14/01/2018 10:27 GMT+7

Người Việt mình hiền hòa hay bạo lực?

NGỌC ĐÔNG ghi
NGỌC ĐÔNG ghi

TTO - Có người nước ngoài sống ở xứ ta nói nhiều người Việt mình hay “động thủ" khi có chuyện. Nhưng có người lại bảo dân Việt hiền, bạo lực thua dân nhiều nước khác... Là 'người trong cuộc', bạn thấy sao?

Người Việt mình hiền hòa hay bạo lực? - Ảnh 1.

Chỉ xảy ra va chạm nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM, các tài xế ôtô không kiềm chế nên xảy ra ẩu đả - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông RAY KUSCHERT (người Úc):

Người bạo lực là người yếu đuối nhất

Hơn bốn năm ở TP.HCM, tôi từng chứng kiến nhiều cảnh bạo lực ở đây. Gần đây có lần tôi đang đi đến ngã tư Võ Thị Sáu với Hai Bà Trưng vào khoảng 1h sáng thì thấy một người đàn ông leo xuống xe rồi đánh một thanh niên đang ngồi trên một chiếc xe khác.

Bản thân tôi cũng từng bị tấn công một lần trên đường Bùi Viện lúc mới qua Việt Nam. Tôi vô tình chỉ là người đứng xem vụ ồn ào nhưng sau đó lại trở thành người đứng ra bảo vệ một phụ nữ bị tấn công.

Tuy nhiên, khi so sánh với một số nước châu Á và phương Tây khác, Việt Nam có tỉ lệ bạo lực không phải là quá cao. Tỉ lệ bạo lực ở đây cũng thấp hơn ở những nước khác như Mỹ - nơi mà bất kỳ mâu thuẫn nào cũng có khả năng dẫn đến những cái chết và thương tích nghiêm trọng.

Người Việt mình hiền hòa hay bạo lực? - Ảnh 2.

Ông Ray Kuschert - Ảnh: NVCC

Tôi thấy cảnh bạo lực trên đường phố ở Úc có xu hướng "tăng đô" dần trong hơn 50 năm qua. Khi tôi còn nhỏ, một vụ bạo lực có thể được biết đến là cuộc bất hòa giữa hai người đàn ông. Họ sẽ đấm, đấu với nhau, rồi nếu một người bị thương, họ sẽ dừng lại để tránh thương tích nghiêm trọng. 

Ngày nay, nước Úc bạo lực hơn trước nhiều. Có những vụ mà một nam thanh niên đi ngang một người lạ rồi... đấm người ta mà không có cảnh báo gì trước hay thậm chí chẳng có lý do gì cả! Những lần người ta nổi đóa với nhau vì va chạm giao thông trên đường cũng không ít.

Tất nhiên là ở Úc cũng như tất cả các nước khác đều có luật định rõ đối với hành vi bạo lực. Luật này cho phép tòa bỏ tù hoặc áp dụng các hình thức xử phạt khác đối với người vi phạm. Tuy nhiên, quản lý bạo lực không chỉ đòi hỏi luật pháp đúng đắn mà còn phải có cả sự chấp nhận về mặt văn hóa.

Quản lý bạo lực ở thời điểm hiện tại còn đòi hỏi sự giáo dục, sự lắng nghe và dạy dỗ con người cách hành xử thích hợp hơn để giải quyết mâu thuẫn. Ngoài ra, việc kiểm soát các chất gây nghiện cũng sẽ góp phần hiệu quả vào việc giảm tình trạng bạo lực trong cộng đồng.

Tôi tin rằng luôn có những cách tốt hơn là bạo lực để giải quyết một tình huống khó khăn. Và những người có xu hướng bạo lực là những người yếu đuối nhất vì họ thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề bằng những cách ôn hòa.

Anh JAKE MALLALIEU (người Anh):

Bạo lực là gánh nặng xã hội

Sau gần hai năm sống ở TP.HCM, tôi chứng kiến khá nhiều vụ bạo lực, chủ yếu là do các vụ va quẹt xe không mấy nghiêm trọng. Đầu tiên là người ta sẽ la lối, sau đó sử dụng nắm đấm cho đến khi có ai đó xông vào can họ ra. 

Tuy vậy, tôi cũng thấy nhiều vụ mâu thuẫn sau khi va quẹt xe nhưng không có bạo lực xảy ra. Thường là người Việt sẽ không để ý đến chuyện xảy ra và tiếp tục cuộc sống thường nhật của mình. Là một người nước ngoài, tôi thấy chuyện đó hơi khó hiểu và hơi thú vị vì nếu là ở Anh, trong trường hợp va chạm xe, chúng tôi sẽ cố gắng đòi bồi thường.

Người Việt mình hiền hòa hay bạo lực? - Ảnh 3.

Anh Jake Mallalieu - Ảnh: NVCC

Không chỉ ở Việt Nam, bạo lực cũng luôn là một vấn nạn ở Anh. Nam giới từ 18-24 tuổi rất có khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực đường phố ít nhất một lần trong đời. Các vụ liên quan đến bạo lực thường xảy ra vào cuối tuần khi người ta uống quá nhiều rượu. 

Do vậy mà nhiều quán rượu tại một số thị trấn và thành phố phải ngừng bán rượu sớm hơn để tránh tình trạng người ta say quá đà. Tôi từng là một cảnh sát và vai trò của chúng tôi thường có cả việc phân tán mọi người trên đường phố ra sau khi họ tham dự một đêm tiệc tùng để tránh xung đột trong các đám đông.

Tôi nghĩ hành xử bạo lực là gánh nặng lớn cho xã hội. Một số vụ bạo lực có thể cần đến sự hỗ trợ của các dịch vụ khẩn cấp, trong khi có những tình huống nghiêm trọng khác cấp bách hơn cần đến các dịch vụ đó. Theo quan điểm của tôi, giải pháp cho hành vi bạo lực là người ta phải kiểm soát được cơn giận dữ của mình. Những người bạo lực cần được học rằng làm tổn thương người khác vì họ đang giận không phải là giải pháp tốt nhất.

Anh AHMAD BASSIM (sinh viên, người Palestine):

Tôi đến đây vì người Việt Nam hiền hòa, mến khách

Tôi sống gần một năm ở Hà Nội và ba năm tại TP.HCM và cũng đi du lịch khá nhiều vì thích tìm hiểu văn hóa, con người Việt Nam. Tôi thấy người Việt Nam rất thân thiện, hiền hòa, mến khách.

ahmad-bassim-palestine-5(read-only)

Anh Ahmad Bassim - Ảnh: NVCC

Khoảng năm 2012, chú tôi đi du lịch Việt Nam về ông cũng có nhận xét này. Ông nói: "Đó là một đất nước tuyệt vời, con người đáng yêu và thân thiện". Vì nhận xét đó của chú mà năm 2014 tôi quyết định tới Việt Nam du học tại Trường đại học Nông lâm TP.HCM, dù lúc đó tôi chẳng biết tí gì về Việt Nam.

Trong thời gian sống tại Việt Nam, tôi thấy đất nước các bạn bình yên và ít nguy hiểm. Theo chủ quan của mình, tôi thấy ở những nước thuộc châu Âu, người ta còn dễ dàng "xử đẹp" nhau hơn. Tôi chưa từng trực tiếp thấy vụ ẩu đả nào dù đôi khi có gặp vài cuộc nói chuyện mà mới đầu do chưa hiểu về văn hóa và ngôn ngữ còn chưa rành, tôi tưởng người ta sắp đánh nhau đến nơi, nhưng thật ra họ chỉ đang nói chuyện hơi lớn tiếng.

Người nóng tính ở đâu cũng có, nhưng mỗi người phải tự nhận thức, tìm hiểu pháp luật và các quy định để khi có mâu thuẫn chúng ta sẽ giải quyết đúng sai bằng cái lý, chứ không phải bằng nắm đấm hay cãi cọ.

HỒNG VÂN ghi

NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên