Đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D
Hàng vẫn chưa đầy đủ, chiết khấu lại chẳng đâu vào đâu nên chúng tôi cứ phải bán cầm chừng, giờ chúng tôi chỉ mong rằng vừa đủ hàng, vừa có nguồn chiết khấu đủ duy trì thôi.
Ông Nguyễn Anh Lèo (giám đốc Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải số 4, TP.HCM)
Ông Lê Văn Báu - giám đốc một hệ thống cây xăng tại TP.HCM - cho biết ngày 15-11, có cây xăng của doanh nghiệp này đã bắt đầu nhập được một xe hàng sau 12 ngày không có xăng bán.
Hàng về bắt đầu nhiều hơn
Có hàng về nhưng theo ông Báu, phía đầu mối vẫn không đủ cho nhu cầu của các cây xăng. Việc xe bồn chạy trong TP vào giờ cao điểm cũng được khơi thông nên xe đã đi vào thuận lợi hơn nhưng do sức tiêu thụ tăng cao nên phía doanh nghiệp cũng bán cầm chừng, giãn ra để có xăng bán dài ngày.
Cùng ngày, giám đốc một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cũng cho hay hiện nguồn cung đã ổn định trở lại khi doanh nghiệp này đã mua hàng từ hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn, Bình Sơn. So với thời gian trước, nguồn hàng đã dồi dào hơn nhiều, tuy nhiên mức chiết khấu vẫn rất thấp, chỉ duy trì 50 đồng/lít. "Trước đây với các đại lý, chúng tôi chỉ cấp định mức 4m³/ngày/cây xăng, bây giờ cấp thoải mái nhưng hiện chiết khấu thấp vì doanh nghiệp vẫn lỗ", vị này nói.
Mong chi phí được tính đúng, tính đủ
Theo lãnh đạo doanh nghiệp trên, để đảm bảo nguồn hàng trong năm 2023 doanh nghiệp đã làm việc để ký hợp đồng với hai nhà máy lọc dầu trong nước, đồng thời cũng tìm mọi cách để nhập khẩu thêm. Hiện tại, doanh nghiệp đang đàm phán nhập khẩu với mức chi phí, phụ phí nhập khẩu lên đến 12 - 14 USD/thùng, trong khi chi phí được tính hiện chỉ 8,1 USD/thùng. Do đó, ngày 21-11 tới đây, nếu cơ quan điều hành tính sát với thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp, phía doanh nghiệp này sẽ tăng nhập để đảm bảo nguồn cung.
"Giờ có cái khó là nguồn cung trên thị trường Singapore cũng khó khăn. Do phía Nga bị cấm vận nên doanh nghiệp mà trước đây chúng tôi mua không cung ứng được hàng, họ lại đang xuất xăng ngược sang châu Âu, cộng thêm OPEC cũng cắt sản lượng nữa nên nguồn cung hiện đang rất căng thẳng", vị này nói.
Với yêu cầu của Bộ Công Thương về việc ký cam kết cấp đủ hàng cho cây xăng, doanh nghiệp này cho hay đã ký, song việc cung ứng thực tế hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối khác cho biết việc ký cam kết chỉ là hình thức, còn việc cung ứng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung. Phía doanh nghiệp này đã cố gắng mua tối đa hàng trong nước để đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình, với hàng nhập khẩu còn phụ thuộc vào các chi phí được tính đầy đủ so với thực tế.
Ông Nguyễn Anh Lèo - giám đốc Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM) - cho hay phía thương nhân phân phối chỉ duy trì mức chiết khấu 30 đồng/lít, với mức chiết khấu này phía bán lẻ vẫn "lỗ đầm đìa". Theo ông Lèo, Bộ Công Thương yêu cầu thương nhân đầu mối và phân phối ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ nhưng thực tế phía cây xăng này lại rơi vào tình trạng hết xăng ngày 15-11, đành phải ngồi chờ hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận