Iman Oubou bỏ việc công sở để xây dựng doanh nghiệp riêng - Ảnh: Harper's Bazaar |
Đối tác nam giới khi gặp Iman luôn có thái độ rất... khó tả. Một nhà đầu tư thậm chí còn trắng trợn hỏi: “Cô mặc chiếc váy bút chì đó chỉ cho riêng tôi phải không?” và nhìn như muốn... ăn tươi nuốt sống cựu hoa hậu.
Khi từ bỏ việc công sở để xây dựng SWAAY, một nền tảng truyền thông dành riêng cho các nữ doanh nhân, Iman đã lường trước con đường không dễ dàng.
Nhưng cô chưa từng nghĩ ngoại hình của mình lại trở thành mối quan tâm duy nhất của đại đa số đối tác nam giới, chứ không phải ý tưởng hay kế hoạch kinh doanh.
Đó là một thực tế mỉa mai nhưng phổ biến, kể cả ở những nước phát triển như Mỹ: Sự kỳ thị giới tính vẫn còn rất nặng nề.
Các lãnh đạo nam mặc vest Armani, đi giày da Ý luôn xuất hiện trên bìa tạp chí như biểu tượng của quyền lực và tài năng. Lãnh đạo nữ chỉ nhận được những câu hỏi muôn thưở về bí quyết làm đẹp, lựa chọn thời trang hay cân bằng công việc với trách nhiệm làm mẹ.
Trong những ngành như tài chính, đầu tư mạo hiểm, nam giới vẫn thống trị tuyệt đối. Chỉ có 7% các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại Mỹ thuộc sở hữu hoặc do phụ nữ điều hành. Không khó nhận thấy phái nữ đã rơi sẵn vào thế yếu trong những cuộc họp gọi vốn.
Iman Oubou giành được vương miện Hoa hậu New York năm 2015 - Ảnh: Harper's Bazaar |
Sự cố “chân váy bút chì” không phải lần duy nhất Iman cảm thấy khó chịu khi họp cùng đối tác tiềm năng là nam giới. Một cựu hoa hậu yêu thời trang, mê thể thao nhưng cũng là nhà khoa học (cô có bằng cử nhân sinh hóa và thạc sỹ y sinh) thường xuyên bị “khuyên” tận dụng ngoại hình để bán sản phẩm hoặc làm người mẫu thay vì mở công ty riêng.
Không ít lần Iman bị cười nhạo sau lưng là “cô hoa hậu ôm mộng với PowerPoint”. Ngay cả các công ty marketing cũng tư vấn cho Iman tập trung xây dựng hình ảnh cho bản thân thay vì làm thương hiệu cho công ty.
Lý do ư? Rất đơn giản: “Ai cũng thích ngắm gái đẹp!”
Đỉnh điểm cho mọi sự chịu đựng là khi một nhà đầu tư thẳng thừng gạ gẫm cô “hoàn tất hợp đồng trong phòng khách sạn”. Tất nhiên, cô không gặp lại anh ta thêm một lần nào nữa.
Mãi rồi Iman cũng tìm được một nhà đầu tư khả kính, người tin rằng cô xứng đáng được trao cơ hội. Tất nhiên, để giành được sự tín nhiệm, và tiền, từ người này, Iman đã phải làm việc nỗ lực gấp đôi trong suốt 6 tháng sau đó để chứng minh năng lực.
Khi đường đã được mở, SWAAY thu hút thêm sự quan tâm của một số người khác, trong đó có cả các nhà đầu tư mạo hiểm nữ.
8 tháng qua, Iman đã phỏng vấn hơn 300 nữ doanh nhân khởi nghiệp trong rất nhiều lĩnh vực, từ một cựu siêu mẫu tạp chí Maxim đến nữ vận động viên trượt băng muốn phá bỏ rào cản giới tính tại các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, hay một nữ giám đốc bỏ việc tại tập đoàn lớn để chăm sóc đám thú cưng bị bỏ rơi…
Các nhân vật trang bìa của SWAAY đều là tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ.
Bìa một ấn phẩm SWAAY của Iman Oubou - Ảnh: Twitter |
Một điểm chung nữa của các nữ doanh nhân này là bất chấp ý tưởng táo bạo và mới mẻ, kế hoạch kinh doanh chi tiết và êkíp nhân viên tài năng, họ vẫn rất chật vật tỏng việc gọi vốn. Vấn đề luôn là thiếu người dẫn dắt và khả năng tiếp cận nhà đầu tư để mở rộng dự án.
Điều này chẳng có gì lạ. Theo tạp chí Fortune, có tới 5.839 công ty do nam giới sáng lập nhận được vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm trong năm 2016, so với chỉ 359 công ty do phụ nữ sáng lập. Sự chênh lệch này hiển nhiên không phải do trình độ, mà vì hệ thống đánh giá và gọi vốn lâu nay chỉ ưu ái nam giới.
Lời khuyên mà Iman đưa ra cho các nữ doanh nhân khởi nghiệp chính là tuyệt đối không được tư duy như một nạn nhân.
“Hãy trở nên mạnh mẽ hơn từ chính những thách thức và tin rằng bạn luôn có thể tìm được sự giúp đỡ. Nếu bị các đối tác và nhà đầu tư tiềm năng đánh giá thấp, hãy đứng lên và cất cao tiếng nói”, Iman nói.
“Tôi cũng muốn gửi một thông điệp đến cánh đàn ông rằng: Một cô gái đi giày cao gót hồng neon không có nghĩa là cô ấy không thể hoàn tất một thương vụ nhiều triệu đôla”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận