước, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, một ngày sau ăn thì bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, đau bụng. Chỉ một ngày sau đó, bệnh nhân có nhiều dấu hiệu nguy hiểm như sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt chưa bằng 1/2 so với bình thường, nổi vân tím toàn thân và ban xuất huyết hoại tử ở khắp vùng vai, chân, lưng, bụng.
Kết quả xét nghiệm lúc bệnh nhân vào viện cho thấy bệnh nhân đã suy thận, rối loạn đông máu trầm trọng, có tình trạng nhiễm trùng... do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn có trong tiết canh.
Ngay khi vào viện, bệnh nhân đã được xử trí bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực: thở máy, bù dịch, điện giải, thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu liên tục, điều trị rối loạn đông máu.
Tuy nhiên, do khi nhập viện, bệnh nhân đã diễn biến quá nặng nên dù đã tích cực hồi sức nhưng tình trạng sốc, suy đa tạng khó cải thiện, bệnh tiến triển ngày càng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Hùng cho biết bệnh liên cầu lợn lây sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh lợn có mầm bệnh (chiếm tới 70% nguyên nhân). Ngoài ra có thể lây qua đường hô hấp hoặc lây trực tiếp qua các tổn thương trên da, gồm 3 thể bệnh: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Biểu hiện của bệnh thường sau vài tiếng đến 4 - 5 ngày, có trường hợp ủ bệnh tới 14 ngày tùy cơ địa mỗi người.
Dịp tết sắp tới là thời gian nhiều gia đình mổ lợn ăn tết và vẫn giữa thói quen ăn tiết canh, bác sĩ cảnh báo nguy cơ mất vui, mất tết, thậm chí mất mạng vì món ăn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận