Gửi tới vợ yêu dấu: Nguyễn Thanh Thuỳ, giáo viên trường Mầm non Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái
Nhưng sự thật đó vẫn đang diễn ra trên quê hương tôi, hay nói đúng hơn là trên vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Và trong tình cảnh như thế đã xuất hiện những con người nhiệt tình và giàu lòng nhân ái, những trái tim nhân hậu, những nghị lực phi thường. Và một trong số đó là người vợ thân yêu của tôi, một giáo viên mầm non trẻ trung và đầy nhiệt huyết.
![]() |
Ảnh minh họa của trang thiệp điện tửTTO |
Năm năm học Đại học xa quê, mọi thứ ở quê hương tôi đã thay đổi rất nhiều. Điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt là trên vùng đồng bào dân tộc, ở mỗi thôn đều có một cơ sở của trường Mầm non Hồng Ca, và trên mỗi cơ sở ấy là hai giáo viên đứng lớp. Những tưởng với sự đầu tư về cả cơ sở lẫn con người như thế, mọi trẻ em đều được đi học và đi học. Nhưng thực tế lại không phải như vậy khi mà nhận thức của bà con bản Mông chưa thật sự cao. Chính vì thế nên chuyện những ngày mưa gió, lớp học không có học sinh vẫn thường xuyên diễn ra.
Tôi quen em khi tôi về quê thực tập tốt nghiệp. Khi đó, em mới về quê tôi dạy học năm đầu tiên. Em được phân công dạy học trên Khe Ron, thôn nằm sâu nhất của xã Hồng Ca. Mới đầu tôi chỉ có ấn tượng ở sự trẻ trung, thân thiện và năng nổ của em, nhưng càng tiếp xúc, chàng nghe em kể về chuyện dạy học của em tôi càng quý mến em hơn. Một cô giáo hết lòng thương yêu học trò, một sự hi sinh cao cả của một cô giáo trẻ cho đồng bào dân tộc vùng núi.
Nghe em kể về những ngày đầu tiên đứng lớp, tôi thật sự thương em, một cô giáo người Kinh không biết nói và nghe tiếng dân tộc, trong khi trẻ em ở đây không biết nói tiếng Kinh. Nhưng em vẫn mỉm cười vui vẻ, bởi em yêu mến sự ngây thơ của các em nhỏ. “Ngôn ngữ không phải chỉ thể hiện duy nhất qua miệng mà còn qua cả cử chỉ và hành động”, tôi thích câu nói này của em, tôi thích cách mà em làm...
Những ngày trời không mưa thì không nói làm gì, bởi em vẫn bình thường vượt qua hơn 5km đường từ trung tâm xã để lên bản dạy học. Và trên đó, các em nhỏ cũng đang chờ cô giáo thân yêu của mình. Nhưng những ngày trời mưa thì lại khác, đường đất, dốc và trơn, em đi lại vô cùng khó khăn. Nhưng quãng đường khó đi đó đã không thể ngăn cản bước chân em, không thể ngăn cản tình yêu của cô giáo thành thị với núi rừng.
Em vẫn đến lớp đúng giờ, chỉ có điều... lớp học không có học sinh. Chắc không ít người sẽ ngạc nhiên, nhưng riêng tôi, một người sinh ra, lớn lên và sẽ gắn bó với mảnh đất thân yêu này thì lại thấy chuyện đó là bình thường, bởi đơn giản, mưa gió, trẻ em ngại đi học và bố mẹ ngại đưa con em đến trường. Nếu như ở thành phố, trẻ em được đưa đi, đón về, thì ở trên bản Mông, điều đó rất ít diễn ra... và em, người con gái mảnh dẻ ấy, cũng chính là người đưa, đón trẻ.
Em phải đến từng nhà mỗi em nhỏ để đón các em đến lớp. Việc này tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu mọi người hình dung ra, ở trên vùng núi, nhà ở thưa thớt, đường đất trơn khó đi (Đấy là sau này, khi em đã biết nhà học sinh của mình, còn trước đó còn khó khăn hơn nhiều vì vừa đi vừa phải hỏi nhà) thì sẽ thấy việc làm đó khó khăn như thế nào. Có lẽ cũng vì thế mà các em nhỏ ở đây luôn xưng “con” gọi “mẹ” với em, tình mẹ con không đơn thuần là tình cảm của cô giáo và học sinh.
Tôi ra trường, trở về quê hương làm việc và yêu em lúc nào không hay. Tấm lòng của em với quê hương tôi, tình cảm của em dành cho các em nhỏ đồng bào dân tộc, sự nhiệt tình và tâm huyết với nghề nuôi dạy trẻ làm cho em toả sắc rực rỡ như đoá hoa rừng mùa xuân. Em đã làm cho mọi người trở nên gần gũi nhau hơn, xoá dần đi khoảng cách vô hình giữa các dân tộc ở địa phương. Nghe trẻ em H’Mông nói líu lo “Mẹ Thuỳ”, nghe các cụ, các bác, anh chị dân tộc H’Mông gọi cô giáo Thuỳ yêu quý, tôi thật sự khâm phục em.
Giờ đây, tôi và em đã là vợ chồng, em vẫn làm công việc cao cả của mình, vẫn đang thắp sáng tâm hồn cho biết bao em nhỏ. Tôi chỉ biết quan tâm, chăm lo cho em và giúp đỡ em những gì có thể, bởi công việc cao cả của em không phải ai cũng làm được.
Em là “mẹ” của biết bao em nhỏ, là “con” của biết bao gia đình dân tộc. Tôi tự hào về em, về người vợ hiền dịu của mình, và muốn gửi tới em những lời tri ân sâu sắc nhất từ núi rừng. Cảm ơn em đã giúp quê hương tôi ươm lên những mầm xanh, cảm ơn em đã tạo cầu nối cho các dân tộc quê tôi xích lại gần nhau hơn. Tôi yêu em bằng cả trái tim và tâm hồn mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận