Mẹ VN anh hùng Lê Thị Hý thắp nén nhang cho các con trai. Mẹ vẫn áy náy vì cả hai liệt sĩ không có lấy một tấm ảnh để thờ - Ảnh: ĐỨC BÌNH |
Con thương, của xót, nó là khúc ruột của mình, hai đứa hi sinh tôi cũng đau đớn lắm nhưng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, bên ngoài vẫn phải tỉnh táo để phụng dưỡng chồng, nuôi con, nhưng đêm nằm nào có ngủ được đâu. Nhớ đến các con, không biết xương cốt, hồn xác nơi nào thì đau lắm |
Mẹ LÊ THỊ HÝ |
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hý (thôn Đình Trung, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) nói rành rọt từng câu khi mở đầu câu chuyện về những người con liệt sĩ của mình dù năm nay mẹ đã bước sang tuổi 92.
“Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”
Mẹ Hý là mẹ đẻ của hai liệt sĩ Nguyễn Doãn Chắt (sinh năm 1946, hi sinh 10-10-1968) và Nguyễn Doãn Hai (sinh năm 1948, hi sinh 7-9-1972). Tại xã Xuân Nộn, mẹ cũng là người duy nhất hiện còn sống trong số 13 mẹ Việt Nam anh hùng của xã Xuân Nộn.
“Mấy bữa trước mẹ còn khỏe lắm, vẫn minh mẫn, đi lại bình thường, chợ búa, cơm nước cho con cháu. Nhưng mấy hôm nay mẹ kêu đau đầu nên chắc bữa nay gia đình đưa lên bệnh viện huyện...” - ông Nguyễn Đức Thành, bí thư chi bộ thôn, hàng xóm của mẹ Hý, nói.
Chúng tôi đợi khoảng một tiếng thì mẹ Hý cùng vợ chồng người con trai út về. Mẹ Hý tự mở cửa xe taxi bước xuống, chậm rãi đi vào nhà, miệng than phiền về thái độ, sự phục vụ chậm chạp của nhân viên y tế huyện.
Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà hai tầng khang trang của người con trai út, mẹ khoe mẹ đông con lắm, đến chín người con.
Trong bảy người con trai, có bốn người xung phong đi bộ đội, trong đó có hai người anh đầu hi sinh vì nước.
Người mẹ già mái tóc bạc trắng đưa đôi tay gầy guộc day day đôi mắt đục mờ của mình rồi kể: “Mới 17-18 tuổi đầu, thằng Chắt đã bảo nó sẽ nộp đơn xung phong đi bộ đội. Rồi nó đi bộ đội thật. Khi đó cũng chẳng rõ nó vào đơn vị nào.
Đi biền biệt gần hai năm không một lần về thăm, không một lá thư gửi cho mẹ. Nó thực hiện đúng như lời nó nói với tôi khi chia tay lên đường: “Con đi không hẹn ngày về, nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực. Con sẽ làm rạng danh đất nước và gia đình...”.
Rồi sau đó giấy báo tử gửi về. Đơn vị gửi giấy báo tử là Bộ tư lệnh thủ đô. Gia đình có hỏi han lúc đó thì được biết anh hi sinh ở mặt trận miền Nam khi ôm mìn cảm tử đánh sập một cây cầu. Trước khi đánh cầu, anh được đơn vị tổ chức truy điệu sống.
Thân thể cũng tan theo quả mìn nên giờ đây gia đình chẳng có hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Doãn Chắt. Ngôi mộ của anh ở nghĩa trang liệt sĩ của xã Xuân Nộn chỉ là mộ gió mà thôi.
Đầu năm 1971, sau khi biết anh Chắt hi sinh, đến lượt đứa con thứ hai của mẹ nộp đơn xung phong ra trận. Mẹ Hý bảo lúc đó anh Nguyễn Doãn Hai chỉ đang học lớp 8 gì đó thôi.
“Nó bảo ra chiến trường để trả thù cho anh nó. Tôi không ngăn cản vì nghĩ đất nước còn bom rơi đạn nổ, là thanh niên trai tráng thì các con phải đi làm nhiệm vụ”.
Sao gần hai năm tiễn Nguyễn Doãn Hai lên đường nhập ngũ, đến cuối năm 1972 gia đình mẹ Hý lại đón nhận tin buồn: đứa con trai thứ hai của bà đã hi sinh tại mặt trận Sông Bé. Anh hi sinh nhưng không tìm được hài cốt nên nghĩa trang Xuân Nộn lại có thêm một ngôi mộ gió.
“Hai đứa hi sinh như thế nhưng một tấm ảnh thờ chúng cũng không có. Khi xưa nghèo khó, có biết chụp ảnh là gì. Ảnh ở cái bằng Tổ quốc ghi công kia cũng chỉ là ảnh vẽ truyền thần, không có giống gì cả” - bà mẹ anh hùng chỉ tay lên bàn thờ, chép miệng phàn nàn.
Người mẹ thời chiến
Dù hai con trai đầu đã hi sinh, nhưng đến cuối những năm 1970, đầu năm 1980, mẹ Hý vẫn động viên để hai người con trai khác là Nguyễn Doãn Thơm, Nguyễn Doãn Tám lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc chiến đấu ở đất nước Campuchia xa xôi...
Mẹ Hý tâm sự khi đó cả làng, cả xã trai tráng đều lên đường chứ không riêng nhà mẹ. Chỉ có điều hoàn cảnh của mẹ khi đó cơ cực hơn người khác. Chồng thì ốm yếu, bệnh dạ dày hành hạ nên không thể làm việc nặng được.
Con cái vẫn “sòn sòn, hai năm một đứa”, nhà thì có đến 2 mẫu ruộng (20 sào lúa, trên 7.000m2), một tay mẹ làm tất từ cày bừa, cấy gặt, bỏ phân.
Tin dữ sau đó về cái chết của hai người con trai đầu khiến bệnh của chồng mẹ ngày càng nặng, và chỉ hơn một năm sau (đầu năm 1974) ông cũng ra đi theo hai đứa con liệt sĩ của mình. Một mình mẹ lại tần tảo tiếp tục thay chồng chăm sóc mẹ già, nuôi bảy đứa con...
Theo lời mẹ Hý, thời điểm hai con trai lớn vào Nam chiến đấu cũng là thời điểm khó khăn nhất của mẹ.
Các em của họ khi đó còn quá nhỏ, chưa giúp đỡ gì được nhiều cho mẹ. Thành ra mỗi ngày cứ 3 giờ rưỡi sáng mẹ đã thức giấc ra đồng cắt cỏ nuôi trâu. Gà gáy tờ mờ sáng, khi làng xóm lục tục ra đồng thì mẹ đã từ đồng về với gánh cỏ nặng.
Cám bã lợn gà đâu đấy, bà lại dắt trâu ra đồng cày bừa. Ngày mùa bà cứ cặm cụi nhổ mạ, cấy lúa, bỏ phân, làm cỏ rồi gặt lúa, đập lúa, phơi phóng đủ việc cứ từ sớm đến nửa đêm. Có lẽ nhờ công việc quá nhiều như thế nên mẹ cũng vơi bớt phần nào nỗi đau mất con.
“Con thương, của xót, nó là khúc ruột của mình, hai đứa hi sinh tôi cũng đau đớn lắm nhưng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, bên ngoài vẫn phải tỉnh táo để phụng dưỡng chồng, nuôi con, nhưng đêm nằm nào có ngủ được đâu. Nhớ đến các con, không biết xương cốt, hồn xác nơi nào thì đau lắm” - mẹ Hý vừa nói vừa kéo vạt áo chấm chấm hốc mắt.
Theo người dân địa phương, sau khi hòa bình lập lại cũng như cho đến giờ này, chưa bao giờ mẹ Hý đòi hỏi chính quyền ưu ái cho mình một chút gì.
Với mẹ Hý, quê hương Đông Anh của bà là vùng đất cổ lịch sử, có truyền thống cách mạng rất đáng tự hào.
Bà nói: “Đất này từng hai lần được chọn làm kinh đô cơ mà, có thành Cổ Loa đấy. Trong kháng chiến chống Pháp, đất này còn được Trung ương Đảng chọn là một trong những an toàn khu. Khi trung ương kêu gọi “tất cả vì miền Nam ruột thịt” thì mỗi gia đình đều hưởng ứng. Tôi đã bảo các con trai mình là cứ đi đi, còn cái răng nào thì bừa cái răng đó”.
“Mẹ Hý đúng là một người phụ nữ phi thường, một hình ảnh tiêu biểu của người mẹ Việt Nam thời chiến. Nói về sản xuất nông nghiệp, cả xã này vẫn phải kính nể mẹ Hý. Tất tả một mình với 2 mẫu ruộng lúa đâu có đơn giản. Nuôi cả đàn con, chăm mẹ chồng già, phục vụ chồng đau yếu. Vậy mà mẹ vẫn trụ vững, một mình chèo lái cả gia đình trong hoàn cảnh chiến tranh, rồi phải chịu đựng thêm nỗi đau mất mát...” - bí thư chi bộ thôn Đình Trung Nguyễn Đức Thành bày tỏ sự ngưỡng mộ. |
________________________________
Kỳ tới: Ngôi nhà thiếu bóng đàn ông
Xem các kỳ trước: >> Kỳ 3: Đêm mơ thấy mộ con trai >> Kỳ 2:Người mẹ 'trăm năm' >> Kỳ 1: 3 lần 'khóc thầm lặng lẽ' |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận