01/03/2011 07:11 GMT+7

Người tốt quanh ta

NGUYỄN VỸ DU
NGUYỄN VỸ DU

TT- Ngày 27-5-2009, một thanh niên ở Khánh Hòa đánh xe bò ra bờ sông xúc cát. Đu bám theo xe để chơi đùa là hai đứa trẻ lên 8 ở cùng làng.

Khi xe bò bị sụp hố lọt sông, người thanh niên biết bơi này mặc kệ hai đứa trẻ bị dòng nước nhấn chìm để dồn sức cứu lấy con bò và chiếc xe rồi tỉnh bơ đi về làng mà không nói với ai về cái chết của hai em bé. Khi vụ việc vỡ lở và được xác minh, công an huyện đã khởi tố hình sự người thanh niên ấy vì tội thấy người sắp chết mà không cứu.

Nghe xong câu chuyện này, ai cũng thấy cuộc đời xám xịt và tự hỏi nhau rằng, sao con người lại có thể xấu xa như thế khi dửng dưng trước sinh mạng của đồng loại?

Gần hai năm sau, ngày 28-2-2011, rất lâu rồi mới lại đọc được chuyện cứu người trên báo. Câu chuyện cho ta thấy cuộc đời không xám xịt chút nào: một anh thợ hồ 21 tuổi, mù chữ, nghèo khổ trong lúc chở vợ con đi chơi đã phóng ngay xuống sông để cứu cô gái nhảy cầu tự tử, trong khi hàng trăm người khác bu chật thành cầu để... nhìn xuống coi.

Trước khi gieo mình xuống sông Sài Gòn, cô đã uống thuốc ngủ và cả... thuốc chuột. Nếu không chết vì nước thì cô gái chán đời ấy cũng sẽ chết vì thuốc. Cứu lên, xốc nước, đưa thẳng vào bệnh viện gần nhất giao cho bác sĩ, khi chắc rằng cô gái sống sót, chàng thợ hồ mới trở về tìm vợ con mà anh đã bỏ lại trên cầu trong khi làm việc nghĩa.

Câu chuyện về anh giống như một cơn mưa bay qua thành phố, làm dịu tiết trời nóng bức và dịu cả cơn bão giá cả đang tràn tới từng ngôi nhà của mỗi người, trong đó có căn chòi trú thân của vợ chồng anh dựng tạm bên bờ sông.

Không biết tại sao giáo sư thiên văn học Trịnh Xuân Thuận lại đề cập việc cứu người chết đuối trong tác phẩm Những con đường ánh sáng của ông. Có thể đó là một ẩn dụ mà ông dùng để giải thích lý thuyết của mình, hoặc giả là ông muốn chỉ cho con người cách nhanh nhất để cứu người chết đuối, đó là người cứu hộ phải lao đến người bị nạn bằng con đường ngắn nhất và đó cũng là con đường của ánh sáng: đường thẳng.

Thực tế diễn ra trên cầu Thủ Thiêm hôm ấy cũng không khác gì với ẩn dụ của ông: Chàng thợ hồ định phóng mình theo đường thẳng xuống dòng sông để tiếp cận cô gái bị nạn nhanh nhất nhưng do có sự can ngăn của vợ, anh phải chiều lòng men theo chân cầu để bơi ra. Nhưng dù có bơi thẳng hay không, lựa chọn cứu người thay vì đứng bàng quan nhìn cái chết cướp đi sinh mạng người khác đã đưa bước chân của anh thợ hồ vào con đường của ánh sáng.

Trước khi quăng dép nhảy xuống dòng sông, anh thợ hồ nói nhanh với vợ: “Thấy chết phải cứu em à”. Còn cô gái ấy sau khi tỉnh dậy thấy mình vẫn sống, cô đã nhủ rằng: phải gắng sống bằng mọi cách để không phụ lòng người đã cứu mình. Và phải sống, vì một lý do khác quan trọng hơn là cô thấy đời còn người tốt như anh thợ hồ!

NGUYỄN VỸ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên