Anh Divyanshu Ganatra (phải) và một người bạn đồng hành - Ảnh: Entrepreneur
Tôi không sẵn sàng cho một cuộc sống dựa vào sự cảm thông của mọi người. Phải mất một thời gian tôi mới lấy lại được tinh thần vững vàng và sức khỏe thể chất. Tôi hiểu mình thuộc về bên ngoài và dần dà bắt đầu tham gia trở lại đạp xe cùng những hoạt động khác như leo núi
Vốn là một thiếu niên đam mê các trò thể thao vận động như đạp xe, leo núi, sau cơn bạo bệnh thì tất cả niềm vui này vụt biến mất và Divyanshu Ganatra hiểu cuộc đời mình đã hoàn toàn thay đổi.
Những người bạn chung đam mê đã không còn đến rủ anh đi chơi, vì họ tin là khi không còn nhìn thấy đường anh sẽ không thể tham gia cùng các hoạt động thể thao như trước.
"Tôi đoán đó cũng là ngày mình nhận ra lý do vì sao gần như không ai trông thấy những người khuyết tật. Họ có ở khắp nơi quanh chúng ta, nhưng bạn chẳng bao giờ biết họ. Bạn không thấy họ tại những không gian công cộng, bạn không thấy họ ở nơi làm việc, bạn cũng không thấy họ trong các rạp chiếu phim" - anh nói.
Bản thân anh Divyanshu cũng bắt đầu hành trình chinh phục Himalaya bằng xe đạp từ nỗi muộn phiền và mệt mỏi sau bạo bệnh.
Anh tới những trung tâm phục hồi chức năng với hi vọng được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cuộc sống, nhưng rồi không thể ở lại đó lâu vì người ta chỉ khuyên anh nên theo đuổi đúng hai nghề là làm nhân viên tổng đài hoặc công nhân làm phấn.
Tuy nhiên, Divyanshu rất tin rằng người khuyết tật có thể làm được nhiều điều hơn hẳn những gì mà xã hội hình dung về họ.
Năm 2014, anh là người mù đầu tiên tại Ấn Độ đã có màn "solo" với dù lượn. Thành tựu tuyệt vời này đã tiếp thêm động lực mạnh mẽ để năm 2014, anh Divyanshu Ganatra khởi động tổ chức thiện nguyện mang tên Adventures Beyond Barriers Foundation (ABBF) nhằm thay đổi những điều chưa ổn trong cách nhìn của xã hội với người khuyết tật như anh.
ABBF được thành lập và hoạt động trên cơ sở hợp tác với một thương hiệu xe đạp nhập khẩu hàng đầu tại Ấn Độ, chủ yếu dòng xe đạp địa hình là Firefox Bikes.
Divyanshu tin rằng chỉ thể thao mới có thể kết nối hai thế giới của người lành và người khuyết tật, chỉ thể thao mới xóa bỏ quan niệm sai lầm cố hữu khi mọi người không tin vào khả năng của người khuyết tật.
Mục đích của ABBF là gây dựng sự đồng cảm giữa những người bình thường và người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật khác tại Ấn Độ có cơ hội tham gia các môn thể thao khám phá ngoài trời.
Vì mục tiêu đó mà độ tuổi các thành viên tham gia rất rộng, từ 15 đến 70, còn kinh nghiệm đạp xe thì gồm cả những tay lái kỳ cựu tới những người có thể chỉ lần đầu tiên biết điều khiển phương tiện này.
Từ năm 2014, mỗi năm anh đều tổ chức chương trình khám phá bằng xe đạp dài 500km trên dãy Himalaya cho những người mù.
Năm 2016, anh Divyanshu Ganatra đã trở thành người mù đầu tiên của Ấn Độ đạp xe đạp đôi chinh phục chặng đường 550km trong tám ngày vượt hành trình từ Manali tới Khardung La trên dãy Himalaya.
Và năm nay là năm thứ tư anh Divyanshu Ganatra có mặt trên chặng hành trình đặc biệt cùng những người bạn khuyết tật khác. Năm nay sẽ có năm cặp đôi "cuarơ", gồm các thành viên đều là người khuyết tật trên năm chiếc xe đạp đôi chinh phục hành trình vượt đèo leo dốc ở Himalaya.
Vì là người tổ chức nên Divyanshu Ganatra không chỉ đạp xe, anh còn lo lắng mọi công tác hậu cần, chuẩn bị khác cho mọi người.
"Đó là một điều hoàn toàn mới mẻ. Tôi chẳng bận tâm gì về chuyện đạp xe. Phần khó khăn nhất chính là tập hợp các nhân viên hỗ trợ, thuốc men và xe đạp. Có rất nhiều thứ phải tính đến và thật may mắn là mọi thứ đều đã ổn" - anh chia sẻ.
Năm ngoái, tham gia hành trình chinh phục Himalaya của anh có em Manasvi, 15 tuổi, bị khiếm thị. Cô bé là thành viên trẻ nhất trong đội "cuarơ" năm ngoái. Em đã cùng cha tham gia thử thách đặc biệt trên chiếc xe đạp đôi với niềm hứng khởi tuyệt vời.
Báo Hindustantimes ghi lại những chia sẻ của Manasvi khi ấy: "Bố và em đã nghe rất nhiều loại nhạc khác nhau trong khi đạp xe và cả hai cha con đều hát vang".
Với nhiều người, bị mù là một rào cản. Nhưng anh Divyanshu Ganatra, nay đã 40 tuổi, không nghĩ thế. Ở tuổi 40, anh tràn đầy niềm vui, hứng khởi bên những người bạn và các dự định cùng ABBF.
Mặc dù thường được nhắc tới như một tấm gương truyền nghị lực và cảm hứng sống với những người khác, song bản thân anh Divyanshu không thích điều đó. Anh chia sẻ với trang Youstory: "Chẳng có gì gọi là "truyền cảm hứng" về những việc tôi đã làm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận