12/11/2014 12:16 GMT+7

​Người thầy của đam mê

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Từng rất mê học kỹ thuật song bước rẽ cuộc đời lại đưa anh đến với nghề giáo và thoáng đó đã 13 năm đứng trên bục giảng.

Thầy giáo Vương Sĩ Đức và học trò trong một tiết học về an toàn giao thông, chủ đề đã mang về giải nhất hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia an toàn giao thông toàn quốc - Ảnh: Q.NG.
Thầy giáo Vương Sĩ Đức và học trò trong một tiết học về an toàn giao thông, chủ đề đã mang về giải nhất hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia an toàn giao thông toàn quốc - Ảnh: Q.NG.

Hiện là giáo viên trẻ nhất giảng dạy khối lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Gò Vấp, TP.HCM), thầy Vương Sĩ Đức (33 tuổi) được biết đến như một thầy giáo trẻ chịu khó tìm tòi những phương pháp mới và mang đến cho trò những giờ học sinh động, nhiều bất ngờ.

Có những khoảng lặng trong công việc khiến mình suy nghĩ nhiều lắm, cũng có lúc nản nhưng chỉ cần bước vào lớp gặp học trò là mọi thứ đều bỏ lại hết ngoài cửa vì mình yêu trẻ con, mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc
Thầy VƯƠNG SĨ ĐỨC (giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Q.Gò Vấp)

Dạy văn bằng sơ đồ tư duy toán

Thầy Đức tự nhận đến với nghề giáo là cái duyên. Càng dạy thầy Đức càng tự tin hơn với lựa chọn mà hơn chục năm trước, khi quyết định bước theo trong lòng cũng có chút băn khoăn như thầy tự nhủ: “đúng là nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề cho mình được”.

Viết chữ đẹp và đều như nét chữ in máy là ấn tượng lớn của thầy giáo Vương Sĩ Đức trong mắt học trò. Những tiết học văn không còn là giờ đọc chép, theo lối văn mẫu mà trở thành giờ luyện nét chữ và sáng tạo về ngôn ngữ cho trò.

Thầy Đức mày mò nghiên cứu cách giúp học trò học tốt môn văn bằng sơ đồ tư duy của toán học. Phương pháp này đã được áp dụng và mang lại hứng khởi cho trò trong những giờ tập làm văn.

Tạm hình dung thế này: trước mỗi đề tập làm văn, thầy Đức sẽ cùng trò xây dựng sơ đồ là những từ ngữ liên quan đến đề bài, đây sẽ là những từ khóa và học trò dựa vào để viết thành câu văn, ghép thành bài văn hoàn chỉnh theo ngôn ngữ của riêng từng học trò.

“Mình gợi mở những từ khóa, các em cùng nghĩ thêm từ mới, từ nào phù hợp mình sẽ bổ sung vào sơ đồ. Thay vì mỗi em phải tự ngồi viết ra dàn ý cho bài văn của mình thì cuối buổi sẽ là một sơ đồ đa dạng mà mỗi em có thể chọn cho mình ý nào ưng nhất thể hiện vào bài làm”, thầy Đức cho biết.

Nói về những giờ học văn, cô học trò lớp 5/4 Phó Trúc Quỳnh bày tỏ: “Cách dạy của thầy làm em đặc biệt thích các tiết học văn vì có thể nghĩ ra những từ mới. Trước đây em viết văn không tốt nhưng nhờ thầy cẩn thận sửa, gợi ý chi tiết nên em đã viết văn hay hơn”.

Có lẽ không quá bất ngờ khi tổng kết mỗi năm, học trò thầy Đức luôn chiếm áp đảo trong số những học sinh thủ khoa toàn khối.

Năm học gần nhất, cả khối 5 có tám thủ khoa thì học trò thầy Đức đã chiếm sáu vị trí. Chưa kể nhiều bạn còn có tên trong các đội tuyển của quận Gò Vấp tham dự các cuộc thi dành cho học sinh tiểu học cấp thành phố. 

Người cha thứ hai

Học trò lớp 5/4 mà thầy Đức chủ nhiệm đều nói thầy như người cha thứ hai. Bạn Đinh Thị Ánh Linh nói: “Hầu như chưa khi nào thầy la tụi em mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở nếu ai đó làm gì sai. Lúc nghỉ giải lao thầy hay hỏi thăm chuyện gia đình, bạn nào có thắc mắc gì thì thầy động viên, khuyên nhủ”. Vì vậy dù lớp hơn 50 học sinh chứ chỉ cần hỏi gia cảnh, tính tình từng đứa ra sao thầy Đức đều có thể nói được hết.

Đánh giá về đồng nghiệp, cô hiệu trưởng Nguyễn Kim Phượng chỉ dùng một từ: xuất sắc. Theo cô Phượng, dù là giáo viên trẻ nhất trong khối lớp 5 song thầy Đức rất chịu khó tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp mới để làm cho bài giảng thêm cuốn hút, khiến học trò không thể rời mắt trong suốt tiết học.

“Không chỉ nhà trường, mà những tiết giảng của thầy Đức hằng năm đều được phòng giáo dục - đào tạo quận đánh giá xuất sắc sau khi dự giờ. Bởi tiết học của thầy Đức không chỉ có bài học mà còn kết hợp trò chơi, hoạt động khiến học trò rất hứng thú, học một cách say mê và tập trung”, cô Phượng cho biết.

Giờ học về an toàn giao thông, thầy Đức tự tay thiết kế những chiếc mũ bằng giấy cho các bạn học sinh đội với các biển báo giao thông, học trò có thể nhận diện và nhớ nhanh nhất những quy định của Luật giao thông.

Bạn Nguyễn Thị Bích Trâm kể: “Giờ học lịch sử của thầy cũng thích nữa. Có hôm sau khi giảng xong bài, thầy mở các phim tư liệu về lịch sử cho tụi em xem, chính những hình ảnh này làm tụi em nhớ kỹ hơn bài vừa được nghe giảng”.

Trên Facebook, các bạn cựu học sinh còn lập ra cả “Hội những học sinh của thầy Vương Sĩ Đức Trường Nguyễn Thị Minh Khai”. Ở đó có đủ hình ảnh về các lứa học trò đã rời trường, cập nhật thông tin về cựu học sinh, học sinh hiện tại và cả những giải thưởng thầy Đức đạt được.

“Có hai học trò của mình từ những khóa đầu tiên giờ đã nối gót mình làm giáo viên tiểu học, một số học trò đang du học nước ngoài vẫn cập nhật thông tin thường xuyên hay trước khi quyết định việc gì luôn hỏi ý kiến mình. Với người thầy, còn gì vui và hạnh phúc hơn thế nữa”, thầy Đức chia sẻ.

“Nhà giáo trẻ tiêu biểu” thành phố

Nếu năm 2014 được bình chọn thì đây là năm thứ năm liên tiếp thầy giáo Vương Sĩ Đức được nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp thành phố do Thành đoàn TP.HCM trao tặng.

Giải thưởng mỗi năm được nhận đi kèm với một sáng kiến, mô hình mới do Đức tìm tòi, áp dụng thành công và đem đến nhiều hứng khởi cho học trò.

Đó còn là hướng dẫn trò tham gia các phong trào của Đội, rèn luyện theo năm điều Bác Hồ dạy nên lớp của thầy Đức không chỉ học giỏi mà còn luôn có hoạt động phong trào sôi nổi trong trường.

Mới nhất, thầy là đại diện duy nhất của TP.HCM tranh tài cùng đại diện các tỉnh thành (mỗi tỉnh một người) trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia về an toàn giao thông tại Khánh Hòa do Bộ Giáo dục - đào tạo phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Công ty Honda VN tổ chức.

Và Vương Sĩ Đức là cái tên đã được xướng lên ở giải thưởng cao nhất của hội thi dành cho giáo viên tiểu học.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên