04/10/2015 18:57 GMT+7

​Người viết sách ở Việt Nam không thể sống bằng nghề

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho thị trường sách hiện nay chủ yếu là sách dịch từ nước ngoài là do phần lớn người viết sách ở Việt Nam hầu như không thể sống được bằng công việc này.

Các diễn giả chia sẻ về việc thiếu sách của người Việt viết cho người Việt - Ảnh: V.V.Tuân

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Tuấn Quỳnh, tổng giám đốc AlphaBooks, trong cuộc giao lưu “Người Việt viết cho người Việt” tổ chức tại Hà Nội chiều 4-10.

Theo ông Quỳnh, thị trường sách VN hiện nay phát triển nhanh chóng với khoảng 38.000 đầu sách và 350 triệu bản sách mỗi năm. Nhưng sách dịch chiếm đến 75% tổng số sách, từ văn học đến sách kỹ năng, kinh tế… và chi phối nhiều đến thị trường sách VN.

Trong khi đó ở các nước phát triển, số lượng sách dịch chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trên thị trường như: Anh (2,5% sách dịch), Đức (12%), Pháp (15%)…

“Có nhiều nguyên nhân làm cho tỉ lệ sách của tác giả người Việt trên chính thị trường sách VN còn ít, trong đó có nguyên nhân cơ bản là còn ít những người Việt tham gia viết sách. Bởi người viết sách hiện nay, trừ một số tác giả nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh, còn lại hầu hết người viết sách không thể sống bằng chính công việc này. Với cơ cấu về tiền bản quyền hiện nay, thì mỗi năm tiền tác quyền viết sách một tác giả chỉ được khoảng 10 triệu đồng” - ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nêu nguyên nhân.

Từ kinh nghiệm thực tế bản thân khi viết và xuất bản hai cuốn Hãy sống ở thể chủ động và Sống tích cực để yêu thương, ông Quỳnh cũng chỉ ra khó khăn mà các tác giả thường gặp phải là sự mâu thuẫn giữa mong muốn của người viết sách và nhu cầu của thị trường đôi khi không tìm được tiếng nói chung.

“Chúng ta đang thiếu đội ngũ biên tập có thể hỗ trợ các tác giả người VN đưa ra được tác phẩm vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và thỏa mãn mong muốn người viết. Chúng ta thiếu môi trường mà ở đó các tác giả tiềm năng có thể trao đổi, học hỏi. Và hiệu quả kinh tế luôn là rào cản khi công sức của mỗi tác giả bỏ ra khi viết một cuốn sách không mang về lợi ích kinh tế như mong muốn”.

Đồng quan điểm này, biên kịch Khánh Dương (nhóm Comicola) cũng cho rằng vấn đề lớn nhất đối với các tác giả người VN hiện nay là “cơm áo gạo tiền”. “Để đưa được một cuốn truyện tranh có chất lượng ra thị trường, mỗi tác giả phải mất sáu tháng. Nhưng nếu chỉ tập trung vào vẽ truyện tranh thì họ không thể sống nổi. Vì thế nhiều bạn vẽ truyện tranh ở VN rất giỏi nhưng đều phải đi làm các công việc khác để mưu sinh, nuôi niềm đam mê vẽ truyện tranh” -  biên kịch Khánh Dương thẳng thắn chia sẻ.

Trước đây, để chuẩn bị xuất bản một cuốn sách, Khánh Dương đã xin vào làm việc ở một nhà xuất bản trong 9 tháng để tự mình học và biết được quy trình xuất bản, các khâu cần thiết khi muốn ra một cuốn sách. “Một khó khăn nữa cho các tác giả VN là nhiều tác giả coi quy trình xuất bản và phát hành một tác phẩm giống như hộp đen, mà họ không biết gì bên trong” - anh nói.

Vì vậy, theo anh, mô hình gây quỹ cộng đồng được coi là phương pháp tốt nhất hiện nay để các tác giả và nghệ sĩ trẻ có thể đưa tác phẩm mình đến với công chúng.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên