29/11/2017 15:49 GMT+7

Người tuyết, người rừng chỉ là... gấu lớn

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Các nhà khoa học mới đây tiếp tục chứng minh người tuyết khổng lồ (Yeti) chỉ là một số loài gấu sống trên vùng núi Himalaya bị con người nhầm lẫn trong nhiều thế kỷ.

Người tuyết, người rừng chỉ là... gấu lớn - Ảnh 1.

Một con gấu nâu Himalaya ở Pakistan - Ảnh: AFP

Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Proceedings B của Anh, các nhà khoa học xác định được ba loài gấu hay bị nhầm lẫn với Yeti, gồm: gấu đen châu Á, gấu nâu Tây Tạng và gấu nâu Himalaya.

Mỗi loài gấu trên cư trú ở những khu vực khác nhau trên vùng đất mệnh danh là Nóc nhà của thế giới. Trong suốt một thời gian dài, chúng chính là những hình thù khổng lồ thoắt ẩn thoắt hiện bị xem là "người tuyết Yeti", theo các nhà nghiên cứu.

"Phát hiện của chúng tôi hướng đến kết luận là nền tảng sinh học của sinh vật Yeti có thể được tìm thấy ở các giống gấu bản địa" - giáo sư Charlotte Lindqvist thuộc Đại học Nghệ thuật và khoa học Buffalo College giải thích.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên phanh phui bí ẩn về người tuyết, nhưng nó cung cấp đầy đủ nhất các bằng chứng về gen thu được từ các mẫu xương, răng, da, lông và phân từng được cho là thuộc về sinh vật huyền bí.

Các mẫu vật từ những bộ sưu tập cá nhân và bảo tàng trên khắp thế giới thật ra chỉ là những gì còn sót lại của 23 con gấu khác nhau.

"Gấu nâu sống trên các vùng cao thuộc Cao nguyên Tây Tạng và gấu nâu ở các dãy núi tây Himalaya thuộc về hai cộng đồng khác nhau. Sự phân tách xảy ra cách đây 650.000 năm trong một giai đoạn băng hà" - giáo sư Lindqvist giải thích rõ hơn.

Ngày nay, gấu nâu Himalaya nằm trong sách đỏ của Liên minh quốc tế về bảo tồn tự nhiên, thuộc diện "cực kỳ nguy cấp".

Người tuyết, người rừng chỉ là... gấu lớn - Ảnh 2.

Một bức tranh những năm 1950 mô tả cảnh phát hiện Yeti - Ảnh: Ed Vebell/Getty Image

Trong suốt thế kỷ 20, dân chúng các nước phương Tây - đặc biệt là Mỹ và Anh - rất hứng thú với truyền thuyết về người tuyết khổng lồ với những câu chuyện hư hư thật thật về sự tồn tại của "tổ tiên loài người" vẫn còn sống lẩn khuất đâu đó ở những nơi con người chưa thể đặt chân tới. 

Trong một quyển sách mô tả hành trình đi qua đường mòn Lhagba La gần núi Everest, trung tá người Anh Charles Howard-Bury mô tả các dấu vết "giống như của bàn chân người".

Ông cho là nó thuộc về một giống chó sói lớn, nhưng các hướng dẫn viên địa phương người Sherpa nói với ông đó là dấu vết của "metoh-kangi" hay "người tuyết".

Trong những năm 1950, người Anh tổ chức ít nhất hai cuộc thám hiểm tìm kiếm sinh vật bí ẩn này và phát hiện ra dấu chân, mẫu lông... Những tuyên bố nhìn thấy Người tuyết cứ thế xuất hiện trong suốt nửa cuối thế kỷ 20.

"Thậm chí nếu không có bằng chứng về sự tồn tại của các sinh vật huyền bí, không thể nào loại trừ hoàn toàn khả năng chúng có thật. Mọi người ai cũng thích những điều bí ẩn" - giáo sư Lindqvist tỏ ra thông cảm.

Người tuyết, người rừng chỉ là... gấu lớn - Ảnh 3.

Giáo sư Charlotte Lindqvist - Ảnh: AFP

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Gấu Yeti người tuyết