20/06/2019 13:40 GMT+7

Người Việt “lười” vận động, vì sao?

L.ANH- K.XUÂN
L.ANH- K.XUÂN

TTO - Theo khảo sát sát của Bộ Y tế, khoảng 1/3 người Việt trưởng thành chưa đảm bảo thời gian rèn luyện thể lực. Trong khi đó, hình ảnh những quán cà phê hay những quán bia rất đông người trẻ…xuất hiện ở nhiều nơi.

Theo ông Trần Văn Thuấn, giám đốc Bệnh viện K, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên tập thể dục theo nguyên tắc 3-5-7, tức là tối thiểu 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần để giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư. Với trẻ em, rèn luyện thể lực là một trong những bí quyết để tăng trưởng chiều cao.

Thiếu tập luyện = nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp

Năm 2011 Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (đề án 641).

Mục tiêu của đề án 641 là đến 2020 nam thanh niên VN 18 tuổi có chiều cao 1,67m, năm 2030 là 168,5cm và nữ thanh niên 18 tuổi cao trung bình 156cm và 157,5cm.

Nhưng đáng buồn là sau 8 năm đề án 641 dường như bị tê liệt vì không có kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó nhận thức, thói quen về rèn luyện thân thể, chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường… của người dân còn hạn chế, đa số các gia đình "thả nổi" việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em từ 6 tuổi đến hết tuổi dậy thì, bỏ lỡ thời kỳ thuận lợi phát triển về thể lực và tầm vóc.

Trong một cuộc khảo sát của các chuyên gia Đại học Stanford (Mỹ)) thực hiện tại hơn 100 quốc gia, Việt Nam nằm trong các nước lười vận động nhất thế giới. Báo cáo của Qũy dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cũng cho thấy Việt Nam là một trong nhóm 10 nước lười vận động nhất thế giới.

Ở Việt Nam , theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thể dục thể thao mới đây cho biết mục tiêu đề ra trong năm 2019 là số người tập luyện thể thao thường xuyên của Việt Nam đạt cấp xỉ 34%, số gia đình tập luyện thể thao là  24,5%. Như vậy, đang có hàng chục triệu người chưa hề tham gia tập luyện thể thao, nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây, đặc biệt là tim mạch, huyết áp, đái tháo đường (vì dinh dưỡng bất hợp lý lại lười vận động) có cơ hội gia tăng.

Tôi chạy bộ, các con tôi cũng chạy bộ

Một trong những môn thể thao có độ phổ biến khá rộng trong thời gian gần đây và đã trở thành phong trào là chạy bộ.

Bác sĩ Vũ Quang Hưng, Viện Huyết học- truyền máu T.Ư đã tham gia chạy đường dài khoảng 1 năm trở lại đây, trước đó, anh tham gia chạy các cự ly ngắn. "Khoảng 3 năm trở lại đây, người tham gia chạy bộ đông dần và trên mạng đã có hội những người chạy bộ với 17.000 thành viên. Một giải chạy tôi tham gia hồi tháng 4 vừa qua có đến 5.000 người tham gia chạy cự ly bán marathon và marathon, trong khi lần tổ chức đầu tiên năm 2017 chỉ có khoảng 1.000 người tham gia"- bác sĩ Hưng cho biết.

Cũng theo BS Hưng, sau một thời gian tham gia chạy bộ, anh thấy sức khỏe của mình có cải thiện rõ rệt, các chỉ số sinh hóa, mỡ máu, acid uric, cân nặng đều cải thiện theo chiều hướng tích cực. "Cải thiện sức khỏe bản thân và để các con cũng thích tập luyện thể thao là điều tôi mong muốn sau khi tham gia chạy, hiện các con tôi cũng rất thích chạy bộ"- bác sĩ Hưng nói.

Mừng nhưng chưa thật vui

Người Việt “lười” vận động, vì sao? - Ảnh 1.

Số người rèn luyện thể thao thường xuyên qua các năm - Đồ họa: N.THÀNH

Ngoài chạy bộ, nhiều môn thể thao khác cũng đang có số người tham gia tăng lên, như yoga, gym, boxing, thể hình, leo núi… Ủy ban Olympic Việt Nam cho rằng số người tập thể thao ở VN năm 2018 là gần 33%, tăng 1,15% so với năm 2017, số gia đình tập thể thao cũng tăng 1,28%.

Dù vậy, ý thức về việc tập luyện thể thao cũng chưa phải là tín hiệu đáng mừng. Bởi số người tập thể thao mới đạt gần 33% tức là còn trên 67% người tập theo kiểu "được chăng hay chớ", chưa đảm bảo về thời gian tập luyện hoặc… không hề rèn luyện sức khỏe.

Với trẻ em, chương trình học văn hóa khiến các em không có thời gian để vận động, nhiều trường học (đặc biệt trường ở nội thành) có sân trường quá nhỏ, không đảm bảo diện tích cho trẻ chơi thể thao. Trong khi trên mạng xã hội lại có bao nhiêu thứ hấp dẫn trẻ.

Một người chơi thể thao chia sẻ hiện rất thiếu các tài liệu hướng dẫn luyện tập, ví dụ với người mới chạy bộ thì cần nước uống ra sao, làm sao để giảm nguy cơ chấn thương trong quá trình chạy bộ, làm sao để phù hợp với cơ thể từng người…

Các bộ môn khác cũng như vậy. Việc hướng dẫn cho người chơi thể thao không chuyên vẫn là người nọ hướng dẫn người kia. Trong khi nếu có những tài liệu đúng, hay, mới mẻ thì không những giúp người tập được tập đúng, mà còn giúp phong trào thể thao vì sức khỏe đi lên.

Nếu nói ra,  người ta lại bảo là do các ngành chức năng không có tiền, nhưng rèn luyện sức khỏe, cái cần là một phong trào, một vài bộ sách hướng dẫn thì chả nhẽ cũng không có…

Thể lệ cuộc thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình"

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

Độ dài tối đa: 1.000 chữ.

Tiêu chí: câu chuyện có thật, có bài học sâu sắc, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng.

Các bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn) với mức nhuận bút hấp dẫn.

Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả chỉ được gửi 1 bài dự thi.

Giải thưởng:

Nhất: 20 triệu đồng.

Nhì: 10 triệu đồng.

2 giải ba: mỗi giải 5 triệu đồng.

10 giải khuyến khích: mỗi giải 1 triệu đồng.

Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động: 17-6

Kết thúc và trao thưởng trong tháng 9-2019.

Cuối mỗi bài viết xin ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: Báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoechominh@tuoitre.com.vn

Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip nếu có) gửi qua email, xin ghi Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình" .

Người Việt “lười” vận động, vì sao? - Ảnh 4.
L.ANH- K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên