TS.BS Đỗ Quốc Huy, phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết: “Gọi "ngạt khí” để nói về một số người bệnh bị hôn mê, thậm chí tử vong khi ở trong phòng kín có dùng máy nổ phát điện, có đốt than củi, than tổ ong hay ở trong hầm của tòa nhà có nhiều xe gắn máy, ôtô đang nổ máy… thực chất là tình trạng ngộ độc khí CO.
Người bị ngộ độc khí CO sẽ cảm thấy mệt mỏi dần và ngất đi mà không nhận ra mình đang bị ngạt. Nếu không kịp thời phát hiện, nguy cơ tử vong là rất cao".
Nhiều trường hợp tử vong
Thực tế, đã từng có nhiều trường hợp rơi vào trạng thái nguy kịch do ngộ độc khí CO. Đầu năm 2016, một bé gái 18 tháng tuổi tại Nghệ An tử vong do người nhà dùng than củi để sưởi ấm. Bốn thành viên khác trong gia đình này bị khó thở, sùi bọt mép, lơ mơ, rối loạn ý thức. Trước đó, tại Thanh Hóa, một gia đình đốt than đặt trong nhà đóng kín cửa. Hậu quả, ba người bị chết ngạt, hai người nguy kịch, phải cấp cứu tại bệnh viện vì ngộ độc do khói, khí than không thoát được ra ngoài.
Nhiều bếp ăn tập thể hiện nay vẫn sử dụng than như nhiên liệu chính cho việc đun nấu. Trong khi đó, hệ thống hút khói không được đầu tư, trang bị dẫn đến việc người ăn thường xuyên hít phải khói than. Thậm chí, tình trạng này vẫn đang diễn ra tại các bếp ăn từ thiện của một số bệnh viện, căngtin trường học…
Tuyệt đối không được đốt để sưởi trong phòng kín
PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định tuyệt đối không sử dụng hình thức đốt cháy để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas.
“Khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi khí CO độc hại hoặc khí CO2 sẽ ngày càng tăng. Đến một giai đoạn nào đó, phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu khí oxy sẽ hình thành khí CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”, PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
Theo TS.BS Đỗ Quốc Huy, bản thân khí CO không màu, không mùi vị đặc biệt nên rất khó phát hiện. Chất khí độc hại này khi hít phải sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy mà máu cung cấp cho cơ thể, làm chúng ta đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh.
Đốt than sưởi ấm, dù có mở hé một cửa sổ để thông gió cũng vẫn nguy hiểm vì hít phải khí CO sẽ ngấm độc từ từ, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính thì tốc độ và mức độ nhiễm độc tăng rất cao.
BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương - giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết di chứng thần kinh - tâm thần muộn gặp ở những người bị ngộ độc khí CO sau khi hồi phục thường là thay đổi tính tình, giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt nửa người, đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng, run.
Ngăn ngừa ngộ độc khí Không đốt than, củi trong nhà, trong lều, trong xe đóng kín cửa. Không để xe hơi hoặc xe máy nổ máy trong gara, trong nhà ngay cả khi mở cửa. Không đặt máy phát điện trong nhà hay ở gầm sàn nhà. Máy phát điện phải để cách xa cửa sổ, cửa chính đang mở. Không dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm. Không sử dụng thiết bị đốt khí gas không có thông hơi trong phòng kín.TS.BS Đỗ Quốc Huy |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận