Đầu tiên, ông nhờ Tuổi Trẻ thông tin đến với bạn đọc một việc mà ông bảo rằng mình rất vui và bất ngờ, đó là tại kỳ thi thử trước khi thi đại học chính thức tại Hàn Quốc, tổ chức hôm 5-6, đã có hơn 4.500 học sinh chọn môn tiếng Việt.
Đây là lần đầu tiên ngôn ngữ Việt Nam có mặt tại kỳ thi tuyển sinh đại học Hàn Quốc, và số lượng học sinh chọn theo tiếng Việt xếp hàng thứ ba trong số tám ngôn ngữ trong nhóm ngoại ngữ 2 (ngoại ngữ 1 là tiếng Anh), chỉ sau tiếng Nhật và Trung.
Sau khi gửi đến thông tin vui nói trên, GS Bae hỏi tôi rằng đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học tại Việt Nam như thế nào? Tôi thông tin cho ông biết rằng nó cũng như mọi năm. Nói một cách ngắn gọn là sự việc thì cũ, nhưng đối tượng thì luôn luôn mới. Phụ huynh vẫn hồi hộp chờ trước cổng trường thi, thí sinh thì lo lắng không biết cánh cổng vào đời của mình có suôn sẻ hay không...
Đã từng có một thời gian dài học tập và làm việc tại Việt Nam nên GS Bae tự tin nhận định: Mức độ căng thẳng của một kỳ thi đại học tại Việt Nam không bằng Hàn Quốc! Ông bảo rằng trong những ngày tổ chức thi đại học, ở Việt Nam chưa phải điều chỉnh giờ làm việc của công chức như tại Hàn Quốc, các sân bay ở Việt Nam chưa phải điều chỉnh giờ bay sao cho đừng làm ồn thí sinh như ở Hàn.
Thậm chí trong một kỳ thi tuyển sinh đại học, ở Việt Nam cũng chẳng có nhiều thí sinh tự tử vì áp lực như ở Hàn... Xem ra áp lực của chuyện thi cử là căn bệnh chung của nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc... GS Bae rủ rê: ”Nếu muốn cảm nhận sự căng thẳng của một kỳ thi tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc lớn như thế nào, mời anh đến đầu tháng 11 năm nay hãy có mặt ở đây để cảm nhận (kỳ thi đại học tại Hàn Quốc được ấn định vào ngày thứ năm của tuần thứ hai tháng 11, năm nay rơi vào ngày 7-11).
Cả tháng trước ngày thi, anh sẽ thấy các đền chùa đông nghịt thí sinh và phụ huynh đi cúng cầu may. Báo chí cũng tràn ngập những lời tư vấn về sức khỏe mùa thi, các trung tâm luyện thi mọc như nấm, phụ huynh thì lo dành dụm tiền bạc từ rất lâu để lo cho con cái vào học những trung tâm nổi tiếng nhất, với mơ ước con mình sẽ lọt vào được những trường đại học danh giá”.
Nhân chuyện GS Bae nhắc đến ước mơ lọt vào những trường đại học danh giá như Đại học Seoul, Đại học Quốc gia Hàn Quốc, Đại học Yonsei... của học sinh Hàn, tôi lái câu chuyện sang chất lượng giáo dục đại học, với nỗi buồn về chất lượng giáo dục của các đại học ở Việt Nam.
Là một người đứng ngoài, ông có cái nhìn khá chia sẻ: “Theo tôi, vấn đề kinh tế rất quan trọng (người Việt Nam có câu “vấn đề đầu tiên là tiền đâu?” mà!). Trước đây, tôi có đọc một tài liệu nghiên cứu của một nhóm giáo sư ở Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội về vấn đề liên quan đến chi phí đào tạo đại học ở Việt Nam. Theo đó, chi phí đào tạo một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2007 chưa đến 5 triệu đồng, đến năm 2012 là vào khoảng 13 triệu đồng. Với mức chi phí ấy, làm sao không lạc hậu cho được khi so sánh với các nước tiên tiến chi 5.000-7.000 USD/sinh viên/năm”.
Tiếp đến, GS Bae kể chuyện về Hàn Quốc: ”Một thời ở Hàn Quốc (từ cuối thập niên 1960 đến hết thập niên 1970), người Hàn gọi đại học là “ngưu cốt tháp”. Ý nói rằng con đường đại học được xây bằng công sức phụ huynh kéo cày như trâu! Nhưng bây giờ đại học ở Hàn Quốc đã là “tương nga tháp” rồi, tương tự như Nhà nước và nhân dân cùng làm ở Việt Nam vậy”!
Không biết đại học nước mình hiện nay đang là “ngưu cốt tháp” hay “tương nga tháp” nhỉ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận