11/11/2014 13:08 GMT+7

​Người thầy truyền cảm hứng

BÌNH YÊN
BÌNH YÊN

TT - Ngày ấy, đã 18 tuổi nhưng tôi cũng không biết mình thích cái gì, thi trường nào, bạn thích làm cô giáo thì tôi cũng thích, bạn đi ngành ngữ văn tôi cũng đi theo.

Bởi vậy, bốn năm trên giảng đường đại học tôi cứ “lờ nhờ” nên kết quả học tập chỉ là tấm bằng trung bình. Ra trường, tôi quyết định về quê cho gần nhà, nhưng ông hiệu trưởng nào cũng lắc đầu vì “tấm bằng trung bình”. Không còn cách nào khác, tôi đành tạm biệt mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng để “Nam tiến”.

Tôi được hiệu trưởng một ngôi trường dân lập gọi vào dạy thử hai tiết, bài dạy ngày đó của tôi là Bên kia sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm, và thầy là người sẽ quyết định tôi có được làm việc hay không qua dự giờ đánh giá. Tôi vẫn còn nhớ mãi cái bệnh “ham nói” của sinh viên mới ra trường đã khiến bài giảng của tôi bị “đứt gánh giữa đường”.

Khi ngồi lại để nghe góp ý rút kinh nghiệm mà tim tôi đập thình thịch. Câu đầu tiên thầy hỏi tôi là: “Em có thấy mệt không?”. Tôi trả lời: “Dạ không ạ”. Nhưng kỳ thực tôi bước ra khỏi lớp là mồ hôi ướt đẫm cả lưng áo.

Sau đó thầy cười hiền và chỉ ra cho tôi những tồn tại trong tiết dạy. Thầy ví von bài giảng của tôi giống như “một dòng sông cứ chảy mãi chảy mãi mà không có lắng đọng phù sa”, có nghĩa là tôi còn lan man quá, không đi vào trọng tâm và chưa có điểm nhấn trong bài giảng.

Nhưng bao giờ thầy cũng kèm theo một lời an ủi: “Đó cũng là lỗi chung của những sinh viên mới ra trường thôi em” khiến tôi bớt phần xấu hổ. Tuy nhiên, có thể thầy phát hiện một chút “chất văn” nào đó lai láng trong con người tôi nên tôi được nhận vào dạy chính thức.

Những ngày đầu trên bục giảng, dòng chữ còn dềnh dàng, khi “lên thác” khi “xuống ghềnh” nên tôi ngại ngùng với học sinh và với cả đồng nghiệp trong những lần dự giờ, thao giảng. Hiểu được nỗi buồn ấy của tôi, thầy lại động viên: “Em cứ cố gắng chỉnh sửa từ từ, đây cũng là lỗi quen thuộc của những giáo viên mới mà”. Những tháng ngày sau đó, tôi cứ tập dần và cuối cùng cũng ra dáng chữ của một cô giáo dạy văn.

Mỗi lần có bài giảng nào tâm đắc thầy lại gọi chúng tôi đi dự, tôi thật sự ấn tượng khi được ngồi dưới làm học trò của thầy. Cách viết bảng của thầy cũng không giống người ta, những dòng chữ rồng bay phượng múa giống nghệ thuật thư pháp chỉ cần nhìn một lần thì cứ thế nhớ mãi.

Đã lên bảng là thầy sống hết mình với bài dạy, ngôn ngữ của thầy không chỉ là ngôn ngữ của lời nói mà còn là ngôn ngữ của cử chỉ, hành động điệu bộ khiến học sinh có thể khóc, có thể cười cùng nhân vật, và cũng có thể làm thơ... khi những giá trị thẩm mỹ của văn chương chạm đến trái tim các em.

Mỗi tiết dạy xong là phấn trắng nhuộm thầy “từ đầu đến chân” khiến ai cũng không nhịn được cười. Vốn dĩ là khi giảng bài, thầy say sưa quá thành ra viên phấn cầm tay cứ phết thành hàng ngang dọc trên cả áo quần.

Để chữa thẹn, thầy lại hài hước: “Không sao, mình là anh hùng Lương Sơn Bạc mà” (vì tên thầy là Nguyễn Văn Bạc). Những bài giảng của thầy đã truyền cảm hứng cho tôi, nhắc nhở tôi: người dạy văn phải có một tâm hồn để yêu đời, yêu người và yêu nghề...

Hôm nay, vì lý do công việc thầy không còn dạy ở trường tôi nữa, tôi chỉ được gặp lại thầy trong các dịp lễ tết, nhưng chính từ cái tâm, từ nhiệt huyết của một người thầy đã làm tôi thay đổi và gặt hái được những thành công nhất định trong sự nghiệp trồng người.

Tôi cũng đã thật sự phá bỏ mặc cảm về tấm bằng trung bình, và dòng sông ngày ấy trong bài giảng của tôi không còn chảy mãi, chảy mãi nữa mà đã “lắng đọng phù sa” để tưới mát cho tâm hồn học sinh.

Suốt đời tôi mang ơn và kính trọng thầy: thầy Nguyễn Văn Bạc - Trường THPT Nam Hà, Biên Hòa, Đồng Nai.

BÌNH YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên