29/04/2019 15:22 GMT+7

Người nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ lý do ưu tiên dùng hàng nội

HÀ MY - NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi
HÀ MY - NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi

TTO - Tin tưởng hàng nội an toàn, chất lượng và cũng muốn ủng hộ nhà sản xuất trong nước, nhiều người nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ họ ưu tiên dùng hàng nội thay vì hàng ngoại nhập.

Người nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ lý do ưu tiên dùng hàng nội - Ảnh 1.

Người dân đi mua sắm tại Hội chợ hàng VN chất lượng cao đang diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Q.11 (TP.HCM) - Ảnh: N.BÌNH

"Chọn hàng trong nước do tin chất lượng" - nhiều người nước ngoài đã trả lời ngay như vậy khi được hỏi họ thường mua hàng hóa trong nước sản xuất hay hàng ngoại nhập. 

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo những chia sẻ của các "thượng đế" dưới đây để nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút người Việt dùng hàng Việt.

* Anh KENNY SAITO (người Nhật): Chúng tôi tin sản phẩm nội địa an toàn

Người nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ lý do ưu tiên dùng hàng nội - Ảnh 2.

Chúng tôi vốn chuộng sử dụng sản phẩm nội địa và luôn truyền miệng nhau rằng sản phẩm của Nhật sẽ an toàn hơn những sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm. Vì thực phẩm nhập khẩu đôi khi sử dụng hóa chất, quy trình mà ở Nhật không được cấp phép hoặc chưa được coi là đạt chuẩn.

Người Nhật chuộng sử dụng sản phẩm nội địa, nhưng đó không phải là sự ủng hộ mù quáng mà do chúng tôi tin rằng chính phủ đã có những quy định khắt khe với nhà sản xuất mà nước ngoài không đảm bảo được. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, đối với thức ăn, đặc biệt là gia vị, tôi nghĩ quan trọng nhất là mua gia vị được sản xuất tại đúng nước sở tại bởi lẽ có vậy mới đúng vị, ăn mới ngon được! Cụ thể, với ẩm thực Nhật Bản ngày càng được ưa chuộng trên thế giới nên có nhiều công ty nước ngoài sản xuất thức ăn của Nhật, nhưng trên thực tế chúng tôi chỉ thấy nực cười khi ăn vì không đúng vị gì cả!

Người Nhật ủng hộ sản phẩm nội địa không chỉ vì tự hào về những gì các công ty của chúng tôi làm được, mà còn vì tin tưởng các công ty và nhãn hàng này sẽ làm "đúng ý" của chúng tôi. Với quan điểm cùng một nền văn hóa dễ hiểu nhau hơn, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn khi mua sản phẩm của nước chúng tôi. 

Một ví dụ cụ thể của việc này là người Nhật thường chọn đi hãng hàng không quốc gia Nhật All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL) dù hiện nay thị trường có nhiều hãng hàng không giá rẻ với giá thành vô cùng cạnh tranh...

Chất lượng hàng hóa và giá cả tương xứng là mối quan tâm hàng đầu của tôi, chứ không phải là nước sản xuất.

Anh KENNY SAITO

* Chị LAURA REHMANN (người Đức): Người Đức dùng hàng Đức do tin nhau

Người nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ lý do ưu tiên dùng hàng nội - Ảnh 4.

Bản thân tôi không ủng hộ những nhãn hàng Đức nói chung mà ủng hộ các sản phẩm được sản xuất tại nước Đức. Vì có những sản phẩm là của Đức nhưng được sản xuất tại các nhà máy ở nước khác nên không thể gọi là hàng Đức chính gốc được.

Bên cạnh đó, nếu những mặt hàng này không được sản xuất tại nước Đức thì cũng không mang lại công ăn việc làm cho nước chúng tôi và cũng không phải tuân thủ tất cả quy định gắt gao do chính phủ và Liên minh châu Âu (EU) đề ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Một trong những thứ mà người Đức vô cùng tự hào và luôn tin dùng sản phẩm của nước mình đó là ôtô. Dù được sản xuất tại Đức và không chịu thuế nhập khẩu, ôtô của Đức vẫn có giá cao hơn xe của các hãng Nhật, Pháp hay Mỹ. 

Việc chạy xe Đức thể hiện sự giàu có, đẳng cấp và phong cách của người mua. Bên cạnh đó, xe Đức vẫn được mọi người mách nhau là bền hơn và hầu như chẳng bao giờ hư hỏng để bạn có cái cớ mua xe mới.

Một món khác mà chúng tôi chỉ tin dùng sản phẩm nước chúng tôi là trái táo. Người Đức thường mua táo của Đức do chúng tôi tin rằng việc vận chuyển các món hàng từ xa, đặc biệt khi chúng tôi có thể tự sản xuất được là phí phạm tài nguyên, giảm đi chất lượng sản phẩm và tăng giá thành. 

Người Đức đặc biệt "phát cuồng" với những món đồ được sản xuất hay trái cây, rau củ được trồng tại chính địa phương của họ. Điều này đặc biệt đúng khi đây là những món chính tay nông dân hay những người sản xuất bán ra, không thông qua một công ty hay cửa hàng lớn nào.

Đặc biệt, ở Đức chúng tôi có nhiều sản phẩm địa phương với giá thành cao, dành cho giới thượng lưu. Có thể kể một trong những thú vui phổ biến của những gia đình có điều kiện là đặt làm nội thất từ những kiến trúc sư nổi tiếng, có tài. Nhìn chung, muốn ủng hộ hàng nội địa thì người dân phải tin tưởng lẫn nhau. 

Tôi chọn sản phẩm của Đức do tôi tin vào những đức tính tốt của người Đức như chăm chỉ, kỹ tính và không làm ẩu, rút ngắn giai đoạn. Do tôi không hiểu rõ những dân tộc khác nên tôi không cảm thấy yên tâm khi mua sản phẩm của họ bằng sản phẩm của nước tôi.

* Ông Herby Neubacher (người Đức, chuyên gia marketing lĩnh vực thực phẩm): Phương châm "Đồ ăn ngon từ nhỏ, bây giờ vẫn ngon"

Trong nền kinh tế thị trường tự do, mọi sản phẩm dù là nội địa hay nhập khẩu đều bị cạnh tranh. Điều đó có nghĩa là thường không có sự ưu ái cho hàng nội địa. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mà sản phẩm nội địa có cơ hội tốt để chống lại sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng hóa nhập khẩu.

Một trong những sản phẩm nội địa này thuộc lĩnh vực thực phẩm. Người tiêu dùng hình thành khẩu vị của mình từ nhỏ và thường ưa chuộng những sản phẩm địa phương. Thế nên chúng ta có thể tận dụng việc này để đánh vào sản phẩm mà họ luôn yêu thích với phương châm: "Đồ ăn ngon từ nhỏ, bây giờ vẫn ngon". Tôi nghĩ cách đó có thể hiệu quả.

Một cách khác nữa là dựa vào đặc sản. Điều này có nghĩa là chỉ ở địa phương đó mới sản xuất được mặt hàng đó chất lượng. Ở Đức, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng các sản phẩm thủ công được sản xuất tại địa phương, thậm chí là các loại bia thủ công. Các mặt hàng này được quảng bá rằng chúng đến từ vùng nào đó, thường có giá cao hơn, và xây dựng được một thị trường tốt với sự ưu ái của người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, giá cả là yếu tố quan trọng. Vậy nên nếu hàng nội địa có giá tốt, đây có thể là một cách để thành công, nhưng không thể là tất cả. Các mặt hàng nội địa nên biết cách quảng bá mình với chiến lược marketing tốt, bao bì đẹp và giải thích được ích lợi của chúng đối với người tiêu dùng.

* Ông DAVID JAMES (người Anh, dạy học tại Cần Thơ): Ủng hộ nông dân trong nước

Người nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ lý do ưu tiên dùng hàng nội - Ảnh 6.

Nông dân ở Anh có thể trồng được hầu hết các loại rau củ, do đó người Anh có xu hướng mua nông sản trong nước để giúp nông dân của chúng tôi có thể trụ vững và tiếp tục sản xuất. Chúng tôi chỉ nhập một số loại trái cây từ nước ngoài do không có khí hậu thích hợp để trồng.

Khi còn sống ở Anh, tôi luôn mua rau củ quả xuất xứ tại Anh. Tôi rất tự hào rằng mọi thứ đều đạt được những tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng của cơ quan chức năng. Tôi không quan tâm đến bao bì đẹp, nhưng rất quan tâm đến chất lượng hàng hóa vì luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu trong mọi quyết định mua sắm.

Sống ở Việt Nam, tôi chỉ có thể mua một số ít sản phẩm chất lượng cao nhập khẩu vì chúng khá đắt tiền. Đã sống quá lâu ở Anh trước khi chuyển đến Việt Nam, tôi khó mà thay đổi khẩu vị và tiêu chuẩn mua hàng của mình. Ví dụ, tôi muốn rau phải thật tươi ngon...

* Anh TANASAK PHOSRIKUN (người Thái Lan, giảng viên đại học): Chính sách cổ vũ hàng nội giúp hồi phục kinh tế

Người nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ lý do ưu tiên dùng hàng nội - Ảnh 7.

Mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu nội địa hay quốc tế là một sự lựa chọn. Ở Thái Lan, chúng tôi có cái nhìn cởi mở về vấn đề này và không đánh giá những người giàu và xài tiền theo cách họ muốn cho dù nó có xa xỉ với số đông.

Ở tầm quốc gia, chính quyền Thái Lan có thể có những chính sách yêu cầu các viên chức nhà nước phải mua và mặc sản phẩm địa phương trong các dịp lễ kỷ niệm hoặc sự kiện đặc biệt. 

Chẳng hạn, tháng tới ở Thái Lan sẽ diễn ra sự kiện lớn là lễ đăng quang của vua Rama X. Để chuẩn bị cho sự kiện này, chính quyền đã yêu cầu người dân mặc áo màu vàng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7. Do đó, mỗi người dân ở khắp nơi trên đất nước Thái Lan sẽ phải mua ít nhất một chiếc áo màu vàng được sản xuất đặc biệt cho dịp này.

Sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 1997 và trong giai đoạn ông Thaksin Shinawatra làm thủ tướng từ năm 2001 đến 2006, Thái Lan có chiến dịch cổ vũ sử dụng hàng nội địa và chương trình xúc tiến du lịch có tên "Amazing Thailand" đồng hành cùng chính sách mỗi làng một sản phẩm du lịch.

Chiến dịch xúc tiến du lịch và chương trình mỗi làng một sản phẩm đã góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương cho đến khi kinh tế Thái Lan hồi phục.

Hàng online, hàng xách tay giá rẻ 'nuốt gọn' hàng trong nước Hàng online, hàng xách tay giá rẻ "nuốt gọn" hàng trong nước

TT - Hàng thời trang mùa tết, các doanh nghiệp trong nước vừa chờ vừa lo. Sức mua thấp, phải cạnh tranh gay gắt với kênh bán hàng online, hàng xách tay, hàng nhập khẩu giá rẻ...

HÀ MY - NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên