Việc này giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, nhất là khi điều trị ARV là liên tục và suốt đời đối với những người mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, năm 2015, Chính phủ đã bổ sung 60 tỷ đồng mua thuốc ARV, nâng kinh phí từ 5% lên 15%, nhưng đây vẫn là con số khiêm tốn trước bối cảnh tài trợ rút đi.
Bộ Y tế xác định giải pháp trước mắt, trình Chính phủ bổ sung kinh phí bù đắp sự thiếu hụt nguồn kinh phí mua thuốc ARV khi các tổ chức quốc tế rút dần tài trợ. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài và bền vững cho điều trị ARV là thanh toán điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bao gồm cả ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT). Bất kỳ ai khi tham gia BHYT đều được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Đối với người nhiễm HIV, thuốc ARV đã nằm trong danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả.
Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh.
Cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…
Thuốc ARV là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch. Lợi ích của thuốc ARV là rất lớn, do vậy Việt Nam đã và đang mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV.
Thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi từ năm 2004, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 90 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Theo thống kê, tính đến cuối tháng 10/2015 đã có hơn 100.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV, tất cả là miễn phí và chủ yếu từ nguồn thuốc viện trợ.
Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.
Mặc dù điều trị bằng ARV sớm có lợi ích rất lớn nhưng hiện nay mới có khoảng 45% người nhiễm HIV được chẩn đoán tham gia chương trình điều trị ARV với khoảng 102.000 người. Phần lớn nguồn thuốc ARV, chiếm khoảng 95%, được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế và các tổ chức quốc tế đang thực hiện lộ trình cắt giảm, tiến tới kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận