21/05/2006 18:20 GMT+7

Người trở về, người chờ đợi...

DOÃN HOÀNG
DOÃN HOÀNG

TTO - Nhiều ngày, nhiều người kiên trì chờ đợi tại nhà ông Trần Minh Hồng - nhà duy nhất đang có chiếc ICOM đang hoạt động - để nghe thông tin truyền về từ khoảng cách hàng ngàn cây số giữa trùng khơi. Nhiều phụ nữ đã ngất xỉu, nhiều người hết kiên nhẫn đã bỏ về khi chiếc máy ICOM vẫn đang rọt rẹt giữa đêm khuya…

Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã theo tàu ra biển cứu nạn

7IrVeNY6.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Cảnh - bà nội của 5 đứa con anh Lê Văn Hoàng (thôn Hòa Bình) cùng ôm cháu khóc như mưa khi biết anh Hoàng không trở về nữa, vợ anh bị tâm thần đã nhiều năm nay - Ảnh: Doãn Hoàng
TTO - Nhiều ngày, nhiều người kiên trì chờ đợi tại nhà ông Trần Minh Hồng - nhà duy nhất đang có chiếc ICOM đang hoạt động - để nghe thông tin truyền về từ khoảng cách hàng ngàn cây số giữa trùng khơi. Nhiều phụ nữ đã ngất xỉu, nhiều người hết kiên nhẫn đã bỏ về khi chiếc máy ICOM vẫn đang rọt rẹt giữa đêm khuya…

Một ngư dân bảo: “nguồn sống” duy nhất của chúng tôi lúc này là nó, nếu cháy mất thì coi như đi giữa đêm đen. Tuy biết chiếc máy đã hoạt động quá sức - suốt 5 ngày liền, có thể dẫn đến hở mạch - nhưng chủ nhân không đành đoạn tắt máy trước những đôi mắt lạc thần đang ngày đêm dán vào nó, đợi chờ…

Những ngày này, khi chúng tôi đặt vấn đề được trực tiếp nói chuyện với những người ngoài khơi, các ngư dân tụ tập tại nhà ông Hồng đều đồng loạt bảo: “Thôi, các anh đừng làm khổ họ nữa, không còn đủ sức để ăn, nói chi đến chuyện trả lời…”. Cuối cùng, chúng tôi cũng có cuộc nói chuyện ngắn ngủi với Hoàng Hữu Thu - tài công tàu Qna-09027 vào 17 giờ chiều 21-5.

Ngoài khơi: Trở về trong kiệt lực

* PV: Đất liền gọi 27, 27 - anh Thu đâu??? (PV gọi nhiều lần và mất liên lạc đến vài phút).

- Hoàng Hữu Thu (HHT): Đang trên đường vào.

* PV: Tàu anh vớt được bao nhiêu người?

- HHT: Nhiều, vớt mấy tàu khác nữa, vớt được Ba Nầm, Quang, cu Tình, thằng Rin, Mệnh…

* PV: Thiếu dầu, thiếu gạo không?

- HHT: Sắp cạn hết rồi, 2 tháng rồi, còn chi…

* PV: Anh em mình có bình thường không, anh Thu?

- HHT: Ăn không nổi lấy chi khoẻ. Lạnh quá, áo quần mang đắp cho anh em hết rồi (mặc áo cho những ngư dân đã chết - PV)…

* PV: Có tàu hải quân ra tiếp cứu đó…

- HHT: Tàu Hải quân có ra hải phận quốc tế không?... Thôi, nghỉ đi, anh em mệt qúa rồi, nhắn giùm ở nhà anh em tôi đang vào bờ… Gió săn lắm, chỉ được 4 lý thôi (4 hải lý/giờ - PV)… Chuẩn bị đi…

- (Mất liên lạc). Chúng tôi chẳng ai nói được với anh em câu động viên nào...

Trên bờ: chờ đợi đến kiệt sức

CTQaNDoH.jpgPhóng to
Em Vương Công Hiệp (học sinh lớp 9 trường THPT Phan Đình Phùng, xã Bình Minh) ngất xỉu từ 3 ngày nay, các y sĩ đang cấp cứu cho em - Ảnh: Doãn Hoàng
Không còn nước mắt để khóc cho người chết, người mất tích, người chưa trở về… Những thôn biển Hà Bình, Bình Tân, Bình Tịnh của xã Bình Minh (Thăng Bình) giờ này chìm trong nỗi im lặng đến đáng sợ. Những tiếng gào thét không còn, những người phụ nữ mất chồng, mất con đã được hàng xóm đưa về trạm cấp cứu dã chiến hoặc đưa về bệnh viện Đa khoa Thăng Bình. Ngoài đường lúc này chỉ còn tiếng xe máy, xe cứu thương chạy đi chạy lại…

Nhiều người đã kiệt lực trước khi nghe tin gió ngoài khơi lúc này vẫn đang ở cấp 6, tàu mang thi thể người thân của mình mỗi giờ chỉ đi được chừng 4 hải lý, như vậy phải chờ đợi từ hai ngày đến một tuần nữa…

Anh Hồ Văn Ngọc - y sĩ quân y đồn biên phòng 264 (Bình Minh) cho biết: ba ngày nay, chỉ riêng anh đã cấp cứu 25 trường hợp sốc, ngất xỉu, trong đó nhiều ca phải cấp cứu ngay tại nhà ông Trần Minh Hồng - nơi đặt máy ICOM và hàng chục ca khác cấp cứu tại nhà riêng rải rác trong các thôn.

Thương tâm nhất là trường hợp của chị Vương Thị Khương - vợ ngư dân Võ Văn Hưng, chị Khương mang thai đến tháng thứ 7, nguời ốm và xanh xao như một chiếc lá, 5 ngày qua ra đứng dưới gốc dừa cụt ngay trước nhà trưởng thôn Nguyễn Văn Tư, chị đứng đó vừa để chờ chồng (không ai dám khẳng định chồng chị đã chết), vừa để các y bác sĩ tiện cấp cứu…

Còn chị Nguyễn Thị Hoa vợ anh Võ Hồng Quang, chị Hoàng Thị Nguyệt, vợ anh Trần Đình Hùng đã có dấu hiệu tâm thần, chị Trần Thị Minh - mẹ của em Trần Xuân Lượm không hồi tỉnh 3 ngày nay sau khi Lượm - đứa con duy nhất ra đi.

Chị Trần Thị Vân - bí thư chi bộ thôn Bình Tịnh trả lời chúng tôi khi giọng gần như đã tắt hoàn toàn: chưa bao giờ những người phụ nữ vùng biển này đối diện với nỗi mất mát quá lớn như thế này. Từ ba ngày qua, chị Vân hết chạy từ nhà này qua nhà khác để nhắc nhở người nhà chăm sóc cho các chị, các em. Trách nhiệm của một cán bộ thôn khiến chị không được gục ngã lúc này mặc dù gia đình chị có đến 5 người thân mất tích…

Lúc 13 giờ 30 chiều 21-5, Bệnh viện đa khoa tỉnh phải chi viện thêm đội công tác gồm 1 bác sĩ, và 6 y sĩ, y tá khác về tại Bình Minh. Trong đêm, các y sĩ của trạm y tế xã phải đến tận nhà của chị em em Vương Công Hiệp để truyền đạm khi đã 3 ngày qua em không có một hạt cơm vào bụng. Tuổi 15, Hiệp sốc nặng khi nghe tin cha và anh đã mất. Để Hiệp được đi học, người anh tên Thuận (23 tuổi) phải hi sinh con đường học tập của mình, đi câu mực khơi…

Không riêng gì những người phụ nữ, những người đàn ông khỏe mạnh trở về sau bão của Bình Minh cũng đã bắt đầu kiệt sức sau nhiều ngày chờ đợi. Những khu chợ nhỏ của vùng biển tang thương này đã nhiều ngày không ai buồn đi chợ hay mua bán, những căn bếp không còn đỏ…

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến sáng 21-5, thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra là: 8 tàu thuyền bị chìm; 8 tàu thuyền mất tích và chưa liên lạc được; tổng số người chết là 26 người và số người mất tích chưa liên lạc được là 181 người; trong đó, thành phố Đà Nẵng có 6 tàu bị chìm, 4 tàu bị mất liên lạc, đã vớt 52 người, trong đó, có 22 người chết; tỉnh Quảng Nam có một tàu mất tích, 18 lao động mất tích. Tỉnh Quảng Ngãi có 2 tàu bị chìm, 3 tàu mất tích, 4 người chết, 17 người mất tích.

Hiện nay, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và các tỉnh đang tiếp tục thống kê cụ thể số lượng tàu thuyền và người bị mất tích để có số liệu chính xác. Theo tin mới nhận, đến 21 giờ ngày 20-5, lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã cứu được 15 tàu đánh cá và 330 ngư dân của Việt Nam. Các tàu cứu hộ của Trung Quốc đã kịp thời cung cấp nhiên liệu, thức ăn, nước uống cho các tàu gặp nạn của Việt Nam.

Theo báo cáo của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, 3 tàu cá của thành phố Đà Nẵng đang chở ngư dân và nạn nhân tử vong đi từ vùng biển Đài Loan về TP Đà Nẵng đã được phía Trung Quốc cấp dầu, thuốc men và phun hoá chất để bảo vệ thi hài.

Chiều 21-5, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã điều 2 tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 và SAR 412 xuất phát từ Đà Nẵng đi cứu hộ 3 tàu trên. Dự kiến khoảng 11 giờ ngày 22-5, 2 tàu cứu hộ sẽ gặp 3 tàu cá này và khoảng sáng 23-5, 2 tàu cứu hộ sẽ đưa ngư dân về đến Đà Nẵng.

Theo TTXVN

DOÃN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên