04/01/2011 07:01 GMT+7

Nguy cơ cháy chực chờ

NGUYỄN TRIỀU thực hiện
NGUYỄN TRIỀU thực hiện

TT - Đại tá Lê Tấn Bửu, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về diễn biến, tình hình cháy nổ trên địa bàn TP trong năm 2010 và những ngày đầu năm 2011.

bDlkoSCi.jpgPhóng to
Vụ cháy rụi một kho chứa hàng tại chợ Tân Bình (TP.HCM) đêm 11-4-2010 cho thấy việc phòng cháy chẳng bao giờ thừa - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU

Ông Bửu nói:

- Năm 2010 là năm mà tình hình cháy nổ diễn biến hết sức phức tạp. Tuy số vụ lực lượng chữa cháy phải can thiệp chỉ 190 vụ, giảm ba vụ so với năm 2009, nhưng thiệt hại về người và tài sản đều tăng. Cụ thể, các vụ cháy trong năm 2010 làm chết năm người (tăng một người), bị thương 48 người (tăng 18 người) và gây thiệt hại về tài sản hơn 108 tỉ đồng (tăng hơn 60 tỉ đồng). Đó là chưa kể 15 vụ cháy do mâu thuẫn cá nhân đốt và đốt để tự tử làm chết 10 người và bị thương sáu người.

tkiEd1j9.jpgPhóng toĐại tá Lê Tấn Bửu - Ảnh: N.TRIỀU* Những vụ cháy thời gian qua có nguyên nhân gì bất thường hay do lực lượng chữa cháy làm việc không hiệu quả?

- Hầu hết các vụ cháy nghiêm trọng đều có chung một nguyên nhân là do chập điện. Nhưng xét cho cùng, chập điện chỉ là nguyên nhân trực tiếp, còn cái gốc đều do ý thức PCCC của doanh nghiệp mà cụ thể là sơ sót trong sử dụng thiết bị điện.

Một điểm đáng lưu ý nữa là ở các vụ cháy này, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp nhận được tin báo rất muộn và khi đến nơi thì đám cháy đã phát triển thành một biển lửa.

* Ông đánh giá thế nào về hiện tượng người dân, doanh nghiệp không chủ động báo tin khi đám cháy mới được phát hiện?

- Đây là điều chúng tôi hết sức lo ngại, vì còn hiện tượng người dân, doanh nghiệp ngại mất thành tích, sợ bị phạt nên cố tự xoay xở và khi không thể cầm cự được mới báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Và rất nhiều tin báo cháy chúng tôi nhận được là từ những người xung quanh hoặc người đi đường tình cờ phát hiện, chứ không phải từ địa chỉ phát cháy.

Gọi 114 khi có cháy

“Phòng cháy hơn chữa cháy, nước xa khó dập lửa gần nên quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp phải tự kiểm tra, rà soát các điều kiện an toàn PCCC tại cơ quan mình để có biện pháp khắc phục kịp thời và tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó. Người dân, các hộ gia đình cần cảnh giác đề phòng hỏa hoạn trong hoạt động thờ cúng, nấu nướng và sử dụng thiết bị điện. Mỗi hộ gia đình nên trang bị bình chữa cháy xách tay, bố trí tại những nơi dễ thấy, dễ lấy. Và tất cả mọi người cần nhớ gọi cho chúng tôi theo số điện thoại 114 ngay khi phát hiện có cháy xảy ra” - ông Bửu nhấn mạnh.

Phân tích về mặt khoa học cho thấy khoảng thời gian có thể dập tắt hiệu quả một đám cháy là trong vòng 10 phút đầu tiên từ khi phát hỏa. Từ phút thứ 11 trở đi đám cháy đã phát triển trên diện rộng và nhiệt lượng của nó đủ sức biến những chất cháy xung quanh thành mồi lửa thì việc chữa cháy cực kỳ khó, có những đám cháy phát triển nhanh đến mức chỉ có thể khoanh vùng và dập lửa tàn. Do đó, việc báo cháy chậm không chỉ gây thiệt hại cho chính mình mà còn đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của những người xung quanh.

* Nhưng cũng có người tự tin về khả năng chữa cháy tại chỗ nên không báo cho lực lượng chuyên nghiệp từ đầu?

- Trong năm vừa rồi chúng tôi nhận được hơn 1.000 tin báo cháy và khi xe chữa cháy đến nơi thì đám cháy đã được lực lượng tại chỗ dập tắt. Đây là điều rất đáng biểu dương, vì thực tế cả ngàn vụ cháy đó đã xảy ra rồi, nhưng nhờ lực lượng tại chỗ dập tắt kịp thời nên chúng tôi không phải triển khai lực lượng và thiệt hại cũng được hạn chế thấp nhất. Song người dân, cơ quan, doanh nghiệp không thể quá tự tin về năng lực chữa cháy tại chỗ mà chủ quan vì hậu quả sẽ khó lường.

Chúng tôi đề nghị mọi người phải thực hiện đúng tiêu lệnh chữa cháy, việc đầu tiên là phải báo động cho mọi người biết, ngắt nguồn điện khu vực cháy, báo tin cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trước khi tự mình dùng phương tiện tại chỗ để dập lửa.

* Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy mùa giáp tết cũng là “mùa cháy”, Sở Cảnh sát PCCC có biện pháp và khuyến cáo gì với người dân, doanh nghiệp để ngăn chặn hiệu quả?

- Nguy cơ cháy lúc nào cũng chực chờ. Mùa giáp tết thời tiết hanh khô, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, người tiêu dùng tập trung mua sắm, thời gian nghỉ lễ, nghỉ tết kéo dài... nên nguy cơ cháy theo đó cũng tăng lên đến đỉnh điểm. Hiểu quy luật này, sở đã có kế hoạch kiểm tra tập trung về công tác PCCC tại các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, các chợ và trung tâm thương mại, các khu vực công cộng tập trung đông người, các doanh nghiệp để xử lý, hướng dẫn khắc phục kịp thời những vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy có thể xảy ra.

NGUYỄN TRIỀU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên