28/02/2019 15:03 GMT+7

Nguy cơ nhiệt độ trái đất tăng mạnh nếu mây tầng tích biến mất

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Những đám mây tầng tích giúp bảo vệ con người trước sự ấm lên của trái đất có thể tan biến nếu hàm lượng khí thải CO2 trong không khí tăng.

Nguy cơ nhiệt độ trái đất tăng mạnh nếu mây tầng tích biến mất - Ảnh 1.

Hàng tỉ tấn nước tan ra từ các khối băng khổng lồ ở Greenland và Nam Cực có thể dẫn tới nhiều hình thái thời tiết cực đoan hơn, gây xáo trộn khí hậu trái đất trong nhiều thập kỷ tới. Nguồn: dailymotion.com

Ngày 25-2, các nhà khoa học Mỹ và Australia cảnh báo những đám mây tầng tích giúp bảo vệ con người trước sự ấm lên của trái đất bằng cách phản chiếu trở lại ánh nắng mặt trời vào vũ trụ, có thể tan biến nếu hàm lượng khí thải CO2 trong không khí tăng gấp ba.

Mây tầng tích nằm che phủ khoảng 20% đại dương cận nhiệt đới, phần lớn là các đại dương ở gần vùng bờ biển phía Tây như bờ biển California (Mỹ), Mexico và Peru.

Theo nhà khoa học Tapio Schneider thuộc Phòng thí nghiệm đẩy phản lực tại Pasadena, bang California, Mỹ, khi mây tầng tích tan biến, nhiệt độ trái đất tăng mạnh, khoảng 8 độ C, chưa kể nhiệt độ trái đất tăng lên do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây ra.

Mức tăng cao như vậy sẽ làm băng ở hai đầu cực tan chảy và mực nước biển dâng cao hàng chục mét.

Các nhà khoa học nhận định thậm chí nếu nhiệt độ trái đất tăng khoảng 4 độ C thôi cũng đã vượt ngưỡng khả năng thích nghi của con người.

Nhiệt độ trái đất chỉ tăng 1 độ C kể từ giữa thế kỷ 19 (phần lớn trong 50 năm qua), đã đủ để gây ra những đợt nắng nóng, khô hạn, lũ lụt và lốc xoáy nghiêm trọng.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 10-2018, thậm chí mức nhiệt tăng 2 độ C so với thời tiền công nghiệp sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng như sự biến mất của các rặng san hô ở vùng biển nông vốn góp phần duy trì 1/4 hệ sinh thái biển.

Do vậy, Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu đã đề ra quy định các nước phải kiểm soát nhiệt độ trái đất tăng ở mức dưới 2 độ C.

Kể từ khi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực, nồng độ khí thải CO2 trong không khí đã tăng gần 45%, từ 285 ppm đến 410 ppm.

Bằng cách sử dụng cách tiếp cận sáng kiến để làm mô hình hoạt động của mây tầng, giáo sư Schneider và các đồng nghiệp đã tính toán rằng các đám mây che phủ bảo vệ trái đất có thể tan biến nếu nồng độ CO2 lên tới 1.200 ppm.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu vượt ngưỡng này, cao gấp 3 lần so với hiện nay, thì hậu quả không thể tưởng tượng được.

Mặc dù 30 năm trước, giới khoa học đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả của tình trạng trái đất ấm lên, song lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới vẫn tăng hằng năm.

Theo Giám đốc Học viện khí hậu và năng lượng thuộc Đại học Melbourne (Australia), Malte Meinshausen, với lượng phát thải CO2 như hiện nay thì hàm lượng CO2 ở mức 1.200ppm sẽ bị vượt qua vào năm 2104.

Ngoài ra, điều mà các nhà khoa học lo lắng hơn là tình trạng trái đất ấm lên do hoạt động của con người sẽ dẫn tới việc thải khí CO2 và mêtan từ các nguồn tài nguyên tự nhiên như tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở các cực, tạo thêm khó khăn cho các nước trong nỗ lực giảm khí thải CO2.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên