17/02/2004 05:58 GMT+7

Người viết cô tích cho những làng chài

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Nhìn cơ ngơi của công ty chế biến - xuất khẩu thủy sản mang tầm quốc gia, nhìn những bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ Thủy sản, Tài chính, Thương mại... không ai nghĩ tất cả được dựng lên từ chính đôi chân bước mòn trên cát, nơi khó nghèo, của một cô gái làng chài xứ Quảng với gánh cá trên vai. Như nhiều người đã nói, chính chị viết nên một cổ tích kỳ vĩ cho những làng chài...

zz5kyI20.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Thị Lào kiểm tra sản phẩm ở bộ phận KCS
TT - Nhìn cơ ngơi của công ty chế biến - xuất khẩu thủy sản mang tầm quốc gia, nhìn những bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ Thủy sản, Tài chính, Thương mại... không ai nghĩ tất cả được dựng lên từ chính đôi chân bước mòn trên cát, nơi khó nghèo, của một cô gái làng chài xứ Quảng với gánh cá trên vai. Như nhiều người đã nói, chính chị viết nên một cổ tích kỳ vĩ cho những làng chài...

Từ túp lều tranh

Đó là chị Nguyễn Thị Lào. Chị luôn bận rộn. Chị bận là phải, vì khi phần lớn các đơn vị chế biến thủy sản phải giảm hoặc nghỉ việc giữa mùa biển động vì thiếu nguyên liệu, thiếu phương tiện phơi sấy thì Công ty Đông An của chị vẫn làm việc bình thường.

Chị nói: “Điều tôi sung sướng nhất trong việc kinh doanh là tạo được việc làm ổn định cho chị em phụ nữ làng chài, nhất là trong mùa mưa gió. Không chi khổ với dân chài hơn là cảnh túng thiếu khi chồng con không đi biển được. Tui đã trải qua cái khổ đó rồi...”. Chị đưa tôi đi thăm phân xưởng chế biến số 1 - nơi đặt “bản doanh” của Đông An - rộng hơn 3.000m2 với hơn 600 công nhân đang cặm cụi với công việc khi ngoài trời mưa gió lê thê.

Nhìn công nhân ăn bữa giữa ca, mắt chị ánh lên niềm vui, nhưng bỗng đằm xuống khi tôi hỏi chuyện “đã trải qua cái khổ đó rồi” của chị. Chị cười, buồn buồn nói: “Không biết có đứa trẻ làng chài nào khổ như tui...”.

Nhiều người dân làng chài Phước Tân bên biển cửa Đại (Hội An) khi nhắc về tình cảnh của gia đình chị ngày ấy cũng mủi lòng thương cảm. Một ngư dân nơi làng chài nghèo, cha chị phải cáng đáng một gia đình sáu miệng ăn.

Chị là con đầu nên không thể vượt hơn được cái chữ trường làng. Vậy là bỏ lại trường lớp, từ túp lều tranh hắt hiu trên bãi cát tràn nắng gió, mỗi sớm cô bé Lào phải cùng mẹ ra bến mua mớ cá mang đến chợ bán để lo chuyện cơm áo của gia đình.

Phải bươn chải, phải trải qua những thiếu thốn, nhất là phải chịu cái lạnh cắt da khi đêm không chăn đắp, ngày không áo ấm, cô bé Lào đã sớm nung nấu cho mình một ý chí, một ước vọng. “Muốn no ấm, muốn khá lên không thê cứ quanh quẩn miết nơi bến làng, chợ quê ni...” - chị nhắc lại dòng suy nghĩ tạo bước ngoặt lớn lao trong đời của chị, một cô gái bán cá đã mòn vai gánh và mòn chân bước trên những lối đi ngập đầy cát bỏng...

Rời bến

1CgHCZMT.jpgPhóng to
Công nhân đang làm việc ở phân xưởng số 1 của Công ty Đông An (thôn An Bàng, xã Cẩm An, thị xã Hội An, Quảng Nam)

Tôi cứ phải nhắc chị tiếp nối câu chuyện lại từ đầu bởi suốt cuộc trò chuyện với tôi, cứ chừng dăm bảy phút điện thoại di động của chị lại reo.

Gần 3.000 công nhân ở năm phân xưởng trải dài từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi, mạng lưới thu mua giăng suốt từ vùng biển miền Trung đến tận Vũng Tàu, Kiên Giang, hệ thống giao thương mở rộng từ Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM đến Hàn Quốc, Nhật Bản..., phần lớn công việc đều phải có quyết định của chị, làm thế nào chị có thể rảnh rang được.

Thật lý thú khi nghĩ làng chài nhỏ nhoi, khuất lấp này nay lại có một “tổng hành dinh” về chế biến - xuất khẩu thủy sản có tiếng không chỉ ở miền Trung mà còn trong cả nước. “Tư lệnh” của tổng hành dinh lại chính là đứa con của làng chài này.

“Tui lăn lộn sớm, chỉ có học được ở cuộc sống, ở chợ đời thôi...” - chị nói. Đứa con ấy từ khi vừa lớn đã dám vượt qua cái chợ làng quê của mình. Những năm tháng đó chị giã từ gánh cá bán rong, thu mua mực của ngư dân quê mình đem phơi khô rồi mang ra Đà Nẵng bán. Từ 5-10kg, dần dần nguồn hàng của chị lên chừng 40-50kg.

Để tiện cho việc mua bán, chị nhờ các mẹ, các chị ở quê mua mực phơi khô để bán cho mình. “Nghe tui nói vậy, bà con ưng lắm vì làm rứa họ có được đồng lời”. Và đó chính là khởi điểm cho ước muốn của chị làm kinh doanh để giúp người quê mình có được việc làm.

Không dừng lại ở chợ Đà Nẵng, chị tìm đến các chị làm ở các công ty xuất khẩu hải sản để tìm thêm đầu ra cho loại hải sản mới được đánh thức này. Nhưng khi con mực được ngư dân địa phương đánh bắt ngày càng nhiều, cánh cửa thị trường Đà Nẵng trở nên chật hẹp... Vậy là sau những tháng năm tích cóp được kinh nghiệm cũng như đồng vốn, năm 1989 lần đầu tiên chị làm cuộc “viễn chinh”cho mình và cho con mực.

Vượt khỏi địa phận Quảng Nam - Đà Nẵng, từ một kẻ buôn chạy chợ, chị liều vay mượn, dồn đầy một xe hàng đưa ra Lạng Sơn, lội núi trèo non quá cảnh vào đất bạn tìm đủ cách mời khách sang xem hàng để bán. “Trôi chảy ngay ở chuyến đầu, tui hiểu ra thêm một điều “có bước đi ra mình mới có thể học hỏi, tiến bộ trong chuyện làm ăn...” - chị nhắc lại lần mở đầu cho chuyện kinh doanh mà người ở quê cho là “liều mạng” của chị...

Trên “con tàu” tải trọng lớn

Sau lần “rời bến” đi xa tìm kiếm thị trường mới cho con mực ấy, chị kể chỉ sau hai năm giao thương với các bạn hàng Trung Quốc, năm 1991 chị đã chuyển hướng bởi đây không phải là những khách hàng có thể giao tiếp lâu dài được. Hướng mới, chị vào TP.HCM xin hợp tác cung ứng hàng - vẫn là con mực khô - cho Công ty chế biến - xuất khẩu thủy sản Đông Phương.

Chỉ với 10 lao động làm việc ngay tại nhà mình, lần đầu tiên được trực tiếp trả lương cho những phụ nữ khó khổ chị đã thấy được đâu là niềm sung sướng khi tạo được việc làm cho họ.

Năm 1993 chị xin Đông Phương góp cho 80% vốn để lập ra Đông An. “Bước chuyển của đời tui, của bà con các làng chài ở đây bắt đầu từ đó. Tui nhớ mãi sự giúp đỡ của Đông Phương" - chị nhắc lại - 100 công nhân, một nhà xưởng chế biến mọc lên ngay nơi quê làng của chị. Việc kinh doanh dần dần như một con tàu chở được những bà con vượt qua khó khổ. 200-300 rồi 400-500 công nhân đã bước vào nhà xưởng của chị...

Những hợp đồng ký được với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như với một số đối tác khác liên tục trong mấy năm nay đã không ngừng giúp cho công cuộc kinh doanh của Đông An mở rộng.

Xây dựng lại phân xưởng chế biến số 1 - với vốn xây dựng hàng tỉ đồng, rồi chị xây dựng liên tiếp các phân xưởng chế biến ở Điện Dương, Điện Nam, Bình Minh (đều thuộc Quảng Nam), Bình Chánh (Quảng Ngãi), mỗi phân xưởng với vốn xây dựng trên 1 tỉ đồng, Đông An có hình vóc của một khu chế biến thủy sản tư nhân lớn nhất ở miền Trung.

Tôi đã đong đếm được niềm hạnh phúc của chị khi nhìn nét tươi rạng của những chị em công nhân với quần áo tinh tươm đang ngồi làm trong những phân xưởng nền lát gạch men bóng loáng, khi nhìn những làng chài trong vùng đã ngày một đổi thịt thay da.

“Làm cho chị Lào tụi tui không lo thiếu việc giữa chừng. Sáu bảy năm nay, nắng cũng như mưa ngày nào cũng có việc. Dân chài tụi tui sợ nhất là phải ở không giữa ngày mưa gió...” - chị Phạm Thị Lén ở làng chài An Bàng nói.

Đã chở gần 3.000 con người trên “con tàu” do chính mình hì hục tạo nên, chị vẫn chưa thỏa mãn. Chị nói vẫn canh cánh làm sao có được thêm chừng mươi tỉ vốn để mở một nhà máy đông lạnh... Và sẽ có thêm những người dân làng chài bước vào phân xưởng...

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên