Bài thi viết Người phụ nữ trong tôi
Qua câu chuyện, tôi mới biết để có được cơ ngơi như ngày nay, đời chị đã trải qua nhiều vất vả.
Phóng to |
Chị Phan Thị Vân - Ảnh tác giả cung cấp |
Quê chị ở xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Gia đình chị có 5 người. Trong kháng chiến chống Mỹ, cha mẹ và anh của chị đều lần lượt hi sinh. Khi chị lên tám tuổi, gia đình chỉ còn hai chị em. Thương hai cháu bơ vơ côi cút, dì ruột đưa về nuôi ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang.
Dì thương hai chị em chị như con đẻ nhưng người dượng và các con của dì lại ganh ghét, ăn hiếp chị, đối xử với chị như ôsin trong nhà. Không can được chồng và các con đối xử tệ bạc với cháu ruột của mình, dì gả chị cho một gia đình khá giả trong làng năm chị 16 tuổi.
Tuy nhiên, gia đình chồng cưới chỉ để có người giúp việc. Hằng ngày chị phải ra đồng chăn trâu, làm cỏ. Năm 17 tuổi chị bỏ nhà đi tu. Chị vào chùa với mong muốn tìm được sự bình an trong tâm hồn. Nhưng sự đời không như chị tưởng. Sau vài năm làm công quả, chị lại rời chùa về thị trấn Bình Đại, Bến Tre mưu sinh. Nhờ học được cách chế biến các món chay trong chùa nên hằng ngày với gánh đồ chay chị Vân có thể kiếm sống bằng đi bán dạo khắp thị trấn Bình Đại. Tiền lời kiếm được chị tích lũy dần, sau đó mua nhà và mở quán cơm chay tại thị trấn.
Năm 2002, khi đi dự khánh thành cống đập Ba Lai, huyện Bình Đại, thấy đất đai ở đây bị bỏ hoang nhiều, chị liền nảy ra ý tưởng mua đất đào ao nuôi cá nước ngọt. Thế là chị gom góp vốn và vay ngân hàng thêm 50 triệu đồng để mua 2 ha đất cách cống đập Ba Lai khoảng 1km. Do đất ở đây bỏ lâu không canh tác nên cây dại mọc thành “rừng”, chị đã thuê hàng chục người đến khai phá, nhưng ai bước vào cũng dội trở ra vì ngại "rừng sâu, nước độc". Cuối cùng chị phải tự mình đi trước chặt phá, còn nhân công thu dọn phía sau. Phải mất một năm chị mới san bằng “khu rừng”, thu về trên 100 thước củi. Sau đó chị tự thiết kế ao nuôi cá, hệ thống thủy lợi, trang trại…
Ban đầu chị Vân nuôi cá rô phi, nhưng không lời nhiều. Chị đi Bình Sơn (Đồng Tháp) học kỹ thuật nuôi cá lóc đồng. Trang trại của chị gần biển, nguồn thức ăn có thể mua được giá rẻ. Giá cá vụn, cá ươn ở đây bán chỉ khoảng 1.000-2.000 đồng/kg, làm thức ăn nuôi cá lóc rất lợi… Vì không có kỹ sư hướng dẫn, chị tìm sách nghiên cứu kỹ thuật và làm theo. Bước đầu chị nuôi thử một ao, sáu tháng sau lãi gần 100 triệu đồng. Sau đó chị phát triển lên thành bốn ao (mỗi ao có diện tích 1.000-5.000m2), mỗi vụ chị kiếm lãi đến 300-400 triệu đồng. Những năm gần đây chị đã cho cá lóc đẻ thành công, mỗi vụ tiết kiệm trên 100 triệu đồng tiền mua con giống.
Ngoài cá lóc đồng, chị còn nghiên cứu nuôi ba ba, cá sấu. Trang trại của chị bây giờ có hàng trăm con cá sấu. Chị cũng đã nhân được ba ba giống bán cho người nuôi. “Năm 2012, trừ các khoản chi phí, có thể kiếm được gần nửa tỉ đồng từ nuôi thủy sản”, chị Vân nhẩm tính.
Hiện tại trang trại của chị mở rộng đến 3 ha với 11 nhân công làm việc thường xuyên. Hầu hết những người này đều có hoàn cảnh khó khăn và được chị đối xử như người nhà. Ngoài tiền lương, chị còn bao cơm ngày ba bữa, cho tiền mua thuốc khi ốm đau, sắm quần áo mới cho họ mỗi dịp lễ, tết.
Đất trên bờ ao chị cho công nhân canh tác trồng hoa màu, cây ăn trái. Việc nuôi, chăm sóc đàn cá hằng ngày, chị cùng làm với công nhân, không phân biệt chủ và người làm công.
Là chủ nhưng quan niệm của chị là càng gắn bó, đồng cảm với đời sống, công việc của công nhân thì họ sẽ càng tận tâm, tận lực với mình.
Tiền của làm nên chị Vân còn nghĩ đến người nghèo: “Hằng năm chị Vân đều tặng học bổng cho học sinh nghèo của địa phương. Chị đã ủng hộ 7 triệu đồng cho một hộ nghèo để xây dựng nhà tình thương, đóng góp 100 triệu đồng cho xã làm đường giao thông nông thôn dài trên 4km" - ông Nguyễn Vân Lập, chủ tịch UBMTTQ xã Thạnh Trị, cho biết như vậy.
Người phụ nữ này quan niệm xứ sở của mình vẫn còn nhiều người nghèo nên phải cật lực làm việc để nhường cơm sẻ áo cho họ. Bởi phục vụ người khác cũng là phục vụ khát khao của mình, chị nghĩ như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận