Người Việt mơ làm robot: Thách thức quá lớn

ĐỨC THIỆN - THANH HÀ (ducthien@tuoitre.com.vn)
ĐỨC THIỆN - THANH HÀ (ducthien@tuoitre.com.vn)

TT - Từ phong trào Robocon, không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đã mạnh dạn theo đuổi ước mơ thiết kế, chế tạo robot.

Tosy-một robot do người VIệt Nam chế tạo từng gây tiếng vang trong giới công nghệ Ảnh: Đ.THIỆN
Tosy-một robot do người VIệt Nam chế tạo từng gây tiếng vang trong giới công nghệ - Ảnh: Đ.Thiện

Thế nhưng, những sản phẩm thể hiện tính sáng tạo ở giảng đường đại học khác hẳn với sản phẩm khi đã được thương mại hóa.

Đinh Văn Huy, thành viên đội Robocon của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2008, cũng từng có hoài bão chế tạo được những robot thương mại phục vụ cuộc sống. Sau khi ra trường, Huy mở một công ty về robot giáo dục.

“Tuy nhiên, khi đã làm doanh nghiệp thì phải có doanh thu, phải kiếm được tiền thì mới duy trì được sự tồn tại của công ty, để tiếp tục thực hiện ước mơ. Những khó khăn đó đã buộc tôi phải chuyển hướng sang sản xuất các loại máy tự động theo nhu cầu thị trường. Phải đảm bảo về tài chính trước rồi mới quay lại thực hiện ước mơ của mình được” - Huy kể lại.

Nền công nghiệp phụ trợ của ta còn kém quá, chẳng hạn muốn làm một con robot nhưng không biết mua động cơ ở đâu. Nguồn linh kiện, thiết bị phục vụ nghiên cứu, chế tạo luôn luôn thiếu thốn là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai là tài chính. Hiện nay không phải ai làm theo đam mê cũng có được tiềm lực về tài chính. Như chúng tôi ngày xưa, làm vì đam mê nhưng không có tài chính hỗ trợ thì đam mê cũng chỉ kéo dài được một thời gian ngắn!

Ông ĐINH VĂN HUY
(giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ CNC Việt Hàn)

Khó trăm bề

Ngay cả những sinh viên mới ra trường như Nguyễn Thế Hải, đội trưởng đội Robocon LH-NVN Eagle của Trường ĐH Lạc Hồng năm 2013 (đoạt giải ba ABU Robocon 2013), cũng chia sẻ: “Lúc đó tụi em làm vì đam mê nghiên cứu học tập. Nhưng khi ra trường tụi em đều phải đi kiếm chỗ xin việc theo chuyên ngành học của mình, chứ đâu thấy công ty nào chuyên về robot đâu! Chẳng hạn như em học ngành cơ điện tử khá rộng nên dễ xin việc. Trong đội em cũng có bạn đi bên ngành gia công thiết kế khuôn mẫu, rồi có bạn đi bên lập trình, có bạn đi bên thiết kế bo mạch... nhưng chưa thấy ai đi làm ở công ty thiết kế, chế tạo robot”.

PGS.TS Vũ Hải Quân, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, phân tích: “Hai khó khăn mà chúng ta gặp phải chính là thiếu chuyên gia am hiểu, được đào tạo bài bản về khoa học robot, và thiếu trang thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên chúng ta cũng có nhiều thuận lợi, phải kể đến đó là những nghiên cứu nền tảng về trí tuệ nhân tạo, sự đam mê của rất nhiều bạn trẻ dành cho lĩnh vực mới đầy tính sáng tạo này. Đó là cơ sở để cho ngành khoa học robot của VN phát triển và gặt hái được nhiều thành tựu trong tương lai”.

TS Nguyễn Tiến Đông, phó viện trưởng Viện Cơ khí (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), lý giải: “Chúng ta chưa tiến được xa hơn trong lĩnh vực robot là do nghiên cứu cơ bản cơ sở còn kém, hạn chế về nhiều mặt. Theo tôi, với điều kiện và nhu cầu của VN, nếu ta tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh được hướng nghiên cứu ứng dụng thì cũng rất thiết thực, hữu ích. Nhưng ngay cả trong hướng nghiên cứu này, chúng tôi cũng đang vướng. Theo tôi, đó cũng là khó khăn chung của các nhóm nghiên cứu về robot hiện nay. Tìm kiếm được ý tưởng, tối thiểu cũng phải cần thời gian một năm mới có thể nghiên cứu ra mô hình, chưa phải sản phẩm cuối cùng, đưa vào chạy thử, lấy ý kiến phản hồi từ các bên để quay lại nâng cấp... Đi đến hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu là một chặng đường dài. Có thể thành công nhưng tỉ lệ thất bại, phải từ bỏ giải pháp đã nghiên cứu cũng không nhỏ. Nếu chỉ trông đợi vào nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong trường ĐH thì sẽ rất eo hẹp, không thể đủ: một bộ khuôn cần kinh phí 200 - 300 triệu đồng, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu cần 2 - 3 tỉ đồng, trong khi cả đề tài được cấp 100 - 200 triệu đồng là nhiều!”.

Cần quỹ đầu tư mạo hiểm

Đánh giá về triển vọng ứng dụng và cơ hội thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu robot thiết bị y tế của viện, TS Nguyễn Tiến Đông không hề lạc quan khi phân tích: “Nếu có kinh phí đầu tư sẽ có phương tiện máy móc đầy đủ, kỹ thuật chính xác hơn để chế tạo các chi tiết nhanh hơn. Đồng thời cũng có thể đầu tư để sản phẩm nghiên cứu có hình thức đẹp và tiện dụng hơn, phát huy hết năng lực của thiết bị. Chúng tôi cũng đã tìm kiếm nhà đầu tư cho kết quả nghiên cứu này, cũng như một số sản phẩm của viện trước đây, nhưng luôn vướng mấy vấn đề chưa thể tháo gỡ nổi.

Thứ nhất, các nhà đầu tư VN chưa hình thành thói quen đầu tư mang tính mạo hiểm, tức là đầu tư từ quá trình nghiên cứu, có thể có rủi ro khi giải pháp không thành công. Nhà đầu tư - thường là các doanh nghiệp - chỉ muốn đầu tư khi đã thành sản phẩm hoàn chỉnh, thậm chí đòi hỏi phải hoàn thiện cả về mặt hình thức, để họ làm nốt khâu cuối cùng là thương mại hóa sản phẩm. Mà muốn như vậy thì thường vượt quá khả năng kinh phí đầu tư của các nhóm nghiên cứu như của chúng tôi.

Thứ hai, là nếu như có tìm được nhà đầu tư để sản xuất với quy mô lớn thì cũng gặp khó khăn ở chỗ: chúng ta hầu như chưa có hạ tầng sản xuất phục vụ cho lĩnh vực robot. Làm nhỏ lẻ vài thiết bị đến vài chục sản phẩm thì có thể loay hoay bằng máy móc trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, nhưng muốn nâng lên quy mô sản xuất hàng loạt thì không tìm được nhà máy, cơ sở sản xuất và máy móc thiết bị đáp ứng được việc chế tạo các chi tiết cho robot. Đầu tư nguyên cả cơ sở sản xuất thì không doanh nghiệp nào muốn, vì vốn bỏ ra nhiều, thu hồi chậm và khó tính toán được triển vọng thị trường của một sản phẩm công nghệ cao như robot”.

Tương tự, TS Nguyễn Bá Hải, trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm về robot sinh học (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), cho rằng để nghiên cứu chế tạo robot thành công cùng lúc phải đạt được các tiêu chí: rẻ, đẹp, hoạt động ổn định, bảo hành dài lâu...

“Nhưng trong đó, áp lực lớn nhất là giá thành phải cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu lẫn tương lai trước mắt, chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Khó nhất là thiếu vốn, cần từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng cho mỗi nghiên cứu, nhưng hiện tại chỉ có thể dựa vào kêu gọi các nhà đầu tư mạo hiểm, tài trợ. Vốn có được vẫn còn quá nhỏ so với việc nghiên cứu công nghệ cao. Khó khăn tiếp theo là thiếu các đơn vị phụ trợ hậu cần cho nghiên cứu và gia công, thiết bị phụ trợ công nghệ cao hiếm, tài liệu ít và nghèo nàn... Làm đến đâu, chúng tôi phải chạy hết chỗ này chỗ kia xin hỗ trợ gia công linh kiện, cắt ghép!”.

Vì vậy, với đánh giá chung là áp dụng công nghệ robot ở VN thật sự là một lĩnh vực có tiềm năng lớn, nhưng theo TS Đông, việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực này sẽ chưa thể phát triển được nhanh và mạnh nếu như không có sự ra tay của các nguồn quỹ đầu tư mang tính mạo hiểm, các doanh nghiệp có khả năng đầu tư dài hơi từ nghiên cứu phát triển (R&D) đến sản xuất hàng loạt.

Chúng tôi có niềm tin

“Chúng tôi có niềm tin vào việc phát triển công nghệ robot ở VN. Nhân lực của VN trong lĩnh vực này tuy chưa nhiều nhưng có người giỏi, say mê và kiên trì, không phải lo ngại về người làm, có thể quy tụ được thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Cái cần là có định hướng lâu dài, mỗi nhóm phải trung thành với mục tiêu và dấn thân cho mục tiêu đã đặt ra. Đóng vai trò quan trọng chính là sự đầu tư từ cả hai hướng - kinh phí đầu tư mạo hiểm của xã hội kết hợp nghiên cứu khoa học của Nhà nước, thì có thể giúp VN sớm có tiến bộ trong lĩnh vực này. Đặc biệt, chương trình đào tạo kỹ thuật của VN cần nhanh chóng cải tiến cho phù hợp xu thế và tình hình công nghệ thế giới. Chúng ta không thể tách rời khỏi Trái đất trong tình hình Internet và hội nhập mở rộng như hiện nay”.

TS NGUYỄN BÁ HẢI

ĐỨC THIỆN - THANH HÀ (ducthien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên