Lady Gaga - I'll Never Love Again (A Star Is Born)
Đó có lẽ là lý do mà A star is born, dù đã được làm đến lần thứ tư, vẫn cứ luôn ám ảnh: một nghệ sĩ nổi tiếng trượt dài trên hành trình tồn tại và tự tìm đến cái chết để giải thoát khỏi việc lay lắt sống.
Thất lạc cõi người
Trong bản phim năm 1937, nhân vật Norman chìm xuống biển Thái Bình. Tới bản năm 1954 (với Judy Garland và James Mason tham gia hai vai chính), nhân vật nam cũng tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy xuống đại dương.
Nhân vật John trong bản phim năm 1976 (của Barbra Streisand và Kris Kristofferson) thì lái xe bạt mạng và mất mạng trong một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc.
Còn đến bản phim năm 2018 của Bradley Cooper và Lady Gaga, người nghệ sĩ tuyệt vọng Jackson Maine lảo đảo treo mình bằng chiếc thắt lưng ngay trong chính ngôi nhà xinh xắn - nơi anh và vợ đã có những tháng ngày hạnh phúc và nếu như anh không chết, trước mắt họ sẽ là cả một mùa hè hạnh phúc.
Một nửa thời gian trong đời, Jackson Maine sống trong trạng thái không tỉnh táo. Anh uống rượu mạnh thay nước, rồi hít heroin, không thể ngăn lại việc tự hủy hoại đời mình.
Đối lập với Ally - người vợ của anh, tình yêu bất tử của đời anh, một siêu sao nhạc pop bị biến thành con rối bị giật dây bởi ngành công nghiệp ghi âm, Jackson Maine và sự bê bối, rũ rượi, thảm hại cùng tính tự hủy là dấu hiệu nhận biết cho thứ nghệ thuật chân chính và thuần khiết.
Đó, đau đớn thay, là một nghịch lý. Rằng nghệ thuật đích thực đưa con chiên tới thăng hoa cảm xúc, thì cùng một lúc cũng đưa họ lao đầu vào bi kịch "nhân gian thất cách" - mất tư cách làm người.
A STAR IS BORN - Official Trailer 1
Những bông hoa thủy tiên
Người ta vẫn nhớ tới Kurt Cobain, chàng trai trẻ với mái tóc vàng, đôi mắt xanh thăm thẳm buồn của những năm 1990. Hát thứ nhạc grunge cào xé, anh là biểu tượng của một thế hệ thiếu niên tuột xích khỏi đường ray xã hội, những kẻ nổi loạn, liều lĩnh, bất cần đời, không hối cải.
The Doors - Ảnh: IMDb
Kurt tự sát năm 27 tuổi. Trong thư tuyệt mệnh, anh tự nhận mình là một "kẻ tự yêu bản thân" - nguyên văn tiếng Anh là "narcissist", nghĩa khác là hoa thủy tiên, bắt nguồn từ truyền thuyết chàng trai hoa thủy tiên vì mải ngắm mình trên mặt nước mà lộn cổ chết.
Sự tự hủy của Kurt bắt nguồn chính từ sự yêu bản thân. Trong bộ phim tài liệu Kurt Cobain: Montage of heck (2015) của đạo diễn Brett Morgan, những hình ảnh và lời kể chắp nối về Kurt thêu dệt lại thành hình ảnh của một ngôi sao cô độc, giằng xé, buông tuồng, chiều chuộng bản năng.
Janis: little girl blue - Ảnh: IMDb
Tình yêu bản thân một cách độc hại đó bắt nguồn từ sự bị chối bỏ trong thời thơ ấu. Kurt bị chối bỏ bởi gia đình, bởi bạn bè. Anh tìm cách tự sát lần đầu khi mới mười mấy tuổi: cậu bé Kurt ngồi trên đường ray tàu hỏa, đợi đoàn tàu cán qua đến khi con tàu đi đến, nhưng lại đi đường ray bên cạnh.
Trước đó mười năm đã có một tác phẩm khác mô tả về cuộc đời Kurt qua chính giọng nói của anh, tác phẩm mang tên Kurt Cobain: About a son.
Cả bộ phim là một chuỗi hình ảnh về Aberdeen, Olympia, Seattle - những chặng dừng chân trong đời Kurt, chỉ có tiếng nói của anh dìu dặt vang lên, đôi khi như tiếng cầu kinh của một con chiên không được vào Nước Chúa.
A star is born và Amy - Ảnh: IMDb
Bùng cháy và bất hạnh
Lời nguyền tuổi 27 dường như thường vận vào những "bông hoa thủy tiên", ngoài Kurt Cobain còn có Amy Winehouse, Jim Morrison, Janis Joplin, Jimi Hendrix...
Cobain: montage of heck -Ảnh: IMDb
Xem những bộ phim tài liệu về họ, chẳng hạn như Amy (2015), The Doors (1991) hay Janis: little girl blue (2015), câu chuyện dường như chỉ là thay đổi bối cảnh, thay đổi sân khấu, thay đổi nhân vật nhưng nội dung là một, vẫn là những thiên tài âm nhạc vật lộn với con ác quỷ hoành hành trong tâm hồn - chứng biếng ăn, chứng trầm cảm, ảo giác, mộng du, co giật, thương tổn nội tâm, một cơ thể bị vô hiệu hóa bởi chất cồn và ma túy. Họ đều có tình yêu, nhưng tình yêu không cứu chuộc nổi họ.
Và khi xem A star is born (2018), khi tới đoạn Jackson ngả nghiêng bước lên sân khấu Grammy như một thây ma mất trí, làm sao bạn có thể không nghĩ tới hình ảnh Kurt Cobain đầu tóc rũ rượi nằm sõng soài trên sân khấu, hay Amy Winehouse say khướt trong buổi biểu diễn năm 2011, đứng trước hàng ngàn khán giả thành phố Belgrade, cô hồn nhiên gửi lời chào tới Athens và rồi không thể hát nổi một từ.
Amy - Ảnh: IMDb
Những nghệ sĩ đó, họ lặp lại cùng một bi kịch, họ bị bỏ rơi, buộc phải tự yêu bản thân và tình yêu ấy cực đoan tới nỗi họ nhất quyết không thỏa hiệp với sự bất toàn của thế giới. Kurt Cobain không có khả năng đề kháng với những lời công kích, dù là nhỏ nhất.
Jackson Maine không thể chấp nhận một ngành công nghiệp ghi âm vươn vòi bạch tuộc, biến âm nhạc thành thứ kẹo ngọt giả trá. Amy Winehouse thất bại trong những mối quan hệ rối rắm của chính mình.
Hãy cứ cho rằng họ đã sống một cuộc đời bùng cháy, thi vị, can đảm như cách người ta thường "thiêng hóa" số mệnh người nghệ sĩ, nhưng thực tế họ cũng đã sống một cuộc đời đáng thươngvà bất hạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận