18/05/2019 12:19 GMT+7

'Người thiểu số giúp tôi khiêm nhường hơn'

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Hành trình làm phim 'Về nhà' không chỉ khiến êkip làm phim người Kinh ngạc nhiên về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số, mà còn khiến khán giả ồ à vì những gì họ nhìn thấy khác xa với hiểu biết lâu nay.

Người thiểu số giúp tôi khiêm nhường hơn - Ảnh 1.

Các thành viên nhóm Tiên Phong xuất hiện trong phim Về nhà - Ảnh chụp màn hình

Bộ phim là hành trình đoàn làm phim đi đến các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Lạng Sơn, Lào Cai để gặp các thành viên của nhóm Tiên Phong, hỏi họ vì sao họ tham gia nhóm, họ đã phát triển như thế nào tại địa phương.

Bộ phim đã giúp tôi ngộ ra rất nhiều. Tôi cảm thấy rõ ràng sức mạnh văn hóa của từng dân tộc thiểu số, góp phần làm nên sức mạnh cho nền văn hóa Việt Nam.

Khán giả Vương Thái Dũng

Đã có nhiều phóng sự, phim tài liệu về dân tộc thiểu số phát sóng trên các kênh truyền hình. Đa phần tác phẩm đề cập đến những nét đẹp văn hóa hoặc vấn đề đói nghèo của địa phương. Không ít người làm phim do hạn chế hiểu biết đã áp đặt cái nhìn của mình về dân tộc thiểu số. Trong khuôn hình, người thiểu số thường bị động chia sẻ câu chuyện của mình.

Bộ phim tài liệu Về nhà cho thấy những hình ảnh rất khác biệt về người dân tộc thiểu số. Vẫn là những khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, nhưng trong không gian đó người dân tộc thiểu số tự tin là mình, tự hào với văn hóa của mình. Họ am hiểu những vấn đề tại địa phương, thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân và khát khao xây dựng quê hương.

Chị Nguyễn Thị Bích Tâm (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường - iSEE) trực tiếp cố vấn cho nhóm Tiên Phong cho biết: "Những người trong nhóm Tiên Phong đều tự hào về văn hóa của mình. Khi biết tự hào, mọi người sẽ cảm thấy tự tin, từ đó có thể tự chủ".

Nhiều khán giả người Kinh rất bất ngờ khi nghe những chia sẻ của các thành viên Tiên Phong trong Về nhà. Chị Lý Thị Hồng Kiều (Sóc Trăng) kể chị tham gia nhóm Tiên Phong vì muốn thay đổi định kiến "người Khmer chỉ thích lễ hội, không chịu làm ăn, chỉ đi xin ăn".

Anh Ma Văn Hùng (Lạng Sơn) luôn đau đáu làm sao để "mọi người có cái nhìn đúng hơn về dân tộc thiểu số". Một số thành viên người Mông sau khi tham gia nhóm đã quyết tâm đi tìm chữ viết của dân tộc mình. Có người đi tìm cách chứng minh dân tộc Pa Cô không phải dân tộc Tà Ôi.

Nhóm Tiên Phong được iSEE thành lập từ năm 2011 với 25 thành viên đại diện cho nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số từ 15 tỉnh. Các chuyên gia và người dân thực hiện phương pháp đồng nghiên cứu (co-researcher), có nghĩa là: người dân tham gia nhóm này được các chuyên gia hỗ trợ phát triển kỹ năng tự nghiên cứu, nâng cao năng lực tự phân tích chính sách và đưa ra các kiến nghị chính sách với các cấp chính quyền địa phương. Sau khi các chuyên gia rút, người dân vẫn sẽ tiếp tục công việc này.

Về nhà đã cho thấy kết quả đồng nghiên cứu của iSEE và nhóm Tiên Phong, cho thấy mỗi địa phương có rất nhiều vấn đề mà chỉ khi người dân chủ động chung tay góp sức thì mọi chuyện mới thay đổi.

Trong quá trình làm phim, nhà sản xuất Trương Minh Giang cho biết anh không ngừng ngạc nhiên trước sự đa dạng văn hóa, những giao thoa văn hóa vô cùng thú vị ở mỗi nơi đoàn làm phim đến. Sự đa dạng này khó có thể mô tả bằng lời nên cần phải được thể hiện bằng phim.

Sau khi làm việc cùng nhóm Tiên Phong, cán bộ tư vấn Bích Tâm cho biết chị thay đổi rất nhiều: "Tôi học được sự khiêm nhường, bao dung. Hồi trước tôi từng nghĩ mình có ăn có học, mình phải "hoành tráng" này kia. Nhưng khi hiểu mình còn biết quá ít ỏi, tôi sống chậm lại. Tôi cảm nhận cuộc sống này từ từ, tôi thấy thế giới này đa dạng, nhiều màu sắc hơn. Thay vì mong muốn kiểm soát người khác, thì hãy học hỏi từ người khác".

Êkip sản xuất phim tài liệu Về nhà gồm cán bộ dự án Trương Minh Giang (chịu trách nhiệm sản xuất, nay đã rời khỏi iSEE), đạo diễn Tạ Minh Đức và người phụ trách âm thanh Nguyễn Văn Tâm. Sau khi thấy bộ phim được đón nhận tích cực, iSEE quyết định ra mắt phim vào giữa tháng 5 vừa qua tại không gian Ơ kìa Hà Nội và sau đó phổ biến trên YouTube.

Phim tài liệu Việt Nam và những so sánh chạnh lòng Phim tài liệu Việt Nam và những so sánh chạnh lòng

TTO - Theo dõi Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần 9 diễn ra từ ngày 8 đến 17-6 tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều khán giả phải thốt lên: Hình như phim tài liệu của Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên