![]() ![]() |
Bạn đọc Lê Đức Toàn (TP.HCM - trái) và bạn đọc Nguyễn Đức Thắng (Tây Ninh), hai trong năm bạn đọc nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 9-2012 -Ảnh: Bảo Ân |
Giải thưởng tháng 9 cũng trao đến ba bạn đọc khác cung cấp thông tin nhanh nhất về chuyện xăng dầu dỏm, tội phạm cướp giật và lừa đảo bằng nhá máy vào điện thoại.
Chuyện người trẻ cô đơn
Một cô học trò ngỡ mình trót ăn “trái cấm”. Với nỗi lo mang thai, cô bé đem chuyện cầu cứu bạn trai để rồi nhận lấy sự thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh của người mình yêu. Cô bé đã phải sống trong chuỗi ngày hoang mang, dằn vặt và đau khổ vì chẳng thể tâm sự chuyện động trời này với cha mẹ. Và rồi cô phải tìm đến người bạn gái thân để bàn cách giải quyết. Bạn gái của cô cũng chẳng biết gì, đều thiếu kiến thức như nhau.
Hai người trẻ đã phải trải qua cảm xúc đơn độc sợ hãi để rồi tự lần mò tìm ra cách thử xem đã có thai hay chưa... Đó là nội dung bài viết “Chuyện của N.” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 38, ngày 23-9) của tác giả Khánh Linh (22 tuổi).
Nói về bài viết của mình, Khánh Linh chia sẻ: “Tôi thường nghe bạn bè đồng trang lứa tâm sự về nỗi trăn trở giới tính, có những điều rất ngây ngô. Tôi suy nghĩ và thấy sao giới trẻ của mình phải sống đơn độc và bơ vơ đến thế. Đời sống tâm hồn của chúng tôi sao mà đáng thương. Chúng tôi cần biết bao tình cảm sẻ chia ấm áp, sự quan tâm từ cha mẹ, người thân để có thể biết mình cần làm gì để bảo vệ mình và phải làm gì nếu xảy ra sự cố. Điều người trẻ chúng tôi cần ở người lớn là sự thấu hiểu, lắng nghe và giúp chúng tôi tìm ra giải pháp”.
Khánh Linh hiện đang là sinh viên năm 4 khoa văn học và ngôn ngữ Trường đại học KHXH&NV TP.HCM. Linh chia sẻ mình là độc giả thường xuyên của báo Tuổi Trẻ và rất “kết” những chuyên mục tản văn, diễn đàn trên tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Linh cho rằng gần đây tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã mở những diễn đàn rất sát thực với bao nỗi trăn trở, đau đáu của giới trẻ trong cuộc sống. Đó là lối sống, định hướng cuộc đời, tình yêu giới tính... của người trẻ hiện nay.
Lát cắt nỗi khổ người dân
Cơn mưa lớn ngày 1-10 đã khiến nhiều tuyến đường ở TP.HCM ngập thành sông. Anh Lê Đức Toàn (23 tuổi) là “người trong cuộc” chứng kiến cảnh sóng nước xô ngã xe của nhiều người trên đường Đồng Đen (Q.Tân Bình). Nhiều xe chết máy phải dắt bộ. Nhìn cảnh đó, anh Toàn đã chụp lại cảnh tượng ngổn ngang này và gửi đến Tuổi Trẻ.
“Lúc đó tôi bức xúc quá, bao nhiêu người đã phải vật vã vì nước ngập, nhiều phụ nữ chở con đi học bị sóng nước xô ngã cả xe lẫn con nhỏ. Thật quá nguy hiểm. Sao bao nhiêu biện pháp đề ra mà ngập vẫn hoàn ngập? Tôi mong báo Tuổi Trẻ đăng tải những cảnh tượng đó để mọi người cùng biết. Nỗi bức xúc này người dân như chúng tôi biết kêu ai” - anh Toàn bày tỏ.
Những tấm ảnh thời sự nóng hổi của anh Toàn đã góp phần làm cho loạt ảnh “Sau cơn mưa rạng sáng, Sài Gòn nước mênh mông” (Tuổi Trẻ Online ngày 1-10) được bạn đọc truy cập cao nhất trong ngày.
Tham gia bắt cướp, báo tin nóng
Bài viết “Cướp laptop, đâm chết người, gây trọng thương công an” (Tuổi Trẻ ngày 18-9) đã khiến dư luận phẫn nộ trước sự manh động của tội phạm. Người giúp Tuổi Trẻ có được thông tin nóng này là anh Nguyễn Thành Giáp (TP.HCM).
Trưa 17-9, đang trên đường đến nơi làm việc, anh Giáp chứng kiến vụ cướp laptop, giết người kinh hoàng tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình). Sau khi đâm chết nạn nhân và gây trọng thương một chiến sĩ công an, tên cướp hung hãn cầm dao chạy bộ trên đường Hoàng Hoa Thám để uy hiếp mọi người hòng tìm cách thoát thân. Lúc ấy có một người dũng cảm tông thẳng xe vào tên cướp khiến cả hai ngã ra đường. Thấy vậy anh Giáp xông đến đá nhiều cú vào tên cướp, cùng lúc một người dân khác đè hắn xuống và tước con dao. Sau khi cùng nhiều người dân vây bắt thành công tên cướp, anh Giáp lập tức gọi điện thoại đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ báo tin.
Anh Giáp chia sẻ: “Hành động của tên cướp quá hung hãn. Tôi chẳng nghĩ gì nhiều lúc đó, chỉ biết là phải có những người dám xông vào bắt cướp trước thì mới có thêm nhiều người vào giúp”.
Giúp người khác tránh bị lừa Hai bạn đọc cung cấp thông tin nóng khác có điểm chung là “người trong cuộc” khi gọi đến Tuổi Trẻ và cùng mong muốn việc báo tin của mình sẽ giúp người khác tránh bị lừa. Anh Nguyễn Đức Cường (TP.HCM) báo tin “Đổ xăng xong, hàng trăm xe chết máy” (Tuổi Trẻ ngày 27-9) sau khi đổ phải xăng “lạ” phải dắt bộ. Thấy nhiều người đồng cảnh đang tìm chỗ sửa xe, hỏi ra lại biết vừa đổ xăng cùng một chỗ, anh Cường nghi ngờ xăng có vấn đề và đã cùng nhiều người dắt xe đến cây xăng bắt đền. Ông Nguyễn Đức Thắng (Tây Ninh) là người báo tin “Nhá máy mất tiền vì số điện thoại lạ” (Tuổi Trẻ ngày 21-9). Thấy đầu số nước ngoài gọi và máy mình, ông cứ ngỡ là người nhà ở Campuchia gọi. Lúc gọi lại thì chẳng ai nghe máy, cuộc gọi chỉ khoảng 12 giây mà tài khoản của ông bị tính tiền hết 110.000 đồng. “Người dân ở tỉnh làm quần quật cả ngày có khi kiếm chưa tới 100.000 đồng. Vậy mà bị lừa một cuộc gọi là mất toi ngày công làm việc. Nhờ sức lan tỏa của báo, nhiều người mới biết để tránh bị lừa đảo” - ông Thắng bày tỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận