24/11/2020 10:00 GMT+7

Người trồng mía 'sống chung' cùng hội nhập

P.Q
P.Q

Ngành mía đường nói chung và người trồng mía nói riêng đã có một niên vụ 2019-2020 đầy biến động và thử thách do hội nhập và dịch bệnh COVID-19. Trong cái khó ló cái khôn.

Người trồng mía sống chung cùng hội nhập - Ảnh 1.

Mía đường Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác như Thái Lan (Hình ảnh máy thu hoạch tại Vùng nguyên liệu Tây Ninh của TTC Sugar)

Chính điều kiện trên là một đợt "khám sức khỏe tổng quát" của ngành mía đường. Nhờ đó, doanh nghiệp cùng người trồng mía có cơ hội nhìn ra những thực trạng tồn đọng và khắc phục để có một ngành mía đường khỏe mạnh.

Người trồng mía luôn là mắt xích quan trọng nhất

Mối quan hệ giữa người trồng mía và doanh nghiệp mía đường là một mối quan hệ hữu cơ, khi cả hai phải phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại. Chính vì thế, cách gọi người trồng mía là khách hàng thể hiện rõ quan điểm này của TTC Sugar. 

Để phục vụ hàng triệu người tiêu dùng những sản phẩm đường sạch, TTC Sugar phải đảm bảo hàng chục ngàn hộ khách hàng trồng mía của mình thịnh vượng.

Hai yếu tố đảm bảo lợi nhuận cho người trồng mía là giá mía và chi phí sản xuất. Trong khi giá mía phụ thuộc vào thị trường, chi phí sản xuất hoàn toàn có thể giảm thiểu bởi người trồng mía. 

Người trồng mía được đầu tư quy trình canh tác bài bản, hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với mía đường Thái Lan và theo kịp những quốc gia hàng đầu như Brazil, Úc, Mỹ,…

Để thực hiện được tham vọng đó, các đơn vị thành viên của TTC Sugar như: Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công (SRDC), Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Thành Thành Công (TTC-AD), Trung tâm Cơ giới Nông nghiệp 3S (TTC-3S)… hình thành nên một "hệ sinh thái Mía đường". 

Đây là điều kiện cần cho quá trình chuyển đổi ngành mía đường. Tuy nhiên, người trồng mía chính là người quyết định và là điều kiện đủ khi quá trình này đòi hỏi nguồn vốn lớn, khả năng quản trị để đem lại hiệu quả tương xứng.

Cây mía vẫn là lựa chọn hàng đầu của người nông dân

Cây mía với sức sống mạnh mẽ và bền bỉ là lựa chọn hàng đầu tại những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt như Ayun Pa, Ninh Hòa hay Phan Rang - nơi những cây trồng khác chịu thua.

Ông Trương Văn Thệ (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê, Gia Lai) tâm sự: "Tôi trồng mía đến nay là 15 năm, từ khi chưa có dâu rể đến bây giờ là cháu nội ngoại đã đi học cả rồi. Nhìn chung cây mía là loại cây nông nghiệp hàng đầu ở đất này. 

Có thể không bằng cây công nghiệp như tiêu, cà phê. Nhưng so với các nông nghiệp như cây lúa, cây mì thì hơn hẳn. Cây mía được nhà máy hỗ trợ, bao tiêu nên ổn định hơn nhiều".

Người trồng mía sống chung cùng hội nhập - Ảnh 2.

Ông Trương Văn Thệ tự tin gắn bó với cây Mía vì được hỗ trợ từ nhà máy

Còn theo anh Đỗ Văn Sanh một nông dân trẻ tại xã Biên Giới, Châu Thành, Tây Ninh cho biết: "Qua hơn 10 năm trồng mía tôi đã tích lũy kinh nghiệm, kết hợp áp dụng với công nghệ cao. Với năng suất hiện tại cho nguồn thu ổn định cho gia đình từ 25-30 triệu đồng/ha/năm".

Tương lai từ những cánh đồng Mía lớn

Lãnh đạo TTC Sugar luôn tâm niệm rằng "Người trồng mía giàu thì nhà máy mới vui". Do đó, nhiều chính sách được đưa ra nhằm tháo gỡ các khó khăn cho người trồng mía, giúp họ yên tâm mở rộng quy mô canh tác. 

Cụ thể trong chương trình dồn điền giao khoán, TTC Sugar chủ động thuê các diện tích đất lớn, tập trung để giao lại cho người trồng mía canh tác. Chương trình này đang cho thấy những thành quả đầu tiên là những ruộng mía tập trung, tận dụng hạ tầng và cơ giới hóa tốt.

Ông Nguyễn Văn Chuốt, một nông dân trồng mía lớn ở khu vực Tây Ninh cho rằng sự chia sẻ của doanh nghiệp cùng với tình yêu cây mía là lí do ông gắn bó lâu dài cùng cây mía. Trồng mía là niềm tự hào của ông cùng gia đình khi các con ông tiếp tục kế nghiệp và mở rộng diện tích trồng hơn 500 héc ta ở cả Việt Nam và Campuchia.

Sau khi chính sách đầu tư của niên vụ 2020-2021 được ban hành, ông Đặng Văn Hùng (xã Mỏ Công, Tân Biên, Tây Ninh) một cựu chiến binh và nông dân kì cựu tại Tây Ninh đã quyết định phát triển lại diện tích trồng mía hơn 28 héc ta sau hai năm bỏ mía trồng cao su. 

Một nông dân lớn khác là ông Võ Văn Hoan (xã Tân Bình, Tân Biên, Tây Ninh) đã chuyển đổi hơn 16 héc ta trồng mì và lên kế hoạch chuyển đổi tiếp hơn 40 ha cao su sang trồng mía.

Người trồng mía sống chung cùng hội nhập - Ảnh 3.

Những cánh đồng Mía lớn của người dân Tây Ninh là tiền đề để áp dụng công nghệ kỹ thuật

Người nông dân gắn bó với cây mía là tín hiệu khả quan cho ngành mía đường, khi người nông dân và nhà máy cùng nhau tìm giải pháp ứng phó trong bối cảnh hội nhập đầy khó khăn. 

Đáng mừng hơn, đã có nhiều "doanh nông" mía đường đã tìm thấy "cơ" trong "nguy" để phát triển và làm giàu cùng cây mía. Đây là điều mà những doanh nghiệp mía đường như TTC Sugar cảm thấy tự hào.

P.Q
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên