30/04/2018 13:56 GMT+7

Người nước ngoài nói người Việt dùng đồ nhựa 'vô tội vạ'

NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi
NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi

TTO - "Ở Việt Nam tôi vẫn tự hỏi tại sao người ta lại cần nhiều túi nilông như vậy, hết lớp này chồng lớp khác, chưa kể ly nước nào cũng phải có ống hút".

Người nước ngoài nói người Việt dùng đồ nhựa vô tội vạ - Ảnh 1.

Siêu thị Co.op Mart (TP.HCM) cung cấp túi nilông tự hủy cho khách hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trò chuyện với Tuổi Trẻ về thói quen sử dụng đồ nhựa "vô tội vạ" - đặc biệt các loại dùng một lần như ống hút, túi nilông - của nhiều người Việt Nam, một số người nước ngoài bày tỏ bản thân họ luôn từ chối sử dụng đồ nhựa hết mức có thể.

* Ông PHILIP GENOCHIO (người Anh): Cấm ống hút nhựa ngay lập tức

philip-genochio---ảnh-ngoc-dong-3(read-only)

Có hai loại đồ nhựa là đồ nhựa dùng một lần và đồ nhựa dùng nhiều lần. Vấn đề nằm ở đồ nhựa dùng một lần, như ống hút, túi nilông, hộp đựng đồ ăn mang đi... 

Ngày nay người ta đã chú ý hơn những vấn đề về môi trường, nhưng ở Việt Nam tôi vẫn tự hỏi tại sao người ta lại cần nhiều túi nilông như vậy, hết lớp này chồng lớp khác, chưa kể ly nước nào cũng phải có ống hút.

Vấn đề rác nhựa ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng và chỉ có hành động quyết liệt mới có thể thay đổi tình thế. Ví dụ, có thể bắt đầu bằng một lệnh cấm ngay lập tức ống hút nhựa? 

Dù ống hút chỉ là một phần của vấn đề nhưng nó đang được dùng quá phổ biến và thường xuyên, nên việc cấm ống hút nhựa sẽ phát đi một thông điệp rất mạnh mẽ về rác thải nhựa.

Ở Anh, việc tái chế các loại rác thải trong gia đình rất phổ biến nhiều năm qua. Chính quyền địa phương cũng phát các thùng rác đặc biệt và có những khu vực dành riêng cho các loại rác tái chế. Nhiều nước cũng có quy định các cửa hàng phải thu phí với túi nilông, nước Anh chỉ mới thực hiện gần đây.

Sống ở Việt Nam nhưng tôi từ chối túi nilông nhiều nhất có thể, thay vào đó tôi thường mang túi của mình và thỉnh thoảng cầm đồ luôn trên tay. Ngoài ra, tôi cũng hay mang đĩa hoặc hộp đến những cửa hàng bán đồ ăn và mua về nhà, không cần sử dụng đồ đựng bằng nhựa mang đi của người bán hàng.

* Cô JULIA MESNER (người Pháp): Hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần

Sau một thời gian sống ở Việt Nam, tôi khá bực mình khi thấy số lượng đồ nhựa khổng lồ được dùng ở mọi nơi. Ống hút nhựa trong mỗi ly nước, số lượng túi nilông mỗi lần dùng nhiều gấp đôi số lượng cần thiết.

Tôi và chồng quyết định thành lập Zero Waste Saigon, mong muốn đây sẽ là mạng lưới tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp giúp giảm bớt việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Chúng tôi tổ chức những buổi hội thảo về lối sống không rác thải. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp các giải pháp thay thế đồ dùng nhựa cho cá nhân và doanh nghiệp, cụ thể là sản phẩm ống hút bằng tre, thủy tinh, cỏ...

Tôi nghĩ giải pháp hạn chế rác thải nhựa ở Việt Nam cần đến từ giáo dục và sự giúp đỡ từ phía chính quyền, ví dụ như xem xét lại quy định đánh thuế đồ nhựa và ban hành những quy định về việc sử dụng đồ nhựa trong các doanh nghiệp. Những sản phẩm tốt, giá thành hợp lý có thể thay thế đồ nhựa cũng là giải pháp hiệu quả.

Việt Nam có thể ban hành lệnh đánh thuế các loại đồ nhựa sử dụng một lần. Ở California (Mỹ), quê hương của chồng tôi, đang thực hiện việc này rất quyết liệt. Còn ở Pháp, các siêu thị đã không được phép sử dụng túi nilông dùng một lần nhiều năm nay.

Julia Mesner

* Chị SHANTOY HADES (người Indonesia): Thách thức lớn nhất là sự thờ ơ

Rác thải nói chung và rác túi nilông là vấn đề đau đầu của Indonesia vì chúng tôi là một đảo quốc. Tôi thấy chừng nào còn suy nghĩ túi nilông không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình, người dân vẫn xài vô tư. 

Chính quyền cũng không có những cuộc vận động mạnh mẽ về tác hại của việc sử dụng túi nilông, các nhà chính trị, các thủ lĩnh xã hội cũng thế. Đa số các cuộc vận động giảm sử dụng túi nilông do sáng kiến của cá nhân hoặc một vài nhóm hoạt động.

Nghĩ đến du lịch Indonesia, đa số đều nghĩ đến đảo Bali. Gần đây, một đoạn video clip quay cảnh rác trôi nổi ở Manta Point, một khu lặn biển nổi tiếng ở Bali và bãi biển Sanur đã làm dậy sóng cư dân mạng về tình trạng ô nhiễm ở thiên đường du lịch của Indonesia. Người dân và những người yêu môi trường đã gom được hàng núi rác.

Một video clip khác gây xôn xao mạng xã hội vào tháng 2-2018 là cảnh con cá nạng hải (loài cá đuối lớn nhất thế giới) bơi cùng túi nilông do một người lặn biển quay được. Người xem vừa giận dữ vừa xấu hổ bởi những video clip thế này dễ dàng hủy hoại hình ảnh của Bali.

Giảm sử dụng túi nilông là một thách thức. Hai năm trước, Indonesia đã ra chính sách về việc trả tiền cho việc sử dụng túi nilông nhưng vấp phải sự phản đối của người dân và chính sách này sớm chết yểu.

Với tôi, thách thức lớn nhất là những người xung quanh không quan tâm môi trường và không có lối sống xanh. Nếu tôi nhắc ai đó đừng xả rác bừa bãi, họ sẽ thấy bị xúc phạm. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng thay đổi nhận thức, hành vi của những người xung quanh khi có thể và tiếp tục duy trì những cam kết cá nhân trong việc giảm rác thải cho môi trường.

* Chị JOANNE CESARIO (người Philippines): Ngưng dùng không khó

joanne-cesario-luôn-dùng-túi-vải---ảnh-nvcc-2(read-only)

Mới đây, Philippines đã đóng cửa hòn đảo Boracay trong 6 tháng để dọn dẹp vệ sinh và chấm dứt tình trạng xả thải thẳng ra môi trường không qua xử lý. 

Trên thực tế, ảnh hưởng của môi trường đến du lịch không chỉ xảy ra ở đảo Boracay mà còn ở một số điểm du lịch nổi tiếng khác.

Năm 2011-2012, Philippines đã hành động trong việc cấm túi nilông tiện lợi. Tuy có phản ứng trái chiều nhưng nhiều người rất ủng hộ nỗ lực này của chính quyền và tự mang theo giỏ, túi khi mua sắm. Vài cửa hàng vẫn còn đưa cho khách hàng túi nilông - nhưng họ phải trả thêm tiền cho khoản này. 

Lệnh cấm giúp khuyến khích việc sử dụng túi tái chế và tái sử dụng túi. Cá nhân tôi không thấy khó khăn khi không dùng túi nilông dù rất hay quên chuẩn bị túi trước khi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, với những người buôn bán nhỏ, việc giảm sử dụng túi nilông khó khăn hơn nhiều khi vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào túi nilông để đựng đồ cho khách.

Để chuyển sang thực hành một lối sống xanh, ít ảnh hưởng nhất đến môi trường, thách thức lớn nhất của tôi là xác định xem phải bắt đầu từ đâu. Là người sinh trưởng ở miền núi, tôi nhận thức rõ nguyên tắc "Không để lại" (rác phải được mang về, vùng núi phải ở tình trạng ban đầu của nó trước khi bạn đến) và áp dụng tối đa nguyên tắc này vào cuộc sống cho cả những nơi khác tôi đến dù đó là nhà hàng, quán ăn, khu cắm trại.

* Tiến sĩ DAVID SAIIA (người Mỹ): Biến rác thải nhựa thành vật liệu giá trị

david-saiia-3(read-only)

Nhựa là chất thải phải mất rất nhiều thời gian để phân hủy sinh học. Nhựa gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với sinh vật biển khi chúng nhầm lẫn nhựa với thức ăn, gây ra nhiều trường hợp tử vong do nghẹt thở và tắc nghẽn tiêu hóa.

Không chỉ vậy, nhựa tiếp tục vỡ thành những miếng nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa và cũng bị động vật biển ăn. Ở dạng này, những hạt vi nhựa có thể tiến vào chuỗi thức ăn, thậm chí có mặt trong thức ăn của con người.

Đứng trước vấn nạn không chỉ của riêng Việt Nam mà của toàn cầu này, chúng tôi thành lập Reuse Everything Institute, Inc. (REII), một tổ chức phi lợi nhuận nhằm quản lý rác thải tốt hơn cho tương lai bền vững.

REII đã phát triển một quy trình giúp tái sử dụng chai nhựa bằng cách cắt chúng thành những sợi dài và dùng chúng làm ra nhiều sản phẩm khác. Chúng tôi đến Việt Nam để hoàn thiện máy móc với các đối tác ở Đà Nẵng và dự định phân phối các máy này đến những người thu mua ve chai.

Giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa là biến rác thải thành vật liệu có giá trị để người ta không ném chúng đi. Nếu có thể kiếm sống bằng cách thu gom rác và chuyển đổi nó thành các sản phẩm giá trị, người ta sẽ không vứt nhựa ra bãi rác hoặc ra biển.

Sau cùng, chúng tôi có thể sử dụng vi khuẩn để phân hủy nhựa thành phân bón. Đó là giải pháp "trọn đời" cho chất thải nhựa.

Mỹ cũng đối mặt với vấn đề này như Việt Nam, nhưng chúng tôi có các quy định và những biện pháp khuyến khích việc tái chế. Tuy nhiên, tái chế và tiêu hủy rác thải nhựa không phải là hoạt động bền vững - cả về mặt kinh tế lẫn môi trường. Nhựa là nguồn tài nguyên quý giá và phải được sử dụng một cách khôn ngoan.

Với chương trình của mình, chúng tôi cố gắng tái sử dụng nhựa hiện có, đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho người thu gom rác thải, cũng vừa giúp giảm rác thải và giảm nhu cầu nhựa nguyên sinh.

NGỌC ĐÔNG ghi

'Gọi đồ uống, tôi đâu xài ống hút, người ta cứ mang' "Gọi đồ uống, tôi đâu xài ống hút, người ta cứ mang"

TTO - Chỉ sử dụng được một lần và không thể tái chế, ống hút nhựa - thứ mà con người sử dụng hằng ngày - đang bao phủ khắp các đại dương.

NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên